📞

Dấu ấn cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong thành tựu ngoại giao Việt Nam

10:35 | 18/03/2018
Trong suốt sự nghiệp của mình, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã ghi nhiều dấu ấn về ngoại giao, đặc biệt là chuyến công du đến Mỹ vào năm 2005.

Giữa năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam đến thăm chính thức Mỹ kể từ sau năm 1975. Chuyến thăm đánh dấu 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, mở ra giai đoạn phát triển mới giữa hai quốc gia trên mọi lĩnh vực.

Trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Bush khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đáp lại, Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định hai nước sẽ vượt qua những khác biệt về điều kiện, lịch sử và văn hóa thông qua đối thoại mang tính xây dựng và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George W. Bush với cái bắt tay lịch sử. (Nguồn: Getty Images)

Chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác về thương mại, đầu tư. Cũng trong chuyến thăm này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp gỡ tỷ phú Bill Gates. Chính phủ Việt Nam và Microsoft đã ký hai bản ghi nhớ thoả thuận về việc đào tạo và phát triển các công ty công nghệ thông tin Việt Nam và đào tạo hơn 50.000 giáo viên Việt Nam trong lĩnh vực máy tính và phần mềm.

Thủ tướng Phan Văn Khải và tỷ phú Bill Gates. (Nguồn: Getty Images)

Trước đó, vào năm 2003, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản. Tại đây, hai bên đã bàn bạc về các vấn đề hỗ trợ phát triển, đầu tư, thương mại. Thủ tướng cũng đã gặp gỡ, trao đổi với các nhà chính trị, các nhà đầu tư về phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, góp phần nâng tầm mối quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Phan Văn Khải bắt tay với người đồng cấp Junichiro Koizumi. (Nguồn: Getty Images)

Cũng trong năm 2003, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đón tiếp Thủ tướng New Zealand Helen Clark trong chuyến thăm chính thức đến Việt Nam. Bà Clark và Thủ tướng Phan Văn Khải đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định vận tải Hàng không song phương nhằm tăng cường an ninh, an toàn hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác hàng không hai nước.

Lễ đón chính thức Thủ tướng New Zealand Helen Clark năm 2003. (Nguồn: Getty Images)

Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan ngày 21/10/2003. Tại đây, lãnh đạo của 21 nền kinh tế đã cam kết cùng xúc tiến tự do thương mại và đầu tư. Hội nghị cấp cao APEC cũng thống nhất gia tăng nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời hậu thuẫn cho việc tiếp tục các cuộc thảo luận 6 bên để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Thủ tướng Phan Văn Khải (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) tại APEC 2003. (Nguồn: Getty Images)

Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 10 tại Lào. Tại đây, ông và các nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận dỡ bỏ hàng rào thuế quan với 11 lĩnh vực ưu tiên, hướng đến việc thành lập một thị trường đơn nhất theo xu hướng của của các nước châu Âu.

Quốc vương Hassanal Bolkiah của Brunei đang quan sát Thủ tướng Phan Văn Khải ký kết thỏa thuận. (Nguồn: Getty Images)

Năm 2005, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11 được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Tại đây, các nhà lãnh đạo đã ký thành lập Hiến chương ASEAN. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải hoan nghênh việc xây dựng Hiến chương có tác dụng củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác có hiệu quả, nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN.

Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11. (Nguồn: Getty Images)

Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen tới Việt Nam tháng 10/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã ký Hiệp ước bổ sung cho Hiệp định về Quy chế biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 5/6/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tại Hà Nội. Hai bên đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, tìm kiếm người Mỹ mất tích đồng thời khắc phục những hậu quả chất độc da cam sau chiến tranh.

Thủ tướng Phan Văn Khải và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld. (Nguồn: Getty Images)
(theo Zing)