Công nhân làm việc tại công trình xây dựng Thư viện Quốc gia Salvador mới tại San Salvador, El Salvador do công ty Trung Quốc làm chủ thầu. (Nguồn: Getty Image) |
Với diện tích gần 20 triệu km² và gần 650 triệu dân, Mỹ Latinh được ví như một bức tranh đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chính trị. Có nguồn tài nguyên khoáng sản lớn cùng vị trí địa lý giáp hai đại dương lớn, khu vực này từng là một trong những đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào đầu thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, giờ đây, mọi chuyện đã khác. Tăng trưởng chậm, bất bình đẳng nghiêm trọng và thiếu vắng đầu tư từ Mỹ khiến không ít nước đã hướng về Trung Quốc. Khác với Washington, vốn thường gắn các khoản đầu tư với điều kiện chính trị, Bắc Kinh đã gạt bỏ khác biệt về ý thức hệ và dành cho các nước Mỹ Latinh nhiều ưu đãi để phát triển kinh tế mà vẫn bảo đảm lợi ích chính trị.
Chỉ sau hơn hai thập niên, Bắc Kinh đã dần “bắt rễ” tại Mỹ Latinh. Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng đầu khoáng sản dãy núi Andes, dầu khí Nam Mỹ, cũng như sản phẩm nông nghiệp Argentina và Brazil. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã tăng vọt từ 18 tỷ USD (2003) lên 450 tỷ USD (2021).
Bắc Kinh cũng tăng cường hiện diện tại Argentina cũng như những “gã khổng lồ” về sản xuất đồng như Chile và Peru, với bước tiến lớn tại Brazil. Các sản phẩm của nước này xuất hiện ngày càng nhiều tại khu vực và đổi lại, các doanh nghiệp Trung Quốc mua nhiều đậu nành, bắp, thịt heo và xây dựng hàng loạt cầu đường, xe lửa, lưới điện. Đơn cử, hiện tập đoàn năng lượng khổng lồ State Grid (Trung Quốc) đang sở hữu công ty cung cấp điện cho hơn 10 triệu hộ tại Brazil.
Tiến sĩ Emmanuel Veron, nhà nghiên cứu tại Viện ngôn ngữ và văn minh phương Đông quốc gia của Trung Quốc lưu ý rằng, Bắc Kinh đang sử dụng các khoản cho vay như “vũ khí chiến thuật” nhằm đa dạng hóa nguồn cung khoáng sản và nông nghiệp. Hiện Trung Quốc cho một số nước Mỹ Latinh vay 180 tỷ USD. Nước này cũng “in dấu chân” tại nhiều hợp đồng cơ sở hạ tầng quan trọng tại Colombia và các nước Mỹ Latinh khác như dự án tàu điện ngầm ở Bogota, với sự hiện diện ở nhiều cảng biển lớn tại khu vực.
Đặc biệt, sự quan tâm của Trung Quốc đối với Mỹ Latinh không chỉ dừng ở thương mại và tài nguyên khoáng sản, mà còn trên bình diện ngoại giao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã 11 lần đến thăm khu vực này kể từ năm 2013. Đến nay, đã có 21 nước Mỹ Latinh tham gia Sáng kiến Con đường Tơ lụa mới của Bắc Kinh. Gần đây, nhiều nước Trung Mỹ như Nicaragua và Panama bày tỏ thái độ ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan.
Trong khi đó, ngay từ những năm 1960, trước khi Trung Quốc xuất hiện, các nước Mỹ Latinh đã tìm cách thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ qua việc tập hợp trong nhiều tổ chức khu vực để bảo vệ lợi ích của mình. Giáo sư Sabine Jansen tại Viện Quốc gia về Nghệ thuật và Nghề nghiệp (CNAM) ở Pháp, nhận định xu hướng này ngày càng rõ nét từ năm 2001, khi Mỹ tập trung vào Trung Đông.
Kể từ năm 2011, với chính sách xoay trục sang châu Á, Mỹ Latinh đã bị Washington “bỏ lơ”, số ngày cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm châu Á khi ông còn tại vị cao hơn nhiều so với thời gian cho Mỹ Latinh. Thực tế này càng rõ nét hơn dưới thời của ông Donald Trump. Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ năm 2021, Đô đốc Craig Faller, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Nam phụ trách Mỹ Latinh từng cảnh báo: “Mỹ đang đánh mất lợi thế tại vùng bán cầu này và cần hành động ngay để đảo ngược tình thế”.
Trước tình hình đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cố gắng trở lại khu vực này. Sau Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ Chín gây tranh cãi, Washington đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Cuba và Venezuela. Đầu tháng 10/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thăm Chile, Colombia và Peru, dự phiên họp của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) tại Lima, thể hiện cam kết của xứ cờ hoa. Đây là bước đi cần, nhưng chưa đủ để Mỹ xóa mờ “dấu chân” của Trung Quốc tại Mỹ Latinh.
| Mỹ Latinh chuẩn bị đón 'khách quý' Sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ, khu vực Mỹ Latinh chuẩn bị chào đón nhà lãnh đạo đến từ Hàn Quốc. |
| Bị chặn nguồn cung chip, Trung Quốc cáo buộc Mỹ lạm dụng các biện pháp về thương mại Trung Quốc cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ nhắm vào các nhà sản xuất chip của nước này là ... |
| Mỹ chơi 'nước cờ thực dụng' ở Mỹ Latinh nhằm cạnh tranh với Trung Quốc Chuyến công du Mỹ Latinh kéo dài một tuần của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là nhằm củng cố sự hiện diện của ... |
| Mỹ nỗ lực 'làm lành' với khu vực Mỹ Latinh Việc Ngoại trưởng Mỹ lựa chọn thăm ba nước này là cách Washington khẳng định sẵn sàng hợp tác với bất cứ quốc gia nào, ... |
| Ngoại giao gấu trúc giúp Trung Quốc 'ẵm' nhiều dự án đồ sộ tại World Cup 2022 ở quốc gia dầu mỏ Qatar Một lần nữa, Trung Quốc lại dùng 'ngoại giao gấu trúc' để thể hiện tình hữu nghị với Qatar trước khi vòng chung kết World ... |