Nguồn gốc Hội nghị
Ý tưởng về một Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc được Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đưa ra tại Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN tại Lào vào tháng 2/2016. Dù cuộc họp hướng tới việc giải quyết các vấn đề bên trong mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc khi hai bên kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại, không ít người hiểu rằng trung tâm của cuộc họp là vấn đề Biển Đông.
Cụ thể hơn, với phán quyết sắp được Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) đưa ra về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á - trong đó có Singapore, nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhận thấy việc ASEAN thảo luận về cách thức khối này sẽ tiếp cận vấn đề Biển Đông trong nội bộ cũng như với Bắc Kinh như thế nào là điều rất quan trọng.
Đạt được sự thống nhất về vấn đề Biển Đông là điều khó khăn đối với ASEAN. Tổ chức này hoạt động trên cơ sở đồng thuận và chỉ có 4 nước thành viên có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp (Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam), một số nước khác là bên tham gia có lợi ích (như Singapore và Indonesia), và Campuchia và Lào là các bên tham gia dường như không có lợi ích hay là “bên tham gia cuối cùng”. Với Lào - nước nằm hoàn toàn trong đất liền với rất ít lợi ích trên Biển Đông và được lợi rất nhiều từ sự đầu tư vào quan hệ với Trung Quốc, đã có những quan ngại rằng những gì đã xảy ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh năm 2012 có thể lặp lại - với việc ASEAN không đưa ra một thông cáo chung trong đó có nhắc tới vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, đã có những minh chứng rõ ràng về mong muốn của Bắc Kinh muốn thử thách và làm suy yếu sự đoàn kết của ASEAN. Truyền thông Trung Quốc đưa tin về một sự đồng thuận gồm 4 điểm vào tháng 4/2016 giữa Trung Quốc, Campuchia, Lào và Brunei - song thông tin này sau đó bị từng nước trong nhóm này bác bỏ.
Những điều chưa có tiền lệ
Khi Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan, một số quốc gia Đông Nam Á nhận ra rằng Trung Quốc đang nỗ lực gây sức ép buộc các nước ASEAN phải đồng ý với lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông. Theo một người tham dự hội nghị, trong các cuộc thảo luận, Bắc Kinh không chỉ cảnh báo các nước Đông Nam Á không được đưa ra một tuyên bố về Biển Đông sau phán quyết của PCA, mà còn thách thức quan niệm rất được khối này coi trọng về vai trò trung tâm của ASEAN, dẫn tới việc một số nước tỏ ra tức giận. Khi được đề nghị miêu tả phản ứng của một số nước ASEAN trước giọng điệu của Trung Quốc tại thời điểm đó, một nhà ngoại giao đã nói: “Nếu nói là thất vọng, thì đó là cách nói quá lịch sự”.
Bị phật ý bởi cách hành xử của Trung Quốc, các Bộ trưởng của ASEAN ban đầu đã quyết định đưa ra một tuyên bố của riêng nhóm thay vì một tuyên bố chung với Bắc Kinh tại một cuộc họp chung - một động thái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ASEAN. Theo ba nguồn tin ngoại giao xác nhận, các nước ASEAN ban đầu thống nhất chuyển một thông cáo báo chí - vốn đã được soạn thảo từ nhiều tháng qua, thành một tuyên bố chung về cuộc họp đặc biệt này. Nhưng điều quan trọng là không chỉ tuyên bố này có tồn tại, mà thực sự nó có ảnh hưởng sâu rộng. Một nửa bản tuyên bố dành nói về Biển Đông, với ngôn từ mạnh mẽ.
Ở đoạn đầu, tuyên bố đề cập cứng rắn: “Chúng tôi chờ đón làm việc với Trung Quốc để đưa hợp tác ASEAN-Trung Quốc lên một cấp độ mới. Nhưng chúng tôi cũng không thể bỏ qua những gì đang diễn ra trên Biển Đông vì đây là một vấn đề quan trọng trong mối quan hệ và sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc”. Những lời lẽ như vậy gần như chưa từng có tiền lệ đối với một tuyên bố chính thức của ASEAN.
Được tin về tuyên bố này, Trung Quốc đã cố gắng xoa dịu và thuyết phục ASEAN. Bắc Kinh cho rằng ASEAN nên hoặc đồng ý với tuyên bố của Trung Quốc – dưới dạng một sự đồng thuận về 10 điểm mà một nguồn tin ngoại giao Đông Nam Á miêu tả là “không thể chấp nhận được theo bất cứ tiêu chuẩn nào” – hoặc không đưa ra tuyên bố nào.
Trong khi phần lớn các nước ASEAN cho rằng khối này nên tiếp tục tiến trình hiện nay, sự không bằng lòng của Trung Quốc đã khiến một số nước xem xét lại việc ký vào bản tuyên bố chung, trong đó có Campuchia và quan trọng hơn là Lào, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Thiếu sự đồng thuận, cuối cùng, ASEAN đã không đưa ra bất cứ tuyên bố chung nào bất chấp những gì đã được dự định và thống nhất ban đầu. Hội nghị kết thúc mà không có thỏa thuận nào, và cũng không có một cuộc họp báo chung giữa hai chủ tịch hội nghị.
Đồng thuận hay không đồng thuận?
Truyền thông và các nhà phân tích đã tập trung vào các chi tiết mô tả về những gì đã diễn ra. Thứ nhất, đã có một số thảo luận về kiểu tuyên bố tại hội nghị sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir cho rằng đó là một thông cáo báo chí, không giống với một tuyên bố chung thông thường nên được đưa ra. Nasir đã đúng khi nói rằng, văn kiện ban đầu được các nước ASEAN xem xét tại hội nghị là một thông cáo báo chí đã được soạn thảo từ lâu, nhưng ông lại không nhắc tới việc thực sự có sự đồng thuận ban đầu giữa các nước ASEAN để chuyển thông cáo báo chí ban đầu đó thành một tuyên bố chung. Nói cách khác, dù đó là kiểu văn kiện nào, thì điều quan trọng là khối này đã có sự đồng thuận về một thỏa thuận chung được công bố công khai. Vì vậy, vấn đề không phải là có tuyên bố chung được công bố tại hội nghị hay liệu có đồng thuận giữa các nước ASEAN về việc đưa ra một tuyên bố chung hay không, mà câu hỏi duy nhất nên đặt ra là: Tại sao sự đồng thuận ban đầu lại bị phá vỡ?
Thứ hai, người ta đã nói nhiều về việc Malaysia đưa ra thông cáo báo chí, nhưng sau đó đã rút lại vì “những sửa đổi cấp thiết”. Một số nhà bình luận cho rằng việc này chứng tỏ sự bối rối, thậm chí là sự kém cỏi quan liêu bên trong ASEAN. Nhưng trên thực tế, đây cũng chỉ là một sự việc bên lề. Bởi người ta có thể đặt câu hỏi về ý đồ của Malaysia trong động thái này. Nhưng việc đó cũng không làm phân tán sự chú ý khỏi sự thật là ASEAN có đồng thuận ban đầu trong ý định chuyển thông cáo báo chí thành một tuyên bố chung, và sự đồng thuận này cuối cùng không trở thành hiện thực do áp lực của Trung Quốc cộng với sự do dự của các nước “tham gia cuối cùng” trong ASEAN. Nói cách khác, đây là câu chuyện về sự đoàn kết nội bộ của một tổ chức trước thách thức của một thế lực bên ngoài, chứ không phải là câu chuyện về một tổ chức không hiểu rõ hoặc bị chia rẽ về các vấn đề thủ tục hay nghi thức.
Phía trước chưa rõ ràng
Những gì xảy ra tại hội nghị đã trở nên rõ ràng hơn, nhưng con đường phía trước cho ASEAN, Trung Quốc và cả vấn đề Biển Đông thì vẫn còn mơ hồ.
Đương nhiên, câu hỏi tiếp tục được đặt ra là: sau những sửa đổi của các bên liên quan, liệu một tuyên bố chung có được đưa ra như kế hoạch ban đầu hay không. Khi một tuyên bố chung không được đưa ra tại Phnom Penh năm 2012, Ngoại trưởng Indonesia lúc đó là Marty Natalegawa đã tiến hành các hoạt động ngoại giao con thoi tới thủ đô các nước ASEAN để cứu vãn một sự đồng thuận gồm 5 điểm về Biển Đông. Tính đến thời điểm này, việc đạt được một sự đồng thuận như vậy ngày càng ít có khả năng xảy ra.
Một vấn đề khác là ASEAN sẽ giải quyết việc này như thế nào trong thời gian còn lại của năm 2016. Với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ tổ chức hội nghị Ngoại trưởng vào tháng Bảy và một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo vào tháng Chín. Vientiane sẽ có vai trò then chốt trong việc hình thành sự đồng thuận, đặc biệt với phán quyết sắp tới của PCA. Liệu nước này sẽ lấy cớ “các nước tham gia cuối cùng”, để giảm bớt sự đồng thuận ASEAN về vấn đề Biển Đông vì lợi ích của riêng mình, hay sẽ cố gắng lèo lái để ASEAN có một lập trường mạnh mẽ về một vấn đề then chốt của cả khối?
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia): “Việc đưa ra quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận khiến ASEAN gặp phải một số khó khăn nội bộ. Vấn đề Biển Đông và phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) cho thấy điều cần thiết là ASEAN phải đạt được một lập trường chung để duy trì luật pháp quốc tế, đảm bảo an toàn và an ninh ở Biển Đông. ASEAN cần tập trung thuyết phục Trung Quốc sớm có được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc để điều chỉnh hành vi của các nước tại Biển Đông. Hiệp hội cũng cần đi đầu trong việc kêu gọi phi quân sự hóa vùng biển này thông qua tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác đối thoại. Tóm lại, ASEAN cần phải là “người cầm lái” trong các cơ chế an ninh mà ASEAN làm trung tâm như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Cấp cao Đông Á (EAS) để không một cường quốc nào có thể chi phối hay chia rẽ Hiệp hội”. |