📞

Dịch Covid-19, 'chiến lược hai tướng' và bước ngoặt mới cho quan hệ liên Triều?

15:34 | 27/04/2020
TGVN. Dù Bình Nhưỡng hồi đầu năm nay đã cảnh báo cắt đứt quan hệ với Seoul song chính quyền Tổng thống Moon Jae-in vẫn đang tìm kiếm bước đột phá trong quan hệ song phương, nhất là sau khi phe Dân chủ giành được quá bán số ghế nghị sĩ tại Quốc hội khóa XXI.
Ngày 27/4/2020 đánh dấu kỷ niệm tròn 2 năm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lịch sử. (Nguồn: Reuters)

Ngày 27/4 năm nay đánh dấu kỷ niệm tròn 2 năm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom.

Tuyên bố chung Panmunjom không khả quan

Khoảnh khắc lịch sử được ghi dấu ấn bên lề sự kiện trên là thời điểm hai nhà lãnh đạo nắm tay nhau cùng bước qua giới tuyến quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên, thể hiện quyết tâm chấm dứt chiến tranh và mở ra một kỷ nguyên mới trên bán đảo.

Cuộc gặp khép lại với Tuyên bố chung Panmunjom gồm 3 điểm chính. Một là, lãnh đạo hai miền đồng ý theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và nỗ lực để chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên ngay trong năm 2019. Hai là, 2 bên cam kết tích cực xúc tiến các cuộc họp 3 bên Hàn-Triều-Mỹ để chuyển "Hiệp định Đình chiến" (ký năm 1953) thành "Hiệp định Hòa bình" và thiết lập một chế độ hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Ba là, 2 miền cũng sẽ dành nhiều sự quan tâm đến hợp tác kinh tế liên Triều.

Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, nhiều thỏa thuận nêu trong bản tuyên bố trên vẫn chưa có tiến triển đáng kể do bế tắc từ các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, song mới đây, nhà bình luận chính trị Kim Hong-guk cho rằng, việc hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí chung tay cùng nỗ lực vì một nền hòa bình trên bán đảo đang bị chia cắt là một điểm đáng được ghi nhận, và cũng có thể coi là bước tiến mới hướng tới sự hòa giải và hòa hợp giữa hai miền trong tương lai.

Hai miền Triều Tiên cũng nhấn mạnh trong Tuyên bố chung Panmunjom rằng chế độ Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, cụ thể "Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là xây dựng một bán đảo Triều Tiên không còn hạt nhân thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn". Tuy nhiên, có thể nói vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã không có nhiều cải thiện đáng kể trong 2 năm qua. Các dự án hợp tác xuyên biên giới liên Triều cũng không đem lại thành tựu nổi bật, trái với mong đợi và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Hàn Quốc trước đó. Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng dần trở nên lạnh nhạt hơn khi Bình Nhưỡng liên tiếp từ chối đối thoại.

Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ - Triều cũng trải qua nhiều thăng trầm khi hai bên không tìm được tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa. Kéo theo đó, các hành động khiêu khích của Triều Tiên vẫn tiếp diễn và có tần suất tăng dần. Chính quyền Kim Jong-un còn tuyên bố sẽ tạo ra bước đột phá trực diện để xây dựng nền kinh tế tự chủ mà không cần sự trợ giúp từ Mỹ hoặc Hàn Quốc.

Nhà bình luận Kim Hong-guk nhấn mạnh: "Trong bối cảnh đó, hoàn toàn không có gì bất ngờ khi quan hệ liên Triều rơi vào bế tắc. Song, trước sự bùng phát ở quy mô toàn cầu của đại dịch Covid-19 hiện nay, Triều Tiên chắc chắn sẽ tìm kiếm một sự thay đổi".

Lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2018 tại làng đình chiến Panmunjom. (Nguồn: Reuters)

Cách tiếp cận mới của Seoul

Tại Hàn Quốc, việc đảng Dân chủ Đồng hành cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 15/4 vừa qua dự kiến sẽ góp phần đẩy nhanh các chương trình hợp tác giữa hai miền theo sáng kiến của Tổng thống Moon Jae-in.

Với nguồn lực ủng hộ mạnh mẽ từ cơ quan lập pháp, chính sách đối với Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Moon có thể lấy lại được động lực. Nắm trong tay 180 ghế ở Quốc hội khóa mới, chính quyền của ông Moon Jae-in hoàn toàn có cơ hội "can dự đầy đủ" vào các vấn đề nhà nước và thúc đẩy chương trình nghị sự của Tổng thống.

Ông Kim Hong-guk cho rằng, trước hết, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy vấn đề hợp tác chăm sóc y tế với Triều Tiên bởi xét về độ khó thì các vấn đề nhân đạo hoặc kinh tế thường dễ tiếp cận hơn các vấn đề quân sự hoặc chính trị.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 20/4 vừa qua thông báo sẽ tái kích hoạt dự án kết nối tuyến đường sắt xuyên biên giới và công nhận đó là dự án hợp tác liên Triều. Dự án này nhằm khôi phục đoạn đường sắt nối thành phố Gangneung và ga Jejin (cùng thuộc tỉnh Gangwon), vốn đang bị chững lại do vấn đề ngân sách.

Dù chính quyền Bình Nhưỡng hồi đầu năm nay đã cảnh báo cắt đứt quan hệ với Seoul song chính quyền Tổng thống Moon Jae-in vẫn đang tìm kiếm bước đột phá trong quan hệ song phương, nhất là sau khi phe Dân chủ giành được quá bán số ghế nghị sĩ tại Quốc hội khóa XXI.

Theo nhà bình luận chính trị Kim Hong-guk, phản ứng tích cực của Triều Tiên là rất cần thiết đối với bất kỳ dự án hợp tác xuyên biên giới nào. Tuy nhiên cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn tỏ ra thờ ơ với các chương trình hợp tác do Seoul đề xuất. Do đó, không chắc liệu các chương trình hợp tác liên Triều do chính quyền Hàn Quốc thúc đẩy có diễn ra suôn sẻ hay không.

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến thái độ và phản ứng của Triều Tiên. Không chỉ chống chọi với dịch bệnh, Bình Nhưỡng còn đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt quốc tế kéo dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ không có phản ứng tích cực với bất kỳ đề xuất nào của Seoul ở thời điểm này.

Tuy nhiên, ông Kim Hong-guk cho rằng, trong giai đoạn này, Bình Nhưỡng sẽ rất cần đến hợp tác với Seoul bởi Mỹ đang đứng trước những xáo trộn trong chính quyền hậu bầu cử, và dù Tổng thống Donald Trump có tái đắc cử hay không thì Nhà Trắng cũng vẫn sẽ thiết lập chính sách Triều Tiên mới trong ít nhất một năm nữa. Đây có thể là cơ hội để Seoul có thể nắm bắt và nỗ lực chủ động thúc đẩy Bình Nhưỡng thay đổi thông qua hợp tác song phương.

Theo đó, Hàn Quốc nên khuyến khích Triều Tiên tham gia các chương trình hợp tác liên Triều thông qua hoạt động hỗ trợ nhân đạo và trao đổi dân sự. Tất nhiên, Seoul cần sử dụng "chiến lược hai hướng", vừa thuyết phục Bình Nhưỡng nối lại đối thoại, vừa gây áp lực trong trường hợp Triều Tiên có động thái khiêu khích mới.

Nếu Hàn Quốc nhận được phản ứng tích cực từ Triều Tiên trong quá trình này, quan hệ liên Triều sẽ có một bước ngoặt mới. Dư luận đang kỳ vọng trong diễn văn kỷ niệm 2 năm Tuyên bố chung Panmunjom lần này, Tổng thống Moon Jae-in có thể sẽ đưa ra một số đề xuất cụ thể mới trong hợp tác liên Triều, bao gồm cả việc cung cấp vật tư kiểm dịch của Seoul cho Bình Nhưỡng.

(theo TTXVN, KBS)