Trước cuộc đàm phán thương mại ngày 30/7, hai bên đều phát đi những tín hiệu trái chiều, cho thấy chưa bên nào muốn nhượng bộ đối phương… (Nguồn: CNN) |
Gần ba tháng sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc rơi vào bế tắc, các quan chức cấp cao giữa hai nước sẽ gặp nhau trong tuần này ở Thượng Hải để tháo gỡ những bất đồng trong cuộc chiến thương mại kéo dài một năm. Tuy nhiên, kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại vẫn đang ở mức rất thấp.
Khoảng cách hai bên vẫn còn xa
Trang Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đưa ra quan điểm sẵn sàng mua thêm hàng triệu tấn đậu tương từ các công ty Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ, như bông, thịt lợn, lúa miến, lúa mì, ngô…
Tờ Nhân Dân nhật báo cũng cho biết, động thái trên của Trung Quốc thể hiện thiện chí nhằm thực hiện đồng thuận mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được tại cuộc gặp ở Osaka (Nhật Bản) vào tháng trước. Ngoài ra, Trung Quốc cũng kêu gọi đáp lại thiện chí nói trên.
Tổng thống Trump cũng đã trao đổi với các giám đốc công nghệ hàng đầu của Mỹ về lệnh cấm bán sản phẩm cho ''gã khổng lồ'' công nghệ Trung Quốc Huawei. Theo đó, có khả năng phía Mỹ sẽ ‘‘nới lỏng’’ lệnh cấm này.
Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao ở Washington vẫn dè dặt về khả năng nhanh chóng đạt thỏa thuận với Trung Quốc. "Vẫn còn một khoảng cách lớn giữa hai bên trong những vấn đề quan trọng nhất. Cho đến nay, vẫn chưa có phương hướng rõ ràng cho một thỏa thuận toàn diện", chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Robin Xiang tại Morgan Stanley ở HongKong nhận định.
Trong khi đó, một quan chức trong chính quyền Mỹ lo ngại rằng, vai trò của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan tại Thượng Hải có thể là điềm xấu cho các cuộc đàm phán. Bộ trưởng Zhong Shan có tiếng là một nhà đàm phán cứng rắn. Quan chức phía Mỹ cũng cho rằng, vị bộ trưởng này có thể khiến các cuộc thảo luận trở nên gay gắt hơn.
Dù không đề cập trực tiếp đến ông Zhong Shan, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow gần đây đã nhiều lần cảnh báo rằng, sự tham gia của "những nhân vật có đường lối cứng rắn" vào đội ngũ đàm phán thương mại của Trung Quốc có thể cản trở nỗ lực đạt thỏa thuận, theo đó có thể dẫn tới việc ông Trump sẽ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc như đã cảnh báo.
Đang tồn tại một chiến thuật trì hoãn?
Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc có ba yêu cầu chính trong lần đàm phán này, đó là: Loại bỏ lập tức tất cả các mức thuế hiện có, một thỏa thuận chung công bằng và mục tiêu cho việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ phải phù hợp với thực tế.
Tờ Nhân Dân nhật báo khẳng định trong một bài bình luận, rằng cuộc đàm phán lần này sẽ không có kết quả. Theo đó, Mỹ nên dỡ bỏ tất cả các mức thuế bổ sung trước - nếu muốn đạt được thỏa thuận. Trung Quốc không sợ các mối đe dọa của Mỹ về việc áp thuế quan đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Vì vậy, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau sẽ là cách duy nhất để đạt được thỏa thuận.
Về phía Mỹ, trong số các yêu cầu của cơ bản là cải cách cơ cấu đối với nền kinh tế Trung Quốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mối quan hệ thương mại cân bằng hơn thì Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, mục tiêu của Tổng thống Trump là có được một thỏa thuận đúng đắn.
Bên cạnh đó, Huawei cũng là một điểm gây tranh cãi quan trọng trong lần đàm phán này. Tuần trước, Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngăn chặn một dự thảo luật đề xuất không cho phép Huawei tiếp cận với bằng sáng chế Mỹ.
Ngày 26/7, Tổng thống Trump đã đưa ra quan điểm bi quan về việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Ông cho rằng, Bắc Kinh có thể không ký một thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại trước cuộc bầu cử diễn ra tháng 11/2020 với hy vọng một ứng viên từ đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng và các cuộc đàm phán sẽ diễn ra một cách dễ dàng hơn. Ông Trump nhận định, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật trì hoãn và ông nghi ngờ về khả năng hai bên sớm đạt được một thỏa thuận thương mại, khi các nhà đàm phán hai nước sẽ gặp nhau tại Thượng Hải vào ngày 30/7 tới.
‘‘Trung Quốc sẽ không nhượng bộ mạnh mẽ, vấn đề của Mỹ là liệu họ có muốn chấp nhận thỏa hiệp hay tiếp tục leo thang căng thẳng thương mại’’, David Dollar, Thành viên cao cấp của Viện Brookings ở Washington nhận định.