TIN LIÊN QUAN | |
Internet và cơn ác mộng mang tên Deepfake | |
CEO Facebook thừa nhận công nghệ "deepfake" là vấn đề hóc búa |
Các chuyên gia công nghệ nhận định, tần suất xuất hiện của các video dumbfake sẽ ngày càng dày đặc hơn trên mạng xã hội trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. (Nguồn: AP) |
Không giống như các video siêu giả mạo đòi hỏi trí tuệ nhân tạo tinh vi, xử lý âm thanh phức tạp và công nghệ bản đồ khuôn mặt, “dumbfakes” được thực hiện chỉ bằng việc thay đổi tốc độ video hoặc chỉnh sửa có chọn lọc.
Điềm gở được báo trước
Một đoạn băng tua chậm ghi lại tình trạng tiều tụy của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khi vừa xuất hiện trên mạng đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem trên Facebook vào tháng 5 vừa qua. Còn vào tháng Mười Một năm ngoái, Thư ký Nhà Trắng lúc đó là Sarah Sanders đã đăng trên Twitter một đoạn video tua nhanh của phóng viên CNN Jim Acosta khi trao đổi với thực tập sinh, khiến anh này nhìn có vẻ hung dữ hơn. Bài đăng của Thư ký Báo chí Sarah đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ và retweet trên mạng xã hội hàng đầu thế giới này.
Chuyên gia pháp y kỹ thuật số tại Đại học California, Berkeley Hany Farid cho biết, trên thực tế, việc những video này dễ dàng được thực hiện và sau đó được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng truyền thông xã hội, báo trước điềm xấu cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 2020.
“Thời gian từ nay đến cuộc đua giành chiếc ‘ghế nóng’ tại Nhà Trắng không còn nhiều, và video về bà Nancy Pelosi chính là một điềm gở”, chuyên gia Farid khẳng định.
Hiện các công ty truyền thông xã hội không ban hành chính sách cấm các video giả mạo một phần là vì các nền tảng này không muốn phải đưa ra quyết định liệu các video này có tính châm biếm hay định hướng trái chiều dư luận, hoặc cả hai, hay không. Điều này cũng để ngỏ quyền quyết định cho các cáo buộc kiểm duyệt hoặc thiên vị chính trị từ phía người dùng.
Tuy nhiên, trong nỗ lực nhằm hạn chế người dùng tiếp xúc với thông tin sai sự thật, Facebook tuyên bố sẽ tăng cường kiểm soát các bài đăng chứa thông tin giả mạo hoặc sai lệch, bao gồm cả các video. Cùng với đó, mạng xã hội toàn cầu này cam kết sẽ kết hợp sử dụng các công cụ xác minh dữ liệu của các tổ chức bên ngoài, bao gồm cả Liên đoàn Báo chí Mỹ, nhằm nâng cao tính hiệu quả và minh bạch.
Mong manh thật – giả
Không chỉ lan truyền trên mạng xã hội, các chuyên gia công nghệ cho rằng, dumbfake còn sở hữu các “vùng xám” với phạm vi rộng lớn, trong đó có lĩnh vực chính trị.
Một người dùng mạng xã hội có nickname Paul Lee Ticks (cách chơi chữ của từ “politics” - chính trị), người được cho là thường xuyên làm các video dumbfake bịa đặt, chủ yếu là bôi nhọ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong video chỉnh sửa mới đây nhất, người dùng này đã gắn biển “trại tập trung” lên hình ảnh của toà Tháp và Khách sạn Quốc tế Trump ở Chicago (Mỹ).
Nhóm người dùng mạng xã hội Carpe Donktum từng nhận giải thưởng tại cuộc thi chế ảnh Infowars cũng thực hiện các video chỉnh sửa như thật nhằm ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch bầu cử sắp tới. Trong video này, nhóm đã dựng một video được cắt ghép từ hai clip khác nhau, khiến cho Phó Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đang phát biểu hăng say mà trên thực tế lại không phải như vậy. Tổng thống Trump cũng thường xuyên chia sẻ các bài đăng của nhóm Carpe Donktum trên trang cá nhân của mình.
Đại diện nhóm Carpe Donktum cho biết, việc tạo ra các video chế là nhằm phản bác lại quan điểm cho rằng “các video này độc hại mang tính châm biếm và lôi kéo rõ ràng”.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, người dùng Paul Lee Ticks và Carpe Donktum đều cho rằng đây đều là những video đơn giản và hài hước. Tuy nhiên, điều này đang dần trở nên phức tạp hơn, khi ranh giới giữa thật-giả ngày càng mong manh, khiến cho các chuyên gia, chính trị gia và công chúng ngày càng quan ngại.
Trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện ngày 13/6, dân biểu Adam Schiff thuộc nhánh Đảng Dân chủ tại California nhận định, video về Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho thấy quy mô của dumbfake. Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew hồi tháng 6, 63% người Mỹ tham gia khảo sát về tin tức và thông tin giả mạo cho rằng, video và hình ảnh bị thay đổi nhằm đánh lừa dư luận đã tạo ra sự hoang mang lớn trong công chúng về sự thật và tính chính xác của các vấn đề thời sự.
Theo Giáo sư Erik Nisbet thuộc Đại học Bang Ohio (Mỹ), thông tin sai sự thật nhằm đánh lạc hướng dư luận có tác động rất lớn đến mức độ phân hóa chính trị tại Mỹ. Ông này cho rằng, tin tức giả mạo rất có thể đã trở thành một “cánh tay đắc lực” góp phần vào chiến thắng năm 2016 của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. “Người dân tức giận, lo lắng và quan ngại. Việc định hướng quan điểm của công chúng rất dễ bị tác động bởi các thông tin sai lệch và giả mạo”, Giáo sư Erik Nisbet cho hay.
Trong một nỗ lực giải quyết vấn nạn dumbfake, Edward Delp, Giám đốc Phòng thí nghiệm xử lý hình ảnh và video tại Đại học Purdue (Mỹ) và nhóm nghiên cứu đã phát triển thuật toán phát hiện các video giả mạo. “Việc tìm kiếm các biện pháp bảo vệ và xác thực có thể giảm thiểu tác động của video có mục đích thao túng”, ông Edward Delp bình luận.
| Lý do gì khiến Facebook bị phạt 5 tỷ USD? Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vừa công bố khoản tiền phạt 5 tỷ USD dành cho Facebook. Đây là đỉnh điểm của ... |
| Ngăn chặn hành vi giả mạo, Facebook xóa 294 tài khoản và hơn 1.500 trang tại 4 nước Trong động thái mới nhất nhằm vào những "hành vi giả mạo" trên mạng xã hội, Facebook ngày 25/7 thông báo đã xóa bỏ nhiều ... |
| Pháp với “thuế số”: Mượn dịp phất cờ TGVN. Khi EU chưa có tiếng nói chung về đánh thuế các "ông lớn" kinh doanh Internet, thì nước Pháp đã chớp cơ hội phất ... |