📞

Đi tìm nguyên nhân thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19

Quang Đào 08:16 | 28/04/2020
TGVN. Tạp chí The Diplomat mới đây có bài viết nhận định về phản ứng phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên từ Chính phủ Việt Nam và người dân.    
Việt Nam thành công trong chiến dịch chống đại dịch Covid-19 nhờ sự chuẩn bị chặt chẽ, biện pháp phòng dịch đúng đắn và kịp thời. (Nguồn: AFP)

Khi đại dịch Covid-19 tiếp tục tàn phá khắp thế giới, Việt Nam nổi lên là một trong những điểm sáng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong công tác phòng chống dịch, bên cạnh Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và New Zealand.

Mặc cho việc chia sẻ biên giới với Trung Quốc, nơi khởi nguồn của virus SARS-CoV-2 và có ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1, cho đến nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 270 ca nhiễm bệnh, trong đó có 225 ca đã được tuyên bố khỏi bệnh và không có trường hợp nào tử vong.

Sau tròn 1 tuần không có ca nhiễm mới nào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ngừng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vì toàn quốc.

Bất lợi nhưng không bất lực

Theo The Diplomat, so sánh với những nơi được truyền thông quốc tế khen ngợi vì đánh bại được dịch Covid-19 như Đài Loan, Hàn Quốc hay New Zealand, Việt Nam có thể bị coi là bất lợi hơn do nền kinh tế không phát triển bằng, dân số đông và chia sẻ một đường biên giới dài với Trung Quốc. Năm 2019, theo bảng xếp hạng của Trung tâm Johns Hopkins về an ninh y tế và "Sáng kiến đe dọa hạt nhân" (NTI), Việt Nam xếp hạng thứ 50/195 quốc gia về mức độ sẵn sàng đối phó với dịch bệnh và đại dịch, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc (9), New Zealand (35), hoặc thậm chí những quốc gia đang “vật lộn” với hàng trăm nghìn ca nhiễm như Mỹ (1), Pháp (11) hay Italy (31).

Rất nhiều lời giải thích được đưa ra vì sao Việt Nam đạt được thành công này, nó bao gồm chiến lược truy tìm dịch tễ và theo dõi chặt chẽ các ca nhiễm tiềm tàng trong xã hội; sự cảnh giác liên tục được duy trì bởi Chính phủ khi chưa bao giờ coi Covid-19 là “bệnh cúm xoàng”; một truyền thống nâng cao sự đoàn kết dân tộc trong thời kỳ khó khăn; hay thậm chí truyền thống Nho giáo lâu đời, tạo nên văn hóa tập thể của xã hội Việt Nam.

Một sự thật đáng kinh ngạc mà hiếm khi được cả trong lẫn ngoài nước nhắc đến khi phân tích chiến lược chống Covid-19 của Việt Nam, đó là chức Bộ trưởng Y tế hiện còn bỏ trống kể từ khi Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nghỉ hưu từ tháng 11/2019. Kể từ đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một kỹ sư viễn thông, phó tiến sỹ kinh tế, được giao nhiệm vụ quản lý và có lẽ vẫn sẽ như vậy cho đến khi đại dịch thực sự được kiểm soát.

Tuy nhiên, Bộ Y tế và mạng lưới các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh với nguồn lực hạn chế, nhưng có chiến lược y tế công cộng chống lại đại dịch hoạt động trơn tru, đã chứng minh là “cánh tay phải” của Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19. Chiến công này xuất phát từ nhiều bài học mà Việt Nam học được trong đợt dịch SARS năm 2003 và sau đó là đại dịch cúm H1N1 năm 2009.

Thế nhưng, chỉ một Bộ Y tế có khả năng là không đủ để kiểm soát được tình hình, bởi toàn bộ bộ máy Chính phủ phải hành động nhanh chóng và hiệu quả để có thể huy động tất cả nguồn lực sẵn có cho chiến dịch tốn kém chống lại Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh Covid-19 bằng hình thức họp trực tuyến.

Tự tin với những dịch bệnh khó lường khác trong tương lai

Ngoài ra, chính quyền trung ương và địa phương cũng cần phải minh bạch trong việc giao tiếp với công chúng để đạt được sự tin tưởng rất cần thiết trong quá trình thực thi kiểm dịch và xã hội bị đảo lộn. Chính quyền Việt Nam đã học được bài học này từ vụ ô nhiễm môi trường tại tỉnh Hà Tĩnh, gây ra bởi tập đoàn Formosa của Đài Loan năm 2016.

Theo The Diplomat, lãnh đạo Chính phủ giữa cuộc khủng hoảng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu được rằng, lệnh thực thi giãn cách xã hội trên toàn quốc và các biện pháp liên quan chỉ được thực hiện tốt khi người dân tin tưởng vào Chính phủ và Việt Nam đã đạt được điều này trong suốt những tháng qua, nhất là trên không gian mạng và mạng xã hội.

Chính phủ luôn cập nhật, thông báo đầy đủ với người dân từng ngày về những ca nhiễm Covid-19 mới, tình hình dịch bệnh một cách minh bạch. Không những thế, khác với Trung Quốc, người dân Việt Nam được hưởng tự do trên mạng tốt hơn nhiều, với hơn 70% dân số sử dụng internet và 58 triệu tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google, cả hai công ty công nghệ này đều bị cấm ở Trung Quốc.

“Bằng cách nhanh chóng thiết lập các biện pháp nghiêm ngặt như giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới để chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đồng thời đề xuất một số gói kích thích để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam và thậm chí tiếp cận và giúp đỡ các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng Việt Nam. Người dân Việt Nam dường như có mức độ tự tin cao nhất trên toàn cầu về cách Chính phủ của họ xử lý đại dịch.” – The Diplomat nhận định.

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt của thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Giờ đây, khi suy thoái kinh tế toàn cầu là gần như chắc chắn và tác động tiêu cực của các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt lên nền kinh tế trong nước dường như là không thể tránh khỏi, nhiệm vụ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ máy Chính phủ được chuyển sang thành kiểm soát đại dịch bằng mọi giá và giảm thiểu tác động của nó đối với nền kinh tế và xã hội.

Sự chuẩn bị lâu dài và đầy đủ, trách nhiệm của các quan chức cấp cao ở cả cấp trung ương, địa phương và sự minh bạch trong việc truyền đạt các biện pháp nghiêm ngặt và thường là khó khăn như cách ly xã hội và kiểm dịch sẽ luôn có tầm quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Vì vậy, Việt Nam có thể hoàn toàn có thể tự tin nếu những dịch bệnh khó lường khác xuất hiện trong tương lai.

(theo The Diplomat)