TIN LIÊN QUAN | |
Mùa lễ hội 2017: Vẫn còn nhiều phản cảm | |
Sôi động lễ hội cướp Phết Hiền Quan 2017 |
Đi lễ đầu năm vốn là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, có người lo ngại chúng ta đang đua nhau tổ chức các lễ hội? Ông nghĩ gì về điều này?
PGS.TS. Lê Quý Đức: Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chúng ta hiện có gần 9.000 lễ hội. Tất nhiên, bên cạnh nhiều lễ hội đã mai một, cũng có thêm lễ hội mới được tổ chức. Lễ hội là một di sản văn hóa nên sẽ phải tồn tại cùng với ba hình thức: giữ nguyên vẹn, kế thừa-chọn lọc và kế thừa-phát triển. Ba hình thức này đều đang nở rộ ở nhiều nơi.
PGS.TS. Lê Quý Đức. (Ảnh: An Bình) |
Thật khó để khẳng định hình thức nào là tốt vì mỗi xu hướng đều có lý riêng. Hiện nay, nhiều lễ hội dân gian như cướp phết, chém lợn, treo đầu trâu... vẫn được tổ chức và nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí nhiều người dân còn cho rằng, đi hội mà không cướp phết thì còn gì là hội. Dân gian vẫn nói “tả tơi xem hội” là thế. Về hướng kế thừa - chọn lọc, cũng chưa chắc chúng ta luôn chọn lọc được cái tốt so với tình hình biến tướng lễ hội hiện nay.
Với hướng kế thừa - phát triển, theo tôi, đây là xu hướng mạnh nhất. Chẳng hạn như tại Lễ hội Tịch Điền nổi tiếng ở Duy Tiên, Hà Nam đã tổ chức thêm hình thức mới như cuộc thi vẽ trên mình trâu... Những hình thức đã phong phú thêm hoạt động lễ hội cho nhân dân.
Các lễ hội Xuân đã diễn ra hơn 1 tuần, ông có nhận xét gì về công tác tổ chức năm nay?
Chưa thể có những đánh giá đầy đủ về công tác lễ hội năm nay. Tuy nhiên, qua các phương tiện truyền thông và khảo sát một số nơi, tôi nhận thấy đã có sự chuyển biến về mặt quản lý của cơ quan nhà nước và nơi tổ chức. Sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy những dấu hiệu tích cực như ở Lễ hội Chùa Hương đã giữ an toàn hơn về giao thông, hạn chế cò xe, cò đò, tăng lực lượng bảo vệ; tại Lễ hội Gióng đã không không có cảnh bạo lực… Tuy nhiên, ở nhiều đền, chùa vẫn còn đặt quá nhiều hòm công đức, hiện tượng tranh cướp lộc dưới nhiều hình thức vẫn diễn ra, hay cảnh người dân rải tiền lẻ một cách vô tội vạ…
Vậy ông suy nghĩ gì về những hiện tượng biến tướng – “căn bệnh trầm kha” của những mùa lễ hội?
Đây là sự phát triển hơi quá đà, như nhà chùa đi làm lễ dâng sao giải hạn, nhà sư lại làm đồng cốt... Những biến tướng khác là lợi dụng lễ hội để bán hàng “chặt chém”, hay tự thổi phồng những giá trị linh thiêng để thu hút nhiều người tới hành hương… Những biến tướng này đang làm dung tục hóa nơi thờ tự linh thiêng hoặc làm xấu xí đi nét đẹp văn hóa của việc đi lễ đầu năm.
Gần đây ông có đưa ra khái niệm “tham nhũng tinh thần”, trong đó nhấn mạnh về sự tham nhũng về mặt tâm linh. Ông có thể giải thích rõ hơn về hiện tượng này?
Theo tôi, tham nhũng tinh thần có hai loại: tham nhũng tinh thần thế tục (sự tham nhũng thế lực bằng cách chạy chức tước, danh hiệu được tôn vinh, chạy bằng cấp…) và tham nhũng tinh thần tâm linh (như chạy con số xe đẹp, hướng nhà đẹp, hái nhiều lộc, muốn nhờ cửa thần thánh để chạy tội, chạy quyền chức…).
Tín ngưỡng và việc cầu nguyện là quyền của mỗi người dân nhưng đừng nên thái quá. Vật chất hóa nơi thờ tự bằng cách đua nhau làm lễ to (giống như kiểu đi “chạy chọt thần thánh”) đã vô tình làm mất đi giá trị thiêng liêng nơi thờ cúng. Hiện nay, nhiều cá nhân đã lợi dụng ngày lễ để kiếm lợi, hay tại nhiều địa điểm di tích đặt quá nhiều hòm công đức mà không ai có thể kiểm soát việc nó có được dùng đúng mục đích…
Vậy theo ông, nên đi lễ thế nào cho đúng với tín ngưỡng văn hóa dân gian?
Các nhà sư đã nói việc đi lễ chùa đầu năm là để thăm viếng chùa cho tâm hồn được thanh thản, được hanh thông và gạt bỏ những gì không tốt trong năm cũ. Con người khi gặp khó khăn vẫn có ý nghĩ dựa vào thế lực tâm linh để được an ủi và an tâm hơn. Tuy nhiên, đừng nên vật chất hay thần thánh hóa nơi thờ tự!
Người dân đi lễ tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: An Bình) |
Lâu nay, chúng ta nói nhiều về văn hóa lễ hội. Là nhà nghiên cứu văn hóa trong nhiều năm, ông gợi ý những giải pháp nào để hoạt động tổ chức các lễ hội đầu năm phản ánh đúng nét đẹp văn hóa của người Việt?
Có lẽ, bên cạnh sự chỉ đạo chặt chẽ của Nhà nước và các cơ quan quản lý, trước hết, người dân nên tự giác hơn. Thứ hai, về mặt khoa học, chúng ta nên nghiên cứu thấu đáo về 3 quan điểm bảo tồn di sản (giữ nguyên vẹn, kế thừa – chọn lọc, kế thừa – phát triển) để đưa ra những định hướng chuẩn về lễ hội. Thứ ba, cần tiếp tục tuyên truyền mạnh để giáo dục quần chúng nhân dân về văn hóa tâm linh và văn hóa đi lễ hội.
Điều quan trọng nữa là chúng ta cần làm cho xã hội giảm thiếu tối đa tiêu cực và những căng thẳng xã hội như tai nạn giao thông, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, tham nhũng... dẫn đến những hành động thái quá và cuồng tín tại chốn tâm linh. Con người cần củng cố niềm tin thế tục và tin vào những giá trị của cuộc sống thực.
Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng 2017 lớn nhất khu vực Đông Nam Á Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 với chủ đề “Tỏa sáng Ngũ Hành Sơn” dự kiến có sự tham gia của 8 ... |
Độc đáo những lễ hội tôn vinh âm nhạc truyền thống ở miền Bắc Ở miền Bắc hàng năm có rất nhiều lễ hội thể hiện sự tôn vinh âm nhạc truyền thống như: Hội Lim, Hội hát Dô, ... |
7 ngôi đền, chùa ở miền Bắc cho chuyến hành hương đầu năm Dịp đầu Xuân năm mới, người Việt thường đi lễ chùa và xin chữ đầu năm. Chùa Hương, Bái Đính, Yên Tử,… là những điểm ... |