Đường ống 'Sức mạnh Siberia' vận chuyển khí đốt từ Nga đến Trung Quốc. (Nguồn: DW) |
Theo thống kê của Hải quan Liên bang Nga, trong năm 2021, Nga đã xuất khẩu gần 230 triệu tấn dầu thô trị giá 110,1 tỷ USD sang 36 quốc gia.
Trong suốt 5 năm qua, Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga. Năm ngoái, Trung Quốc mua 70,1 triệu tấn dầu từ Nga (chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga) với tổng trị giá lên đến 34,9 tỷ USD.
Hà Lan đứng ở vị trí thứ hai về lượng mua với 37,4 triệu tấn, trị giá 17,3 tỷ USD. Đây được coi là trung tâm thương mại lớn, nơi nguyên liệu thô từ Nga được phân phối lại cho các nước tiêu dùng cuối cùng.
Đứng ở vị trí thứ ba là Đức với 19,2 triệu tấn trị giá 9,3 tỷ USD. Nhìn chung, các nước Liên minh châu Âu (EU) chiếm 47% nguồn cung trong năm 2021, tương đương 108,1 triệu tấn, trị giá 50,9 tỷ USD.
10 quốc gia nhập khẩu dầu của Nga năm 2021 (theo khối lượng)
Trung Quốc - 70,1 triệu tấn; Hà Lan - 37,4 triệu tấn; Đức - 19,2 triệu tấn; Belarus - 14,9 triệu tấn; Hàn Quốc - 13,5 triệu tấn; Ba Lan - 11,2 triệu tấn; Italy - 8,9 triệu tấn; Mỹ - 7,4 triệu tấn; Phần Lan - 6,3 triệu tấn; Slovakia - 5,3 triệu tấn.
Ảnh hưởng của chiến dịch quân sự tại Ukraine
Quốc gia đầu tiên tuyên bố từ chối cung cấp dầu của Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine là Canada. Là một trong những nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhưng từ cuối năm 2019, Canada đã không nhập khẩu dầu của Nga mà chỉ nhập các sản phẩm từ dầu mỏ.
Theo thống kê từ Statistics Canada, thị phần của dầu mỏ Nga chưa đến 1% các mặt hàng nhập khẩu của Canada, trị giá ở mức 132 triệu USD vào năm 2020 và 277 triệu USD vào năm 2021. Đối với Nga, quyết định này cũng không gây quá nhiều ảnh hưởng, vì vậy nó mang tính chất chính trị nhiều hơn.
Đầu tháng 3/2022, Mỹ cũng tuyên bố cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Mỹ chiếm 4,3% xuất khẩu dầu thô của Nga và 8,8% sản phẩm dầu mỏ, tương tự tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ lần lượt là 3% và 8%.
Anh cũng cho biết, vào cuối năm nay, nước này có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga, vốn chiếm 8% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Đối với Nga, con số này chiếm chưa đến 3% kim ngạch xuất khẩu.
EU đang đặt mục tiêu giảm 70% khí đốt phụ thuộc vào Nga trong năm nay, sau chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Cho đến nay, các nước Baltic và Ba Lan ủng hộ lệnh cấm vận chặt chẽ hơn, trong khi Đức và Hà Lan phản đổi lệnh cấm vận hoàn toàn.
Trong bối cảnh hơn 1/4 lượng dầu nhập khẩu vào EU có nguồn gốc từ Nga, quyết định sẽ gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng châu Âu.
Chính phủ Đức cũng cho rằng nước này không thể chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga trước giữa năm 2024.
Tuy nhiên, liên quan đến lệnh cấm vận dầu mỏ có thể xảy ra từ châu Âu, Nga đang nghiên cứu khả năng chuyển hướng nguồn nguyên liệu thô của mình sang châu Á.
Mặc dù Saudi Arabia vẫn là nước xuất khẩu dầu số một sang Trung Quốc, nhưng đối với Nga, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu dầu chính và tỷ trọng này có khả năng tăng lên. Đầu năm nay, Nga và Trung Quốc đã ký một hợp đồng dài hạn về việc cung cấp gần 100 triệu tấn dầu hàng năm (hơn 700 triệu thùng).
Một khu vực tiềm năng khác có thể tăng nguồn cung là Ấn Độ. Năm ngoái, do chi phí vận chuyển cao nên lượng mua từ Nga chỉ chiếm 2% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Tuy nhiên, tình hình đang có dấu hiệu thay đổi. Trong tháng 3, lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga đã tăng lên gấp bốn lần (360.000 thùng/ngày).
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết: “Xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga sang Ấn Độ đã đạt mốc 1 tỷ USD, có nhiều cơ hội tốt để tăng con số này”.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo người tiêu dùng châu Âu sẽ là nạn nhân chính khi EU từ bỏ khí đốt Nga. (Nguồn: TASS) |
Dầu thô Nga có thể bị thay thế hay không?
Theo các chuyên gia Nga, rất khó để châu Âu từ bỏ dầu của Nga ngay lập tức, nhưng có thể giảm sự phụ thuộc và thay thế một số nguồn cung.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuyên bố rằng chỉ có Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có năng lực sản xuất dự phòng và khả năng bù đắp sự sụt giảm sản lượng dầu của Nga. Các nhà phân tích ước tính rằng nếu lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ, xuất khẩu dầu của nước này có thể tăng thêm 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, nhà bình luận chính trị Georgy Bovt cho rằng ngay cả Iran cũng sẽ không thể thay thế nguồn cung dầu của Nga một cách nhanh chóng khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt vì Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, sẽ không vội vàng giúp phương Tây tăng mạnh sản lượng.
Ngoài các bên tham gia thỏa thuận OPEC+ như Mỹ, Canada, Brazil và Guyana, có thể là các nhân tố tăng sản lượng dầu.
Venezuela, quốc gia hiện đang bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, có khả năng được coi là một sự thay thế khác cho Nga, vì dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao tương tự như của Nga.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngay cả khi Iran và Venezuela bắt đầu xuất khẩu dầu trở lại, tổng nguồn cung của họ sẽ chỉ thay thế 50% lượng dầu của Nga.
Tình hình hiện tại đã khiến giá dầu tăng ở mức cao trong lịch sử. Giá xăng trung bình tại châu Mỹ và châu Âu cũng tăng 1,5-2 lần so với năm ngoái.
Theo tính toán của JPMorgan Chase & Co, việc Nga xuất khẩu khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường thế giới là điều vô cùng khó khăn. Trong điều kiện như vậy, các nhà phân tích của công ty dự báo giá dầu thế giới vào khoảng 185 USD/thùng vào cuối năm 2022.
Phó Thủ tướng Alexander Novak nhận định, nếu phương Tây từ chối hoàn toàn dầu của Nga, sự tăng giá sẽ không thể đoán trước, có thể lên mức hơn 300 USD/thùng, nếu không muốn nói là hơn.
“Không thể thay thế khối lượng dầu của Nga trên thị trường châu Âu một cách nhanh chóng, quá trình này sẽ mất hơn một năm. Trong kịch bản này, người tiêu dùng châu Âu sẽ là nạn nhân chính. Giá các trạm xăng, điện và hệ thống sưởi sẽ tăng chóng mặt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác, bao gồm cả Mỹ”, Phó Thủ tướng Nga cảnh báo.
| Cuộc chiến không khói súng Nga-Ukraine trên Twitter Là tâm điểm của truyền thông thế giới, xung đột Nga-Ukraine cũng trở thành chủ đề bị lan truyền thông tin sai lệch một cách ... |
| Xung đột Nga-Ukraine: Nga tuyên bố bắn rơi hai MiG-29, DPR hạ chỉ huy lữ đoàn Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/4 thông báo các hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 2 máy bay chiến đấu MiG-29 của ... |