📞

Điện đàm Biden-Putin: 'Ném đá dò đường' hay khởi đầu để hàn gắn quan hệ?

Minh Nhật 10:13 | 29/01/2021
TGVN. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/1 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo giới quan sát, mục đích chính cuộc điện đàm là nhằm dò xét quan điểm của nhau.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/1 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AP)

Phía Moscow thông báo nội dung cuộc điện đàm đề cập những vấn đề song phương và quốc tế, trong khi phía Washington cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập những vấn đề gây tổn hại cho mối quan hệ song phương của hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.

Một số báo chí phương Tây bình luận cuộc điện đàm này cho thấy ông Biden đang “ném đá dò đường” để đưa ra chính sách phù hợp với Nga trong nhiệm kỳ của mình. Trong khi đó, báo chí Nga cho rằng đây là sự khởi đầu để hai bên tìm kiếm những điểm chung.

Người trong cuộc kiệm lời, người ngoài cuộc háo hức

Theo thông cáo của Nhà Trắng, tân tổng thống Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Nga bắt giữ thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, việc Nga treo thưởng để sát hại binh sĩ Mỹ ở Afghanistan và những cáo buộc về việc Moscow can dự vào chiến dịch do thám mạng quy mô lớn có tên gọi SolarWinds nhằm vào mạng máy tính của các cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ An ninh Nội địa…,gây quan ngại về nguy cơ rò rỉ những thông tin nhạy cảm.

Trong khi đó, thông cáo của điện Kremlin không hề đề cập tới bất kỳ xích mích nào như Nhà Trắng đã công bố, thay vào đó tập trung vào phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với đề xuất của người đồng cấp Mỹ về gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Trang mạng The National Interest cho rằng, thông cáo của phía Moscow chỉ tập trung vào những vấn đề quốc tế cùng những mối quan tâm như đại dịch Covid-19, thỏa thuận hạt nhân Iran, Ukraine và những vấn đề khác liên quan đến thương mại và kinh tế.

Thông cáo của Moscow cũng cho biết cuộc điện đàm đã diễn ra “thẳng thắn và thiết thực”, cách nói mà trang mạng fox19 bình luận là "mang tính ngoại giao, thường nhằm che đậy các cuộc đối thoại căng thẳng”.

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng ông Biden từng gọi ông Putin là “côn đồ KGB”, trong khi giới chức Nga cho biết ông Putin đã “lưu ý rằng việc bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ đáp ứng được lợi ích của cả hai nước và ghi nhận trách nhiệm đặc biệt của họ trong việc duy trì an ninh và sự ổn định trên thế giới”.

Hai nhà lãnh đạo dường như đã "chốt" được việc gia hạn thỏa thuận New START, một thỏa thuận nhằm hạn chế số lượng đầu đạn, tên lửa và bệ phóng trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Thỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021 và chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã từ chối ký kết gia hạn.

Bình luận về ý nghĩa của cuộc điện đàm Biden-Putin, The National Interest cho rằng đây là một cuộc thảo luận quan trọng nhằm dò xét quan điểm của nhau với kết quả chính là việc hai bên nhất trí gia hạn New START.

Truyền thông Nga nói rằng Điện Kremlin coi sự nhất trí này là một thông điệp tích cực, ngầm thừa nhận rằng Washington và Moscow vẫn đạt được cấp độ cân bằng, ít nhất trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Thông báo rằng cả hai nước “nhất trí tìm cách tiến tới các cuộc thảo luận về sự ổn định chiến lược đối với vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh đang nổi” cũng được hiểu là một sự gợi mở để hai nước xúc tiến các cuộc đàm phán song phương về một chương trình nghị sự bao hàm nhiều vấn đề song phương và quốc tế khác.

Bình luận về cuộc điện đàm này, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Viktor Bondarev cho rằng, đây là một sự khởi đầu cho nỗ lực của Nga và Mỹ nhằm tìm ra “những điểm chung giúp thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trên toàn thế giới”.

Theo trang mạng fox19, mặc dù thông báo từ Washington và Nhà Trắng tập trung vào những vấn đề khác nhau trong cuộc điện đàm này song những nội dung thông báo này đều cho thấy rằng quan hệ Mỹ-Nga sẽ được tác động theo một đường hướng nào đó, ít nhất vào giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, với mong muốn không hủy hoại thêm song cũng không cảm thấy tính cấp thiết phải khắc phục những tổn hại của mối quan hệ hiện nay.

Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Nga?

Theo giới quan sát, qua nội dung cuộc điện đàm ông Biden đã tỏ ra cứng rắn hơn với người đồng cấp Nga Putin so với cựu Tổng thống Trump, người từ chối đối đầu với Kremlin và gây ra hoài nghi về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Cùng quan điểm này, trang mạng fox19 nhận định rằng ông Biden đã tỏ ra dứt khoát, cho thấy sự khác biệt quan điểm của mình so với ông Trump khi nói với ông Putin rằng ông biết Nga đã tìm cách can thiệp vào cả hai cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 và 2020.

Thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh rằng ông Biden đã đưa ra cảnh báo rõ ràng với ông Putin rằng với một chính quyền mới ở Washington, “Mỹ sẽ hành động cứng rắn để bảo vệ lợi ích quốc gia, đáp trả những động thái của Nga vốn hủy hoại Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ”.

Trang mạng tạp chí The National Interest cho rằng thông điệp này trái ngược hoàn toàn với lập trường của ông chủ cũ của Nhà Trắng.

Dường như ông Biden và ê-kíp của ông sẵn sàng đáp trả mau lẹ và quyết đoán đối với bất kỳ hành động nào của Nga vượt quá giới hạn. Các nguồn tin của Mỹ nói rằng, phía Nga cũng được thông báo về khả năng hứng chịu thêm các đòn trừng phạt về những hành động của họ.

Lưu ý rằng trước khi điện đàm với Tổng thống Nga Putin, ông Biden đã tham vấn với các đồng minh châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức. Ngoài ra, tân Tổng thống Mỹ cũng điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để khẳng định cam kết của Mỹ đối với mối quan hệ đồng minh tồn tại hàng chục năm qua vốn được thiết lập để đối phó trước hành động gây hấn của Nga.

Điều gì xảy ra tiếp theo

Theo The National Interest, Điện Kremlin có cách diễn giải riêng về hình thức hội đàm mà họ muốn có với Washington, một hình thức thảo luận mang tính "đổi chác" mà Moscow lâu nay luôn muốn tiến hành với chính quyền ông Trump.

Ngược lại, chính quyền ông Biden coi bất kỳ cuộc đối thoại nào với Nga theo kiểu này sẽ là dịp để Washington nắm bắt được ý định và động thái của Nga đối với những vấn đề quốc tế và đa phương mà Mỹ muốn Nga chấm dứt hoặc thậm chí đảo ngược trước khi có thể thúc đẩy bất kỳ đàm phán nào về bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga.

Vì vậy, dường như mục đích chính của cuộc điện đàm này là nhằm thăm dò quan điểm của nhau.

Dù có thể diễn giải thời điểm tiến hành cuộc gọi này là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Tổng thống Putin trên trường quốc tế hoặc là một chỉ dấu cho thấy mối liên minh phương Tây một lần nữa được thống nhất sau thời ông Trump (khi ông Biden điện đàm cho đồng minh châu Âu trước khi điện đàm cho ông Putin), song Tổng thống Nga Putin đã chính thức được nghe quan điểm từ ông Biden trên cương vị là Tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, ông Biden nắm được những vấn đề đang trở thành “điểm tử huyệt” của ông Putin như tác động của đại dịch, cuộc chiến giá dầu mỏ và các cuộc biểu tình ở Nga đòi hỏi quyền tự do nhân quyền, hội họp và phản đối vụ bắt giữ nhân vật đối lập Navalny. Đây là những vấn đề có thể gây bất ổn xã hội Nga.

Ngoài việc nhất trí gia hạn New START, hai bên không đạt được sự đồng thuận nào khác. Vì vậy, vẫn còn phải chờ xem những động thái tiếp theo của cả hai bên sẽ như thế nào.

(tổng hợp)