TS. Nguyễn Khánh Trung cho rằng, khai giảng là ngày vui, ngày có những kỷ niệm đẹp vì được gặp lại bạn bè, thầy cô... (Ảnh: NVCC) |
Để ngày khai giảng là một ngày vui…
Khai giảng là ngày vui, ngày có những kỷ niệm đẹp với sự háo hức, hồi hộp khi được gặp lại bạn bè, thầy cô, trường lớp sau mấy tháng Hè của tuổi học trò… Thế nhưng học sinh hiện nay khó có thể có được những điều này vì ngày khai giảng thường không phải là ngày đầu tiên của năm học mới.
Do vậy, nếu nói ngày này chỉ là “thủ tục hóa” cũng không sai. Đó là chưa kể, các nội dung, cách thức tổ chức ở một số trường thường không lấy học sinh làm trung tâm cho dù là phần “lễ” hay phần “hội”. Trong khi đó, không ít học sinh vốn đang là tuổi chạy nhảy sẽ rất mệt mỏi, uể oải khi phải ngồi yên cả giờ để nghe người lớn phát biểu diễn văn, những bản báo cáo thành tích của nhà trường.
Nguyên nhân có lẽ là chúng ta còn câu nệ hình thức, công thức, câu nệ thành tích và theo thói quen tập thể, đồng loạt. Tức là, trường tổ chức như vậy vì các năm trước cũng tổ chức như vậy, các trường khác cũng tổ chức tương tự. Chúng ta chưa có một “triết lý” phía sau các hoạt động, ít ai đi tìm trả lời cho những câu hỏi, chẳng hạn, tổ chức như vậy để làm gì, cho ai, nó mang lại lợi ích gì trong chiến lược giáo dục con người?
Theo tôi, phải lấy học sinh làm trung tâm khi hoạch định các hoạt động giáo dục mà cụ thể ở đây là ngày khai giảng. Các trường nên tùy vào nhu cầu của học sinh để tổ chức hay không tổ chức, tổ chức lớn hay bé, có lễ, có hội hoành tráng hay gọn nhẹ.
Với các trường có điều kiện thì tổ chức khai giảng với hội hè tiệc tùng, nhưng khi đã “hội” thì từng học sinh phải có cơ hội tham gia, chứ không nên mời một ca sĩ, hay một nhóm người nào đó về múa hát mua vui mà không quan tâm gì tới ý nghĩa giáo dục.
Văn nghệ học đường cũng là một hoạt động giáo dục đầy ý nghĩa khi tất cả học sinh đều được tham gia, mục đích không phải là hát hay diễn đẹp, mà để giáo dục, để các học sinh có trải nghiệm, luyện tập sự tự tin, tập ăn tập nói trước đám đông.
Ở phần tiệc cũng vậy, nếu có thì trên bàn ăn không phải là bia, rượu và các món ăn của người lớn mà phải là nước uống, thức ăn của các nhân vật chính, đó là học sinh. Khi chúng ta chân thành đặt từng đứa trẻ làm trung tâm, thật lòng lo lắng cho các cháu, thì tự khắc sẽ chạm được đến từng học sinh.
Sáng 5/9, khoảng 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới 2023 - 2024. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Có nhiều giá trị cần giáo dục trẻ
Ngày 4/9, tôi đưa con đi khai giảng về. Các trường học ở Pháp dường như không tổ chức ngày khai giảng hoành tráng, thế nhưng, buổi học đầu tiên khá đặc biệt. Hình thức phổ biến nhất là tổ chức gặp gỡ.
Cổng trường ngày khai giảng mở rộng cho cả học sinh và phụ huynh. Ban giám hiệu nhà trường thường đứng ở cổng để đón mừng học sinh, nhất là các học sinh mới, chào hỏi các phụ huynh. Giáo viên chủ nhiệm sẽ đứng ở cửa từng lớp để chào đón học sinh và phụ huynh của mình.
Ngày khai giảng, phụ huynh được phép đưa con vào từng lớp và ở lại để trò chuyện với giáo viên, trao đổi với các phụ huynh khác. Họ hỏi thăm nhau về kỳ nghỉ Hè, về những chuyến đi, về năm học mới, cô giáo làm quen với các học sinh mới…
Ở sân trường cũng có thể có những “bàn tiệc” nhưng chủ yếu là đồ ăn thức uống của các cháu, chứ không phải của người lớn. Sự gặp gỡ kéo dài trong một thời gian ngắn và phụ huynh ra về để nhường không gian lại cho cô trò, công việc giảng dạy bắt đầu ngay sau đó.
Các trường lớn hơn, chẳng hạn như trường cấp 2 thì chia ra theo từng khối lớp, quan trọng nhất là khối lớp đầu cấp, chẳng hạn 4/9 là ngày nhập học toàn quốc, nhưng các trường cấp 2 và 3 của các con tôi chỉ dành để đón các học sinh đầu cấp, học sinh các khối lớp khác sẽ nhập học luôn vào ngày hôm sau, không tổ chức nghi thức gì.
Quay trở lại nền giáo dục nước ta, tôi nghĩ, có nhiều giá trị cần giáo dục thế hệ trẻ, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì nên đề cao tinh thần “thực học”. Nghĩa là, học cái gì thì học thật, học để biết, để làm được và để sống. Học chạy xe đạp thì phải chạy được xe đạp chứ không chỉ để lấy cái bằng hay để nhận được giấy khen vì thành tích mô tả được cái bánh xe mà cuối cùng không chạy được xe.
Học về khoa học thì không chỉ dừng lại ở việc biết sơ sơ mà phải biết ứng dụng, biết làm khoa học, người học cần được tập tư duy như nhà khoa học. Nghĩa là, cần học đi trên con đường mà các nhà khoa học đã đi và nếu tốt hơn nữa là khai phá thêm con đường đó để góp sức với đời.
Học Lịch sử, Triết học, hay bất kỳ môn nào cũng nên theo tinh thần đó. Dĩ nhiên, con đường này cũng có nhiều cấp độ, nhiều nội dung, khúc đường nào cho lứa tuổi nào thì đó là nhiệm vụ của các nhà giáo dục có trách nhiệm.
Muốn tạo cho học sinh tinh thần thực học thì chính lãnh đạo, các thầy cô cũng phải có tinh thần thực học trước. Chúng ta không cần nhiều giấy khen, bằng cấp hay báo cáo thành tích mà cần những phát minh, nhà khoa học và luôn trên tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Quan trọng là làm sao để không còn bệnh thành tích, bệnh hình thức, “đồng phục” học sinh, để người học được là chính mình và phát triển được thế mạnh của cá nhân.
TS. Nguyễn Khánh Trung là nhà nghiên cứu về giáo dục, tác giả sách "Giáo dục Việt Nam và Phần Lan"; dịch giả loạt sách "Học thế nào bây giờ?". |
| Đổi mới giáo dục không phải chỉ là đổi mới sách giáo khoa... Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, ... |
| Thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều địa phương Các đại biểu đã chia sẻ kết quả giáo dục cũng như những tồn tại, bất cập từ thực tế như thiếu giáo viên, quá ... |
| Cần đề cao lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, ... |
| Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945: Tự hào về khả năng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc GVCC.TS. Trần Quốc Dương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, chúng ta có quyền tự hào về khả năng vươn ... |
| Hà Nội yêu cầu tổ chức lễ khai giảng năm học mới gọn nhẹ Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có hướng dẫn các trường về việc tổ chức lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu ... |