Ông Mohammad Shtayyeh. (Nguồn: Reuters) |
Tổng thống Mahmoud Abbas đã chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Shtayyeh nhưng yêu cầu ông tạm giữ chức cho đến khi có người thay thế chính thức.
Bước lùi của PA?
Ông Shtayyeh cho biết, quyết định từ chức được đưa ra sau “những diễn biến liên quan đến hành động gây hấn nhằm vào Dải Gaza và leo thang căng thẳng ở Bờ Tây, Jerusalem”. Trước nội các, ông giải thích cần phải tính đến thực tế mới ở Gaza - nơi hứng chịu sự tàn phá sau gần 5 tháng giao tranh ác liệt. Giai đoạn này đòi hỏi phải có chính phủ mới. Ông Shtayyeh kêu gọi sự đoàn kết của người Palestine và “mở rộng quyền quản lý của PA đối với toàn bộ lãnh thổ của người Palestine”.
PA - được thành lập khi Israel và Palestine ký Hiệp định hòa bình Oslo năm 1993, hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng. Tính chính danh của PA gắn với tiến trình hòa bình Trung Đông, với mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine tồn tại bên cạnh Nhà nước Israel. Tuy nhiên, cùng với tiến trình hòa bình bị “đóng băng” trong nhiều năm qua, uy tín của PA và Tổng thống Abbas giảm sút nghiêm trọng.
Aljazeera đưa tin, trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và khảo sát Palestine (PSR), khoảng 90% số người được hỏi ủng hộ việc Tổng thống PA Mahmoud Abbas từ chức và 60% kêu gọi giải tán PA.
Giải pháp cần?
Về nguyên nhân Thủ tướng Shtayyeh từ chức, cuộc xung đột ở Dải Gaza kích hoạt những nỗ lực quốc tế nhằm cải tổ PA.
Mỹ từ lâu đã muốn triển khai giải pháp hai nhà nước để ổn định tình hình Trung Đông nhưng chưa thực hiện được. Trong bối cảnh Israel mở chiến dịch quân sự tại Gaza khiến Hamas suy yếu, Mỹ muốn tranh thủ cơ hội này để thúc đẩy vai trò của PA, tiến tới xây dựng PA trở thành một thực thể quản lý cả Bờ Tây và Gaza.
Nếu ổn định được tình hình, ngăn chặn xung đột leo thang tại Trung Đông để giảm can dự tại khu vực này, Mỹ có thể tập trung các nguồn lực đối phó với xung đột Nga-Ukraine và cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trong những tháng gần đây, các quan chức Mỹ đã liên tục tới Ramallah, thảo luận các biện pháp tăng cường tính hợp pháp để PA có thể đóng vai trò lãnh đạo ở Gaza và Bờ Tây sau giao tranh.
Về phần mình, PA phải đối mặt với sự cạnh tranh ảnh hưởng của phong trào Hồi giáo Hamas kể từ năm 2006 trong việc giành quyền lãnh đạo Nhà nước Palestine trong tương lai. Trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas đang diễn ra, PA cũng muốn tranh thủ cơ hội nắm vai trò quản lý các vùng lãnh thổ của người Palestine, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Israel với lý do PA ủng hộ khủng bố.
Ngoài ra, nhiều chính phủ trên thế giới - bao gồm cả các chính phủ Arab - đã ra điều kiện thành lập một chính phủ Palestine mới, có trách nhiệm, hiệu quả và toàn diện, thì mới hỗ trợ tài chính cho PA.
Trước đó, hồi tháng 1, Tổng thống Abbas đã bổ nhiệm các lãnh đạo địa phương mới sau khi 12 người trong số đó bị cách chức vào tháng 8/2023. PA cũng đang triển khai các bước cải cách bao gồm thay đổi trong cách tuyển dụng lực lượng an ninh, tự do hóa truyền thông và tái cơ cấu ngành y tế, bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử.
...nhưng liệu đã đủ?
Thời gian gần đây, Tổng thống Abbas đang nỗ lực thành lập một chính phủ mới, trao quyền cho ông Mohammad Mustafa - cựu Bộ trưởng Kinh tế Palestine và là quan chức điều hành của Ngân hàng thế giới (WB), ứng cử viên tiềm năng cho chức Thủ tướng.
Ông Abbas cũng giao nhiệm vụ cho một số quan chức Palestine chuẩn bị kế hoạch tái thiết Gaza, trong đó bao gồm việc thành lập cơ quan tái thiết hoạt động dưới sự giám sát của WB. PA cũng đang phối hợp với các nước Arab xây dựng một kế hoạch cho Gaza thời hậu xung đột, trong đó phong trào Hồi giáo Hamas có thể gia nhập Mặt trận giải phóng Palestine (PLO), chấm dứt sự chia rẽ kéo dài nhiều năm giữa các phe phái.
Việc từ chức của ông Shtayyeh sẽ được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một bước đi tích cực trong quá trình cải tổ PA. Tuy nhiên, động thái này có thể chưa đủ để thuyết phục Israel giao cho PA quyền quản lý Gaza.
Các chính phủ phương Tây và Arab từ lâu đã gây áp lực buộc PA phải tiến hành cải tổ, bao gồm việc thay thế các chính trị gia cao tuổi bằng một đội ngũ các nhà quản lý kỹ trị.
Trong thời gian tới, Tổng thống Abbas nhiều khả năng sẽ bổ nhiệm ông Mohammad Mustafa vào chức vụ Thủ tướng. Tuy nhiên, trong bối cảnh không có cơ quan nghị viện hoạt động trong các khu vực do PA kiểm soát, ông Abbas từ lâu vẫn là nhân vật chủ chốt trong chính quyền, không phụ thuộc vào vai trò của Thủ tướng.
Ông Abbas chủ yếu cai trị bằng sắc lệnh và có ảnh hưởng rộng rãi đối với hệ thống tư pháp và công tố Palestine. Bất kỳ vị Thủ tướng nào của PA cũng sẽ phải làm việc dưới quyền của ông Abbas và có rất ít khả năng tự đưa ra quyết định.
Ngoài ra, trong kế hoạch của ông Abbas, một chính phủ Palestine trong tương lai có thể có sự hiện diện của Hamas - một điều rất khó chấp nhận đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Israel.
PA đang phải đối mặt với các thách thức ở Bờ Tây, bao gồm cả tình trạng bạo lực gia tăng của người định cư Israel và cuộc khủng hoảng kinh tế đã trở nên trầm trọng hơn do chiến tranh cũng như quyết định của chính phủ Israel cắt giảm các khoản thu thuế của người Palestine. PA hiện không có khả năng cung cấp các dịch vụ cơ bản như giáo dục, việc làm… Việc thay đổi nhân sự trong PA không loại bỏ được những thách thức trên.
Theo báo giới, việc Thủ tướng Shtayyeh từ chức là một động tác mang tính “trình diễn”, cho cộng đồng quốc tế thấy các bước cải cách PA để đáp ứng yêu cầu của thế giới. Tuy vậy, các nhà quan sát cho rằng động thái "trình diễn" trên vẫn chưa đáp ứng được các đòi hỏi mà các chính phủ phương Tây và Arab buộc chính quyền Palestine phải thực hiện, đặc biệt, đối với Israel, trừ khi có sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ.