📞

Đấu trường mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung

Huyền Trâm 12:15 | 04/04/2021
Sau một thời gian đối đầu nhau trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ và thị trường vốn, cạnh tranh Mỹ-Trung đang hướng chú ý sang biến đổi khí hậu, coi đó là lộ trình tiếp theo trong cuộc đua quyền lực.
Cuộc chiến khí hậu Mỹ-Trung Quốc có thể xảy ra sau cuộc chiến công nghệ và chiến tranh thương mại. (Nguồn: FT)

Lợi thế lớn để phát triển

Theo số liệu của Bloomberg New Energy Finance (Bloomberg NEF), tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch, có trụ sở tại London (Anh), được Nhóm nghiên cứu ESG thuộc Ngân hàng Mỹ (BofA) trích dẫn trong một báo cáo hồi tháng trước, Trung Quốc đã chi nhiều gần gấp đôi Mỹ để đầu tư cho các hoạt động chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn 2010-2020.

Giám đốc phụ trách nghiên cứu của BofA, ông Haim Israel, cho biết một “cuộc chiến khí hậu” giữa Washington và Bắc Kinh có thể xảy ra sau cuộc chiến công nghệ và chiến tranh thương mại bởi biến đổi khí hậu đang trở thành chủ đề thống trị kinh tế và chính trị trong những thập kỷ tới.

Trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 2, ông Israel nhận định: “Đây không chỉ là vấn đề về giải cứu hành tinh. Chúng tôi tin rằng các chiến lược về khí hậu còn tạo ra một lộ trình hướng tới sự thống trị toàn cầu".

Theo ông Israel, có rất nhiều thứ bị ảnh hưởng từ vấn đề khí hậu, chẳng hạn như ảnh hưởng kinh tế của khí hậu có thể lên tới 69.000 tỷ USD trong thế kỷ này, và đầu tư vào chuyển đổi năng lượng có thể cần tăng lên thành 4.000 tỷ USD/năm.

Sự độc lập về năng lượng và kiểm soát chuỗi cung ứng cũng đang lâm nguy do cán cân quyền lực địa chính trị cũng có liên hệ với đỉnh điểm của giá dầu vào năm 2030.

Ngoài ra, trả lời phỏng vấn CNBC, ông Israel tiết lộ Mỹ sẽ đẩy mạnh các hoạt động lập pháp, đổi mới và các dòng vốn đầu tư vào các năng lượng tái tạo như là gió, mặt trời, pin và hydro.

Ông Israel nêu rõ: “Chúng tôi cũng đang tính đến việc đẩy mạnh chế tạo xe hơi chạy bằng điện. Hãy nhớ rằng hiện nay 50% lượng dầu mỏ trên toàn thế giới đang phục vụ cho thị trường vận tải, và xe hơi chiếm một phần lớn trong đó. Vì vậy, dù ai thống trị được công nghệ xe hơi điện thì chắc chắn sẽ chiếm được một lợi thế lớn để phát triển”.

Những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hồi tháng trước Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã xúc tiến các cuộc thảo luận với các đại diện Trung Quốc tại Alaska nhưng hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Một bên là Trung Quốc và một bên là G7

Đồng quan điểm này, ông Harry Broadman, Giám đốc điều hành và là Chủ tịch các thị trường mới nổi và Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) tại Nhóm Nghiên cứu Berkeley, cũng tin rằng năng lực của các quốc gia phát triển trong hoạt động chế tạo, điều hành và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với chủ trương về khí hậu, mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, có thể sẽ định hình bối cảnh kinh tế trong những năm tới.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Cornwall (Anh) vào tháng 6 tới, ông Broadman cho biết nhóm các nền kinh tế hàng đầu sẽ cần phải mở rộng một cách mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và sự hợp tác công nghệ để cạnh tranh với Trung Quốc.

Ông Broadman đánh giá: “Các nước dân chủ đã làm rất tốt việc hợp tác trong đầu tư và thương mại, nhưng chúng ta vẫn còn rất ít việc làm trong ngành R&D, và đây là lĩnh vực mà Trung Quốc có sức cạnh tranh rất lớn và có nguy cơ đặt ra một mối đe dọa kinh tế và địa chính trị khổng lồ”.

Theo một báo cáo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Goldman Sachs, Trung Quốc đã cam kết từ nay đến năm 2060 sẽ có lượng phát thải khí carbon bằng 0. Các nước đang xúc tiến mục tiêu này hiện chiếm gần một nửa lượng phát thải trên toàn cầu, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 2/3 số này.

Tuy nhiên, đây là một mục tiêu quá cao bởi Trung Quốc đến nay vẫn là nước gây ô nhiễm nhất hành tinh. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc đã tăng 10,3%, lên 2.440 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 378 tỷ USD) vào năm 2020, vượt trên Mỹ.

Trung Quốc đã cam kết từ nay đến năm 2060 sẽ có lượng phát thải khí carbon bằng 0. (Nguồn: GMA)

Trong khi đó, châu Âu vẫn là cái nôi của 8/10 công ty “công nghệ sạch” lớn nhất trên thế giới, với tiềm năng gia tăng năng lực công nghệ sách lên gấp 4 lần từ nay đến năm 2030. Giới đầu tư cũng chứng kiến sự quan tâm ngày càng lớn vào các công ty được coi là tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, từ xe điện cho đến năng lượng sạch.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang cảm thấy ngày càng bị “cản trở” tiếp cận với các công nghệ từ Mỹ và phần còn lại của G7, ông Broadman cho rằng một cuộc cạnh tranh chiến lược có thể xảy ra giữa một bên là Trung Quốc và một bên là G7.

Ông Broadman nhấn mạnh: “Đó là lý do vì sao tôi cho rằng bất cứ ai chiến thắng trong cuộc chạy đua này thì sẽ trở nên vượt trội. Cuộc đua đó đã bắt đầu nhưng hiện G7 không nỗ lực hết sức theo đuổi cuộc đua này bằng hành động tập thể, và đó chính là điều họ cần khắc phục. Ở đây, biến đổi khí hậu là một vấn đề cực kỳ quan trọng”.

(theo CNBC)