Quan điểm của quốc gia về khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được quyết định bởi vị trí của nước đó trong khu vực này. (Nguồn: World Times) |
Cựu Đô đốc Hải quân Ấn Độ Arun Prakash đã nêu ra bình luận trên tại Đối thoại An ninh Quốc gia lần thứ 5 diễn ra gần đây tại thành phố Pune, bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ. Ông cho rằng các quan điểm của quốc gia về khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được quyết định bởi vị trí của nước đó trong khu vực này.
Chẳng hạn như, Mỹ và khu vực coi “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” kết thúc ở Đông Nam Á. Các nước Nam Á được coi là một phần của “Cận Đông”. Được đặt tên lại là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, khu vực này giờ đây được coi là một khu vực địa chính trị mới.
Lý do cho sự đổi tên này là rõ ràng. Khi còn là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đã thể hiện tầm ảnh hưởng to lớn, song khi tính thêm Ấn Độ, một quốc gia có tiềm năng đáng kể, thì Trung Quốc lại dường như nhỏ lại.
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lại có ý nghĩa khác nhau với các nước khác nhau. Tại Đối thoại Shangri-la năm 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng New Delhi coi khu vực này trải dài từ “bờ biển châu Á đến châu Mỹ” như một thực thể địa lý chứ không phải thực thể địa chính trị.
Mỹ đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở hồi năm 2017, trong đó nói rằng chiến lược này là một “cam kết mạnh mẽ và lâu dài” với khu vực vốn trải dài từ “Mỹ đến Ấn Độ”, thể hiện những liên kết quan trọng về kinh tế, quản trị và an ninh. Mặc dù chính quyền Trump đã hủy hoại trụ cột kinh tế chính của chiến lược này khi rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) song Washington đang triển khai một số nỗ lực nhằm thúc đẩy đầu tư ở khu vực.
Hồi tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo đầu tiên về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự sẵn sàng, mối quan hệ đối tác và thúc đẩy việc hình thành một khu vực được kết nối”. Mặc dù vậy, hiện vẫn không rõ mức độ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết với chiến lược này.
Rõ ràng, phần lớn chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đẩy lùi Trung Quốc. Vẫn còn nhiều việc phải làm trong bối cảnh Mỹ tự phá vỡ các mối quan hệ quan trọng của mình với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tiếp đó là xem xét cơ chế Đối thoại Bộ Tứ gồm Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản. Mặc dù cơ chế này đã được nâng cấp thành đối thoại cấp bộ trưởng, song vẫn không rõ các mục tiêu của cơ chế này là gì. Như một quan chức Ấn Độ đã chỉ ra rằng nhóm Bộ Tứ không phải là một chiến lược mà là “4 nước đang tìm kiếm một chiến lược”.
Các nước đều đề cao khái niệm vai trò trung tâm của ASEAN, song chính ASEAN lại bị chia rẽ bởi những quan điểm khác biệt đối với Trung Quốc. Mặc dù khối này đã công bố tài liệu “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” hồi đầu năm 2019, song quan điểm của ASEAN vẫn chưa rõ ràng. Giống như quan điểm của Ấn Độ do thủ tướng nước này đưa ra, bản thân ASEAN cũng tỏ ra do dự, không bằng lòng với những nước muốn sử dụng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.