Cơ chế đặc thù
Từ tháng 8/2012, Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh đề nghị và Trung ương đang xem xét để xây dựng nơi đây thành Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt. Và cũng từ thời điểm đó đến nay, Vân Đồn là tâm điểm của hơn 50 cuộc hội nghị, hội thảo khoa học và trao đổi xin ý kiến giữa Quảng Ninh với các cơ quan từ Trung ương đến địa phương; là điểm đến thăm và làm việc của nhiều cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Theo Đề án mà tỉnh đệ trình, Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn có diện tích trên 2.000km2, vùng biển hơn 1.600km2, sẽ được tập trung phát triển các loại hình du lịch cao cấp, trung tâm thương mại và tài chính quốc tế, đầu mối giao thương và hậu cần, các công trình đầu mối - dịch vụ giao thông đường thuỷ và hàng không, gắn với phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp sạch, chất lượng cao... Nói cách khác, với Đề án này, Vân Đồn trong tương lai sẽ là một đặc khu kinh tế mang đẳng cấp quốc tế như Thẩm Quyến, Macau (Trung Quốc)...
Thế nhưng, không giống như 14 đặc khu kinh tế ra đời trước đó trên cả nước, Vân Đồn đang xin một cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm thu hút đầu tư. Những cơ chế, chính sách “đặc biệt” ấy hầu hết là vượt khung của quy định pháp luật hiện hành. Vì thế, đây cũng là chủ đề của hơn 50 cuộc hội nghị, hội thảo khoa học và trao đổi xin ý kiến giữa Quảng Ninh và các cơ quan Trung ương và địa phương, ước có sự tham gia của 19 Bộ và Cơ quan ngang Bộ, 9 Ủy ban của Quốc hội, 2 Đảng ủy khối cơ quan trung ương.
Cũng chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Vân Đồn - Quảng Ninh đã đón nhiều cấp Lãnh đạo Đảng và Trung ương về thăm và làm việc.
Tháng 4/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã thăm, làm việc tại Vân Đồn. Tổng Bí thư cho rằng, Vân Đồn cần có cơ chế đặc thù để khơi dậy những tiềm năng to lớn. Bộ Chính trị sẽ xem xét việc xây dựng Đặc khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn và giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện đề án này.
Ngày 11/8/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Chính phủ về thăm Quảng Ninh. Thủ tướng đã trực tiếp thị sát việc triển khai quy hoạch chung xây dựng khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ xem xét các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm xây dựng Đặc khu Hành chính - Kinh tế Vân Đồn trình Trung ương và Quốc hội quyết định.
Rồi ngày 24/8/2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi thị sát việc xây dựng Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Và còn nhiều Bộ, Ngành cũng về thăm, làm việc với tỉnh, với Vân Đồn...
Còn các nhà đầu tư?
Từ tháng 4/2012, các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực về lĩnh vực giải trí cao cấp như: Tập đoàn Genting Group (Malaysia) đã 4 lần khảo sát và ký biên bản ghi nhớ. Rồi đến Tập đoàn Cedona; Tập đoàn Cacsars Entertainment (Hoa Kỳ) sang tiếp cận tìm hiểu. Rồi các Tập đoàn Phoenix của Macau; Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) ký thỏa thuận hợp tác đầu tư...
Trong dự án sân bay quốc tế, các đối tác: Liên doanh Tổng Công ty Hàng không Hàn Quốc, Công ty Joinus Việt Nam đang thể hiện sự quan tâm. Tập đoàn Thương mại Canada (CCC) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu và đầu tư dự án…
Chưa kể đến các nhà đầu tư khác như Tập đoàn ISC Corporation (Mỹ), Liên danh Tập đoàn Amata (Thái Lan) - Tập đoàn Tuần Châu, Viện Công nghệ Áo (AIT) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu phát triển đô thị thông minh tại Khu Kinh tế Vân Đồn; rồi Công ty TNHH Thai Nakorn Patana (Thái Lan), Công ty Phát triển hạ tầng Kobe (Nhật Bản) về tìm hiểu…
Dự kiến tháng 12 năm nay, Quảng Ninh sẽ là điểm đến của hơn 200 đại biểu là các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách, các chính khách quốc tế và trong nước về họp bàn để “hiến kế” việc xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Theo ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, thì cho đến năm 2015, Đề án xây dựng Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn mới chỉ ở giai đoạn khởi động.
Xem ra, giai đoạn khởi động đã kỹ càng như thế, có thể coi Vân Đồn đang là một “điểm nhấn” quan trọng tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh sang nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Văn Anh