📞

Đạo đức báo chí trong môi trường số: Thách thức ở Việt Nam (Kỳ 1)

HÀ ANH 16:20 | 11/07/2021
Sự phát triển của môi trường số đang khiến báo chí phải đối mặt với nhiều thách thức, một số nhà báo thậm chí đã đánh mất mình...
Báo chí phải tăng năng lực tự kiểm duyệt, nói không với tin giả.

Chưa bao giờ tác nghiệp báo chí thuận lợi như hiện nay, nhưng có lẽ, cũng chưa khi nào giới báo chí gặp những thách thức và hệ lụy từ sự chi phối và dẫn dắt dư luận của môi trường số...

Hiện tượng "nhà báo hai mặt"

Qua quan sát từ thực tế, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhiều phóng viên, nhà báo khi tham gia môi trường số đã quên mất mình, với những phát ngôn không còn cảm quan của nghề nghiệp.

Không chỉ nhấn nút chia sẻ một cách vô thức, họ thậm chí còn viết, đăng bài báo dựa trên thông tin chưa được xác minh và chưa được biên tập. Thậm chí, hiện tượng “nhà báo hai mặt” cũng đang khá phổ biến: khi ở không gian báo chí chính thống, họ rất chuẩn mực, nhưng trên không gian số, họ lại trưng ra bộ mặt hoàn toàn khác.

Xuất phát từ tình trạng này, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và tổ chức thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội, trong đó có bốn điều quy định khuyến khích và bảy điều nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội vào mục tiêu không đúng đắn, thiếu phù hợp.

Theo báo cáo của Hội Nhà báo, từ khi ban hành đến nay, có 11 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội phải chịu các hình thức kỷ luật. Thường trực Hội đồng cũng đã trao đổi, đối thoại, nhắc nhở trên 300 trường hợp hội viên chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn xác trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương gặp rất nhiều trở ngại trong công tác giám sát quản lý hội viên thực hiện các quy định nghề nghiệp đối người làm báo.

Tác động của kinh tế thị trường

Khi bàn về đạo đức báo chí trong môi trường số, ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam thẳng thắn cho rằng báo chí bị chi phối bởi mặt trái của kinh tế thị trường, nên không ít cơ quan báo chí và một bộ phận người làm báo chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc đơm đặt hoặc làm méo mó bản chất thật của sự kiện, tin tức.

Theo ông Minh, xu hướng thương mại hóa báo chí đang gây ra tác hại nhiều mặt. Hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” diễn ra với các báo, trang thông tin điện tử đã gây không ít bức xúc đối với dư luận xã hội.

Bởi vậy, ông Minh nhấn mạnh: “Người làm báo phải thuộc luật, quy định, có kỹ năng hành nghề, coi cơ quan báo chí của mình là nơi phụng sự cơ bản. Tổ chức Hội Nhà báo phải phát huy vai trò của Hội đồng xử lý vi phạm, giám sát hoạt động, nhắc nhở kịp thời để giảm thiểu vi phạm. Ngoài ra, các cơ quan báo chí, nhà nước có chính sách bảo đảm đời sống hơn cho người làm báo để họ chú tâm làm nghề”.

Cuộc chiến giành thông tin

Đây chính là thách thức lớn nhất của các cơ quan báo chí, cũng như mỗi người làm báo hiện nay. Như chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập VietnamPlus, bản thân báo chí cũng đang phải “gồng mình” để tồn tại trong thời đại kỹ thuật số và xây dựng những thang giá trị mới trong truyền thông. Trong cuộc chiến thông tin này, không riêng gì báo chí, những người dùng điện thoại thông minh đều có thể trở thành người đưa tin lên mạng xã hội.

Trả lời cho câu hỏi “Báo chí chính thống đứng ở đâu?”, ông Nhật cũng đưa ra con số trong 20 trang mạng truy cập nhiều nhất hiện nay, hoàn toàn không có những cơ quan báo chí chính thống hàng đầu Việt Nam như Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam... Mặt khác, hiện tượng “người người nhà nhà” hóng xem livestream bóc phốt của một vài cá nhân trên mạng với những lượt tương tác khủng như thời gian vừa qua là sự chạnh lòng của không ít báo chí chính thống.

Như vậy, trong cuộc cạnh tranh này, báo chí phải tăng năng lực tự kiểm duyệt không khoan dung với tin giả, thúc đẩy truyền thông có trách nhiệm và tiếp cận công chúng trên phương tiện truyền thông mới.

Ông Nhật nói: Chúng ta tiếp tục phải coi độc giả là trung tâm, xây dựng nền tảng giá trị đạo đức và quan hệ tin cậy với công chúng. Bên cạnh việc điều chỉnh ngôn ngữ chính thống đến gần độc giả hơn, phải tăng cường hiểu biết về công nghệ mới để nâng tầm lên, cũng như thúc đẩy tòa soạn vượt qua thách thức của công nghệ số”.

Đạo đức nghề nghiệp vẫn là cốt lõi

Sự phát triển của mạng số thay đổi đời sống báo chí Việt Nam và đặt ra những yêu cầu liên quan đến đạo đức của người làm báo. Theo bà Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong kỷ nguyên số này, cách thức, phương thức làm nghề không ngừng đổi mới nhưng luôn phải tuân theo đạo đức, lý tưởng làm nghề vì giá trị tốt đẹp của xã hội.

Bà Giang cũng cho rằng, ở thời nào, trong bất cứ nền báo chí nào, đạo đức nghề nghiệp cũng là yêu cầu tất yếu và cốt lõi. Việc tôn trọng và tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp là cách duy nhất để báo chí tồn tại và đứng vững trong lòng công chúng.

Cũng theo ông Phan Hữu Minh, hoạt động báo chí trong môi trường số là hướng tất yếu. Tuy nhiên, muốn hoàn thành sứ mệnh của mình, người làm báo bên cạnh vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ còn phải gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của nhân dân.

Kỳ 2: Kinh nghiệm từ chuyên gia quốc tế