Tổng thống Trump đã quên mất sự kiên cường của Iran, đặc biệt là trong cuộc chiến đẫm máu với Iraq vào năm 1970. (Nguồn: ananoticias.com) |
Đầu tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tự gắn cho mình cái mác là “Tổng thống Chiến tranh”. Thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ như thường lệ thông qua các dòng tweet của mình, ông Trump dường như đang cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đứng đằng sau vụ tấn công ngày 14/9 vào trung tâm chế biến dầu Abqaiq của Saudi Arabia, nơi xử lý một nửa sản lượng dầu của nước này.
Trên dòng tweet ngày 15/9, Tổng thống Mỹ viết: “Nguồn cung dầu mỏ Saudi Arabia đã bị tấn công. Có lý do để tin rằng chúng ta biết thủ phạm và người Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến, nó chỉ còn chờ việc xác minh”.
Ông bổ sung thêm rằng Washington vẫn đang chờ Saudi Arabia thông báo thủ phạm mà nước này tin là gây ra vụ tấn công và chúng thực hiện trong điều kiện nào. Nói tóm lại, Chính quyền Trump chỉ đang chờ Saudi Arabia bật đèn xanh để tấn công Iran.
“Tổng thống Chiến tranh” thành “Tổng thống Thận trọng”
Nhìn lại cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất sau khi Iraq xâm lược Kuwait năm 1990, nhiều người lo ngại bầu không khí căng thẳng hiện tại có thể khiến Mỹ sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích của mình ở vùng Vịnh, trong đó có dòng chảy dầu mỏ tự do từ khu vực này.
Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau “Tổng thống Chiến tranh” đã trở thành “Tổng thống Thận trọng” khi Tổng thống Trump ngừng đổ lỗi trực tiếp cho Iran về vụ tấn công lớn vào cơ sở dầu mỏ Aramco ở Saudi Arabia. Cuộc tấn công này đã làm giảm 50% sản lượng dầu của Saudi Arabia, giảm 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu và đẩy giá dầu tăng 10%.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump nói ông vẫn nghi ngờ Iran là thủ phạm nhưng ông không thực sự chắc chắn. Ông không muốn dính líu vào một cuộc xung đột mới nhưng đôi khi buộc phải làm.
Vào ngày 17/9, khi Chính quyền Trump công bố Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có thể bay đến vùng Vịnh để thảo luận cách thức đối phó với cuộc tấn công của Iran, và khi Lãnh tụ tối cao của Iran bác bỏ bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào với Mỹ, nhiều người đồn đoán chiến lược của Mỹ ở Trung Đông đang “rơi tự do”.
Bổ sung thêm vào những lo ngại này là tin tức Chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu – đồng minh thân cận của Tổng thống Trump ở Trung Đông trong cuộc xung đột với Iran – đã không giành được đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 17/9.
Tờ The Business Times cho rằng, chính Tổng thống Trump là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông. Ông Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran do người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Barack Obama, ký kết và công bố chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Tehran thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và đe dọa sử dụng vũ lực chống lại những động thái hung hăng của Iran.
Chiến lược đó của Mỹ bao gồm "bật đèn xanh" cho Saudi Arabia và các đồng minh của họ tấn công lực lượng phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen và "bật đèn xanh" cho Israel tấn công các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Liban, Syria và Iraq.
Sau khi Tổng thống Trump bổ nhiệm ông John Bolton, một nhân vật diều hâu chống Iran từ lâu và chủ trương thay đổi chế độ ở Tehran, làm Cố vấn an ninh quốc gia của ông, dường như Nhà Trắng sẽ chỉ cứng rắn hơn với Iran cho đến khi Tehran chấp nhận các điều kiện của Mỹ.
Tổng thống Trump đã quên mất sự kiên cường của Iran, đặc biệt là trong cuộc chiến đẫm máu với Iraq vào năm 1970, cho thấy Tehran sẵn sàng đương đầu với sức ép hiện nay của Mỹ. Thay vào đó, ông Trump tin vào hình thức ngoại giao trao đổi của mình, theo đó Washington có thể sẵn sàng rút lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đầy đau đớn và đổi lại Iran có thể ký một thỏa thuận hạt nhân mới. Không giống như thỏa thuận ngoại giao tồi tệ nhất trong lịch sử, thỏa thuận mới có thể cho thấy Tổng thống Trump là người nhà đàm phán vĩ đại nhất.
Quân bài của Iran
Được biết đến là “kỳ thủ tài ba”, Iran đã đi nước cờ tấn công, sử dụng các lực lượng ủy nhiệm của họ trong khu vực để tấn công các đồng minh của Mỹ trong khu vực, trong đó có Saudi Arabia và Israel, mà không để lại dấu vết nào là họ can dự trực tiếp vào các hành động đó. Nếu Mỹ tìm cách kiềm chế xuất khẩu dầu mỏ của Iran, họ sẽ gây ra những mối đe dọa đối với nguồn cung dầu mỏ của Saudi Arabia.
Trái ngược với giọng điệu hùng hổ ban đầu, Tổng thống Trump đã không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào là ông sẽ sử dụng vũ lực, và ông đã tỏ rõ muốn tránh xung đột vũ trang. Bởi vậy, sau khi Iran bắn hạn một máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6/2019, ông đã bác bỏ lập luận của ông Bolton cần tiến hành một cuộc tấn công quân sự trả đũa và hủy một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch. Có vẻ như ông đã nhận ra những hạn chế của chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Iran, đặc biệt là khi không bên nào trong những bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran khác ủng hộ chính sách của ông.
Vì vậy, ông đã bổ sung những “củ cà rốt” mới vào chính sách ngoại giao của mình, “bật đèn xanh” để Pháp tổ chức một cuộc gặp vô điều kiện với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và bày tỏ sẵn sàng xem xét dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran – động thái bị Cố vấn an ninh quốc gia của ông phản đối. Điều này đã khiến ông chủ Nhà Trắng quyết định sa thải ông Bolton.
Tuy vậy, giới quan sát bình luận, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng những động thái hòa giải vừa qua có thể đem lại sự khích lệ để người Iran ngồi vào bàn đàm phán thì ông đã lầm.
Nếu quen với cách thức làm việc ở Trung Đông, thì việc “xuống thang” của mình sẽ chỉ được các vị giáo chủ coi là tín hiệu cho thấy sự yếu kém của Washington và là cơ hội để thách thức Tổng thống Mỹ.
Nếu quả thực Iran đứng đằng sau vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, Tehran có thể đã thành công trong việc gây thiệt hại kinh tế và làm bẽ mặt đồng minh quân sự hàng đầu của Mỹ và đẩy Tổng thống Mỹ vào tình huống không thể giành chiến thắng.
Với uy tín về ngoại giao và cá nhân thấp hơn bao giờ hết, Tổng thống Trump nhận thấy không thể huy động một liên minh quốc tế chống lại Tehran như Tổng thống George H W. Bush đã làm sau khi Iraq xâm lược Kuwait năm 1990.
Trên thực tế, trong bối cảnh nước Mỹ bị phân cực về chính trị, không có khả năng Tổng thống Trump có thể giành được sự ủng hộ của công chúng và Quốc hội cho một cuộc can thiệp quân sự mới của Mỹ ở Trung Đông.
Hơn nữa, một cuộc đối đầu quân sự với Iran có thể gây ra một cuộc chiến tranh trên quy mô rộng lớn hơn ở Trung Đông và nó sẽ đe dọa nguồn cung dầu mỏ từ khu vực vùng Vịnh và gây áp lực lên giá dầu toàn cầu.
Sự kết hợp giữa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và giá năng lượng leo thang có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và đe dọa khả năng tái cử của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.