📞

Dịch Covid-19: Vì sao virus SARS-CoV-2 bị nghi ngờ là vũ khí sinh học?

Lê Ngọc 19:05 | 26/08/2020
TGVN. Dù tin hay không các thuyết âm mưu cho rằng, virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19, có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm thì việc xem xét khả năng virus này có tạo ra cái gọi là vũ khí sinh học “tốt” hay không là điều đáng làm.
Covid-19 đã cung cấp nhiều bài học trong việc chuẩn bị ứng phó dịch bệnh cũng như chiến tranh sinh học. (Nguồn: Espace-Social)

Trong quá khứ, nhiều quốc gia trên thế giới (như Mỹ, Iraq, Liên Xô, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Canada) từng có chương trình vũ khí sinh học và một số quốc gia khác (Trung Quốc, Triều Tiên và Iran) bị nghi ngờ đang tiếp tục phát triển loại vũ khí này.

Sức tàn phá khủng khiếp

Chiến tranh sinh học bao gồm việc sử dụng các mầm bệnh truyền nhiễm hoặc độc tố từ các sinh vật sống để gây ra cái chết hoặc tàn tật ở người, động vật hoặc thực vật. Việc sử dụng vũ khí có thể bao gồm đơn giản gây ô nhiễm nguồn nước của đối phương bằng phân hoặc xác chết, hay rải mầm bệnh một cách tinh vi trên chiến trường.

Mặc dù chúng ta thường coi con người là mục tiêu, vũ khí sinh học cũng có thể được sử dụng với những tác động kinh tế tàn phá đối với động vật hoặc thực vật, ví dụ "tấn công" việc chăn nuôi gia súc, hoặc cánh đồng lúa mì của để làm gián đoạn việc cung cấp lương thực thực phẩm của đối phương.

Mặc dù có hàng ngàn mầm bệnh ảnh hưởng lên con người, nhưng chỉ có một số ít mầm bệnh có thể trở thành vũ khí “tốt”. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã xếp các tác nhân đe dọa cao nhất đối với khủng bố sinh học vào "Loại A." Các bệnh trong danh mục này có khả năng gây thiệt hại lớn về sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi phải đầu tư các biện pháp ứng phó.

Nhiều cái tên trong danh sách có thể dễ dàng nhận ra vì những thiệt hại mà chúng đã gây ra cho loài người trong nhiều thế kỷ: bệnh than, bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa, bệnh sốt xuất huyết, các loại bệnh do virus gây ra (bao gồm cả virus Ebola và Marburg)…

Những đặc tính đáng lưu ý

Một số tác nhân được liệt kê ở trên sở hữu một số đặc tính nhất định được coi là “tiềm năng” trở thành một loại vũ khí. Các nhà khoa học Liên Xô đã thiết lập một hệ thống tính điểm cho những đặc tính này. Dưới đây là những đặc tính đó và liên hệ cụ thể với SARS-CoV-2.

Dễ dàng tiếp cận: Ngoại trừ bệnh đậu mùa đã bị tiêu diệt và hiện được niêm phong trong tủ đông lạnh tại CDC ở Atlanta và ở Nga, tất cả các mối đe dọa loại A đều tương đối dễ dàng có được. Trong đó chắc chắn có trường hợp của SARS-CoV-2, hiện có sẵn trên toàn thế giới.

Dễ sản xuất: Hầu hết các tác nhân loại A có thể được sản xuất với số lượng lớn để có thể được rải trên chiến trường hoặc khu dân cư lớn. Chế tạo vũ khí sinh học yêu cầu công nghệ lên men (tương tự như những gì được sử dụng để sản xuất bia) hoặc sản xuất bằng nuôi cấy tế bào. Các loại virus như SARS-CoV-2 khó phát triển hơn vi khuẩn (như bào tử bệnh than), nhưng vẫn có thể làm được.

Ổn định trong không khí: Đây là đặc tính quan trọng của vũ khí sinh học để nó được sử dụng trên chiến trường hoặc chống lại một lượng lớn dân chúng (mặc dù không quan trọng đối với các cuộc tấn công nhỏ hơn hoặc cho mục đích ám sát). SARS-CoV-2 không đạt tiêu chí này. Mặc dù nó có vẻ lây lan rất hiệu quả trong môi trường kín, nhưng có vẻ không tồn tại tốt ở ngoài trời, đặc biệt là dưới ánh sáng Mặt trời.

Chỉ cần một lượng nhỏ có thể lan truyền rộng: Nếu chỉ cần một số lượng nhỏ virus, vi khuẩn hoặc nấm cũng có thể khiến dịch bệnh lan rộng, thì đó là yếu tố lý tưởng để chế tạo vũ khí sinh học với mục tiêu bao phủ một khu vực lớn. Hiện vẫn chưa chắc chắn về khả năng lây nhiễm của SARS-CoV-2 như thế nào.

Tỷ lệ số người nhiễm virus mắc bệnh: Một khía cạnh quan trọng của bất kỳ loại vũ khí nào là khả năng dự đoán. Nếu chỉ một số ít người bị nhiễm bệnh thì tác động của mầm bệnh không đủ tin cậy để sử dụng như vũ khí. Virus SARS-CoV-2 có thể không được đánh giá cao về yếu tố này. Một tỷ lệ cao, lên đến 40% hoặc hơn, dường như bị nhiễm bệnh mà không biểu hiện triệu chứng. Ngoài ra, các cá nhân từ 18-24 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn trong quân đội, có thể chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Điều đó có nghĩa là, không thể "rải" virus SARS-CoV-2 để làm yếu lực lượng của đối phương.

Người dùng vũ khí sinh học có thể được bảo vệ: Việc sử dụng vũ khí sinh học có thể không thể dự đoán trước được. Đặt trường hợp bên tấn công thả "vũ khí" trong không khí và gió thổi sai hướng, lực lượng của chính bên đó có thể bị nhiễm. Do đó, cần phải có vaccine hoặc phương pháp điều trị để bảo vệ lực lượng của mình. Hiện tại chưa có vaccine phòng Covid-19. Mặc dù gần đây Nga đã công bố họ có vaccine, nhưng hiệu quả bảo vệ con người khỏi lây nhiễm chưa được kiểm chứng.

Gây ra tâm lý hoảng sợ: Có thể hiệu quả nếu mục đích sử dụng chỉ là gây ra sự hoảng loạn từ một mối đe dọa. Tất cả mọi người đều sợ bị lây nhiễm, từ nơi ở, làm việc, trường học hoặc ở các khu vực công cộng khác, vì vậy virus SARS-CoV-2 nhận được điểm cộng cho khả năng này.

Lây nhiễm có thể là một con dao hai lưỡi: Sau khi được sử dụng, vũ khí sinh học có thể là “món quà khủng khiếp” khi nó lan truyền quá nhanh và nguy hiểm cho quân đội và quốc gia đối phương. Tuy nhiên, với khả năng này mầm bệnh hoàn toàn có thể lây trở lại quốc gia đã phát tán ra nó, nếu không có biện pháp đề phòng trừ. Chúng ta đã tận mắt chứng kiến thách thức này với SARS-CoV-2 và phải khó khăn như thế nào để ngăn chặn một khi nó xâm nhập vào xã hội.

Bị động bởi SARS-CoV-2

Nhìn chung, virus SARS-CoV-2 có một số đặc tính “mong muốn” của một loại vũ khí sinh học, nhưng có lẽ không đủ để khiến nó trở thành một lựa chọn tốt cho các mục đích quân sự. Bất chấp điều đó, SARS-CoV-2 chắc chắn đã nhắc nhở chúng ta về sự dễ bị tổn thương của xã hội đối với một mầm bệnh mới và đại dịch có khả năng khủng khiếp như thế nào, khi chúng ta hàng ngày vẫn đang tiếp tục phải chứng kiến toàn bộ thế giới vật lộn để ngăn chặn.

Một điều quan trọng khác mà đại dịch Covid-19 đã chứng minh là một khi mất kiểm soát thì hậu quả không thể đoán định được. Đây là một trong những lý do khiến Tổng thống Mỹ Nixon ngừng chương trình phát triển vũ khí sinh học vào năm 1969 và quyết định chỉ tập trung vào các biện pháp phòng chống.

Thực tế cho thấy, việc phải đối mặt với những loại thử thách dạng này chỉ là vấn đề thời gian. Bởi vậy, bây giờ là lúc để con người cần sớm khắc phục những lỗ hổng trong việc chuẩn bị và khả năng ứng phó với những đại dịch tiếp theo có thể ập đến bất cứ lúc nào. Thời gian đang không ủng hộ loài người.

(theo Forbes)