📞

Diễn Chèo bằng tích ngoại: Tại sao không?

15:00 | 16/05/2016
Nhiều người cho rằng, Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống và sẽ có vẻ không “hợp giơ” nếu dùng phương tiện này để thể hiện những kịch bản hoặc dựa theo tích ngoại. nhưng không hẳn...

Mang câu hỏi này tới gặp NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, tôi được nghe chị phân tích những điểm mạnh cũng như cái khó của nghệ sỹ Chèo trong bối cảnh hội nhập. Đó là phải làm sao vừa giữ được bản sắc của loại hình nghệ thuật truyền thống này nhưng lại phải luôn đổi mới để theo kịp hơi thở của thời đại, nhằm hấp dẫn khán giả hơn nữa. Việc dàn dựng những vở Chèo dựa trên các kịch bản nước ngoài đang hứa hẹn thổi một làn gió mới vào loại hình này.

Sự giao thoa văn hóa

Theo NSƯT Thanh Ngoan, trong nghệ thuật hát Tuồng hay Chèo… có những tác phẩm cổ, tích cổ nhưng cũng có những tác phẩm mang hơi thở của thời đại, có những kịch bản của những tác giả trong nước và trước đây Nhà hát Chèo Việt Nam cũng từng dàn dựng những tác phẩm nước ngoài cho loại hình hát Chèo.

Cảnh trong vở “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Trong số những vở chèo nước ngoài đã được Nhà hát Chèo dàn dựng có thể kể đến tác phẩm “Nàng Shakuntala” - vở kịch hay nhất trong lịch sử văn học Ấn Độ, hay tác phẩm “Nàng Sita” -  sử thi Ramayana của Ấn Độ, được hai cha con kịch gia nổi tiếng Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ viết kịch bản…

Đặc biệt có thể nhắc tới tác phẩm “Vòng phấn Kavkaz” một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của tác giả người Đức Bertolt Brecht. Đạo diễn Muller (người Đức) đã dùng nghệ thuật Chèo kết hợp với tính giả định, ước lệ trong sân khấu kịch bản của Đức để dàn dựng tác phẩm  này. Sau khi được trình diễn tại Việt Nam và Đức, vở diễn được đánh giá là sự giao thoa văn hóa thành công.

NSƯT Thanh Ngoan cho rằng: “Cái chính là mình phải biết vận dụng, kết hợp sao cho vừa giữ được đặc trưng của thể loại Chèo, vừa thể hiện được tối đa giá trị nghệ thuật của kịch bản. Như Giáo sư Trần Bảng từng so sánh, khi sử dụng tác phẩm của nước ngoài mình học được kinh nghiệm, văn hóa của họ và ngược lại, họ cũng hiểu hơn về văn hóa nghệ thuật của Việt Nam.

Tuy nhiên, NSƯT Thanh Ngoan cũng khẳng định, không phải vở nào chúng ta cũng lấy tác phẩm của nước ngoài. Chèo là loại hình sân khấu thuần Việt. Chúng ta phải bắt nhịp, vận dụng  sao cho vẫn giữ được ngôn ngữ chèo mà vẫn truyền tải được nội dung kịch bản nước ngoài.

Món ăn tinh thần vô giá

Vừa qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã dựng một vở mới từ một tích của Ấn Độ, nói về Thích Ca Mâu Ni Phật. NSƯT Thanh Ngoan cho biết: “Nếu chúng tôi áp dụng toàn bộ Chèo vào thì chắc chắn không được. Chúng ta phải giữ tích truyện, tên nhân vật của nước ngoài. Cấu trúc kịch bản khi viết ngôn ngữ phải thuộc về ngôn ngữ Chèo, nếu không sẽ không hát được. Câu chuyện nước ngoài thì không thể lấy cảnh trí của Việt Nam, không thể lấy trang phục mớ ba mớ bảy của Chèo cho nhân vật của vở diễn. Về âm nhạc thì chúng tôi lấy Chèo làm cốt lõi để giữ làn điệu của Chèo, nhưng lại dùng nốt nhạc đặc trưng của Phật Pháp”.

Chính nhờ sự kết hợp hài hòa như vậy mà khi vở chèo đến với khán giả, nội dung truyền tải vẫn là cốt truyện nước ngoài, song lại vẫn thấm đẫm chất Chèo. Việc giữ được nét truyền thống của Chèo, với những đề tài hiện đại đã tạo ra được tác phẩm Chèo hay, đi vào lòng người. Trong đó, khó nhất phải nói đến công việc chuyển ngữ và vận dụng ngôn ngữ đó vào kịch bản.

Theo NSƯT Thanh Ngoan, lựa chọn kịch bản nước ngoài phù hợp với làn điệu Chèo cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu kết hợp thành công thì khán giả hai nước sẽ được thưởng thức món ăn tinh thần cầu kỳ và vô giá.

Chính vì vậy, theo nữ Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, việc dàn dựng những vở Chèo dựa trên kịch bản, tích truyện nước ngoài… “dù có khó vẫn phải làm”./.