📞

Đấu vật và quan hệ Mỹ - Iran

07:00 | 26/02/2017
Trong những năm 1990, ngoại giao đấu vật đã giúp thiết lập quan hệ Mỹ-Iran và giờ đây nỗ lực này đã “suýt” bị gián đoạn bởi sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nguy cơ căng thẳng trở lại

Ngày 27/1, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành sắc lệnh hạn chế nhập cư đối với bảy quốc gia mà Hồi giáo chiếm đa số, trong đó có Iran. Mặc dù sắc lệnh này của ông Trump chủ yếu nhắm vào những người tị nạn,  nhưng nó đã đẩy quan hệ giữa Mỹ và bảy quốc gia này trở nên căng thẳng, đồng thời đe dọa nhiều nỗ lực ngoại giao thể thao bấy lâu, trong đó có môn đấu vật nghiệp dư, môn thể thao từng gắn kết mối quan hệ Mỹ - Iran.

Phản ứng lại việc này, Iran đã cấm các đô vật Mỹ tham dự giải vô địch đô vật Freestyle World Cup, tổ chức tại thành phố Kermanshah (Iran) diễn ra vào ngày 16-17/2, như một hành động trả đũa. Tuy nhiên, khi chỉ còn 10 ngày trước khi giải đấu diễn ra, phía Iran lại quyết định cấp thị thực cho các đô vật Mỹ trong bối cảnh Thẩm phán liên bang tại thành phố Seattle (bang Washington, Mỹ) ra quyết định đình chỉ việc thực thi sắc lệnh của Tổng thống Trump.

Mặc dù Iran đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm với các đô vật Mỹ kịp thời nhưng rõ ràng sắc lệnh của Tổng thống Trump đã đe dọa đến mối quan hệ thể thao Mỹ - Iran kéo dài hơn một thập kỷ từng bị kìm hãm bởi căng thẳng chính trị và sự khác biệt về ý thức hệ.

Đô vật Mỹ Jordan Burroughs đấu với đô vật Iran. Ảnh: Iranprimer

Công cụ làm tan băng

Đấu vật là một lựa chọn dễ hiểu cho Iran để tiếp cận và tăng cường quan hệ ngoại giao. Đây là một trong những môn thể thao phổ biến nhất ở Iran và có từ hàng thế kỷ nay.

Khoảnh khắc đô vật Ali-Reza Soleimani đánh bại một đô vật Mỹ tại giải vô địch đấu vật thế giới năm 1989, được xem như là niềm tự hào với Iran - một đất nước vừa bước ra khỏi tám năm chiến tranh khủng khiếp với Iraq. Ngay sau đó, Chính phủ Iran đứng đầu là Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã tăng ngân sách quốc gia cho môn thể thao này.

Đến năm 1997, khi nhà cải cách Mohammad Khatami được bầu làm Tổng thống Iran, quan hệ giữa Mỹ và Iran ngày một khởi sắc và đấu vật trở thành một công cụ ngoại giao thể thao tương tự như ngoại giao bóng bàn giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm 1970.

Năm 1998, đội đấu vật của Mỹ đã trở thành đội thể thao đầu tiên sang Iran kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Sau 20 năm hầu như không người Mỹ nào đặt chân lên đất Iran, 16 đô vật với bộ trang phục thi đấu in họa tiết cờ hoa đã tới Iran để cạnh tranh tại giải Takhti Cup.

Trước đó, hồi đầu năm 1998, khoảnh khắc lịch sử đã đến sau khi các quan chức Iran gặp đội đấu vật Mỹ nhằm nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ thông qua thể thao. Chính phủ Iran đã hứa với các vận động viên Mỹ rằng Iran sẽ chào đón nồng nhiệt và thiện chí thông qua việc bãi miễn yêu cầu lấy dấu vân tay với người Mỹ vào Iran. Thông qua lời mời tham dự giải đấu vật ở Tehran, nhà lãnh đạo Iran Khatami đã gửi tới Mỹ thông điệp của mình rằng Iran đã sẵn sàng thiết lập mối quan hệ mới với Mỹ. Mục tiêu này đã bước đầu thành công khi các đô vật người Mỹ được chào đón nồng nhiệt ở Iran. Sự kiện đã làm tan băng quan hệ giữa hai quốc gia, mặc dù mới chỉ ở mức độ xã hội thay vì chính trị.

“Không đe dọa hay thù hận”

Kể từ Takhti Cup năm 1998, các đội đấu vật Mỹ đã sang Iran 15 lần để tham dự các giải đấu, và ngược lại các đội đấu vật Iran cũng tới Mỹ 16 lần. Mặc dù căng thẳng chính trị tăng dưới thời chính quyền George W. Bush, nhưng khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức vào năm 2009, Nhà Trắng một lần nữa lại tăng cường ngoại giao đấu vật với Iran.

Quan hệ đấu vật giữa hai nước đã đạt tới cao trào tại giải Greco-Roman World Cup 2014, tổ chức tại Tehran. Năm đó, đội đấu vật Mỹ đã cử đô vật nữ Christina Kiki Kelley sang thi đấu tại Iran - một đất nước nghiêm cấm phụ nữ thi đấu vật.

Lo ngại Iran hoài nghi về sự lựa chọn của đội Mỹ, đô vật Kelley đã mặc trang phục kín đáo và dùng khăn trùm đầu để phù hợp với văn hóa nước bạn. Và Kelley cũng đã nhận được sự đối đãi đáng ngạc nhiên ở Iran, thậm chí Bộ trưởng Thể thao Iran còn đề nghị Kelley ở lại thêm vài ngày để tham quan đất nước và tham dự các cuộc phỏng vấn.

Kelley không phải là đô vật duy nhất của Mỹ được công chúng Iran chào đón năm đó. Toàn đội đấu vật Mỹ đã người Iran cổ vũ nhiệt tình mỗi khi họ bước lên thảm thi đấu. Đó là một lời nhắc nhở rằng, bất chấp những căng thẳng chính trị đã làm tổn hại đến quan hệ Mỹ - Iran, họ vẫn có thể tìm thấy những nét tương đồng về văn hóa giúp xích lại gần nhau.

“Tôi không cảm thấy bất kỳ mối đe dọa hay thù hận nào. Tất cả những gì tôi thấy là tình yêu thương", đô vật Mỹ Robby Smith từng tham dự Greco-Roman World Cup 2014, chia sẻ.

(theo Bloody Elbow)