Singapore tặng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris loài hoa lan mang tên bà: Papilionanda Kamala Harris, trong chuyến thăm từ ngày 22-24/8. (Nguồn: AFP) |
Bà Kamala Harris trên cương vị Phó Tổng thống đảm nhận một số nhiệm vụ "khó nhằn". Đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden giao cho bà nhiệm vụ xử lý vấn đề biên giới phía Nam rắc rối về chính trị kéo dài giữa Mỹ và Mexico.
Và tháng trước, nhân vật số 2 trong nội các Mỹ bay đến Đông Nam Á để thể hiện sức mạnh và quyết tâm của Mỹ, ngay khi sự sụp đổ ở Afghanistan đang làm dấy lên điệp khúc nghi ngờ về cả hai yếu tố này của Washington.
"Lấy lòng", tránh "mếch lòng"
Mục đích chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris là xua tan ấn tượng rằng chính quyền Biden đã và đang không quan tâm nhiều đến Đông Nam Á.
Bà Harris là quan chức cấp cao thứ hai trong nội các đến thăm khu vực này kể từ khi chính quyền Biden tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm nay, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi tháng Bảy.
Điều này không có gì ngạc nhiên vì Đông Nam Á nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và đối đầu với Trung Quốc trong khu vực này rõ ràng là ưu tiên chiến lược và ngoại giao số 1 của Biden.
Theo GS. Hugh White, sự cần thiết phải tập trung mối quan tâm và các nguồn lực vào việc chống Trung Quốc là lý do then chốt khiến Biden nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan.
Nguyên nhân đội ngũ mới của Nhà Trắng không vội vã đến Đông Nam Á đã được giải thích rõ ràng trong bài phát biểu của bà Harris tại Singapore ngày 24/8. Bà mô tả cách hành xử của Bắc Kinh và phản ứng của Washington bằng những lời lẽ gay gắt.
Phát biểu có đoạn: “Những hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia. Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác để đối phó với những mối đe dọa này”.
Tuy nhiên, sau đó, bà tiếp tục nói rằng “sự can dự của chúng tôi ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chống lại bất kỳ quốc gia nào, cũng không nhằm buộc bất kỳ quốc gia nào phải chọn bên”.
Chuyên gia Hugh White khẳng định, "điều này rõ ràng là sai". Không nghi ngờ rằng ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở Đông Nam Á hiện nay là chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Mỹ chắc chắn muốn lôi kéo các nước trong khu vực.
Bà Harris cảm thấy có nghĩa vụ phải nói ngược lại vì những người soạn bài phát biểu cho bà cảm nhận được sự miễn cưỡng của các quốc gia Đông Nam Á khi phải chọn bên trong cuộc chiến tranh lạnh mới của Mỹ với Trung Quốc.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhiều lần nói rõ điều này. Ví dụ trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng BBC hồi tháng Ba, ông phát biểu Singapore sẽ không lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, vì mối quan hệ sâu rộng với cả hai siêu cường. Ông bổ sung, nhiều nước khác cũng trong tình trạng tương tự.
Ưu tiên sai lầm?
Những kế hoạch của Washington dễ được tiếp thu ở Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Những nước này ủng hộ Mỹ rất nhiệt tình trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Đó là lý do giải thích tại sao nhóm Bộ tứ, gắn Mỹ với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, rõ ràng là trọng tâm ưu tiên của chính quyền mới của Mỹ đối với chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Biden đã triệu tập Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Bộ tứ chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, và có kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp vào tháng 9 tới.
Người ta thường thích nói chuyện với người đồng quan điểm hơn là với những người bất đồng quan điểm, nhưng việc Washington thích can dự với Bộ tứ hơn là các quốc gia Đông Nam Á thận trọng hơn dường như là một sai lầm, vì hai lý do.
Thứ nhất, chính các quốc gia Đông Nam Á mới là những người cần phải được thuyết phục để tránh xa Trung Quốc và đứng về phía Mỹ nếu Biden muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu.
Sẽ là khôn ngoan hơn nếu ông chủ Nhà Trắng ưu tiên dành thời gian cho họ, thay vì cho những người đã đứng về phía ông.
Thứ hai và quan trọng hơn, có những hoài nghi về những gì Bộ tứ có thể thực sự mang lại cho Biden.
Điều đó phụ thuộc vào việc các lợi ích và mục tiêu căn bản của các đối tác Bộ tứ gắn bó chặt chẽ với nhau như thế nào, và vào sức nặng của mỗi đối tác trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chuyên gia phân tích Hugh White khẳng định, các tín hiệu là không hứa hẹn.
Tổng thống Joe Biden triệu tập Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Bộ tứ chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, ngày 12/3. (Nguồn: AP) |
Ít điểm chung, thiếu hành động
Các nước thành viên Bộ tứ hầu như không có điểm chung ngoài những quan ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và sự sẵn sàng hướng tới Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Theo chuyên gia Hugh White, điểm chung lớn nhất giữa các nước Bộ tứ là cam kết đối với dân chủ. Nhưng các quốc gia này tồn tại một cách riêng rẽ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn.
Lịch sử rất khác nhau, và mối quan hệ với Trung Quốc được định hình bởi những bản sắc, tham vọng, niềm hy vọng và nỗi sợ hãi cũng rất khác nhau.
Tầm nhìn về tương lai của châu Á mà Bộ tứ muốn thúc đẩy vẫn còn mơ hồ. Những khẩu hiệu như “Một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và “Một trật tự dựa trên luật lệ” không truyền tải được điều gì ngoài một mong muốn chung rằng Trung Quốc không phát triển quá hùng mạnh và có quá nhiều ảnh hưởng đến mức gây phương hại cho họ.
Các nước này cũng không nói gì thực chất về cách thức trật tự châu Á cần phát triển như thế nào cho phù hợp với thực tế rõ ràng về sức mạnh của Trung Quốc.
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nước thành viên Bộ tứ sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để hỗ trợ cho các thành viên khác trong việc chống lại Trung Quốc.
Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế, không nước nào hỗ trợ Australia ngoài sự ủng hộ trên lời nói một cách nhạt nhẽo kể từ khi xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc bị ảnh hưởng do các biện pháp trừng phạt thương mại của Bắc Kinh.
Khi đối đầu kinh tế với Trung Quốc leo thang, chắc chắn là những phí tổn của sự đối đầu đó sẽ gia tăng. Khi đó, những người bạn này hầu như không có tác dụng gì.
Sự sẵn sàng của Bộ tứ hỗ trợ lẫn nhau về quân sự thậm chí còn không chắc chắn hơn. Mỹ có các liên minh song phương lâu đời với Nhật Bản và Australia, nhưng ngoài hai nước này và sự rùm beng về một số cuộc tập trận cấp thấp, hợp tác quân sự của Bộ tứ có quy mô tương đối nhỏ.
Bộ tứ vẫn chưa tiến đến mức “NATO châu Á” mà nhiều người ở Washington hy vọng và kỳ vọng, vì có thể không có sự tin tưởng về mức độ sẵn sàng chiến đấu vì nhau của họ. (GS. Hugh White) |
Không ai có thể chắc chắn rằng Ấn Độ hay Australia sẽ tuyên chiến với Trung Quốc để giúp đỡ Nhật Bản hay ngược lại.
Và hiện nay sự bẽ mặt của Mỹ ở Kabul đã vang xa ngay cả trong Bộ tứ. Từ New Delhi đến Canberra, việc rút quân khỏi Afghanistan đã làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu Mỹ có thực sự gánh vác gánh nặng, đặc biệt là gánh nặng quân sự, trong kiềm chế Trung Quốc hay không.
Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng khi rủi ro là quá cao. Cuộc đối đầu leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng liên quan đến quân sự. Đến lúc Mỹ tìm đến Bộ tứ để tăng cường khả năng răn đe quân sự đối với Trung Quốc, Washington sẽ nhận thấy rằng giá trị của mình là không đáng kể.
Một phần là vì lý do này, hầu hết hoạt động gần đây của Bộ tứ tập trung vào các vấn đề nhẹ nhàng hơn. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và các hội nghị cấp Ngoại trưởng trước đó đã công bố những sáng kiến ấn tượng, tất cả đều nhằm ngăn chặn các kênh mà qua đó ảnh hưởng của Trung Quốc có thể lan rộng.
Bộ tứ đã thành lập 10 nhóm làm việc, "phủ sóng” các vấn đề đa dạng như an ninh mạng, chuỗi cung ứng, chất bán dẫn, biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và vaccine phòng Covid-19.
Vấn đề ở đây là hầu như không đạt được kết quả gì trong bất cứ vấn đề nào. Nhiều nhóm làm việc thậm chí đã không được triệu tập, chưa nói gì đến việc đưa ra báo cáo mà có thể dẫn tới hành động cụ thể.
Vấn đề duy nhất dường như có tiến bộ thực sự là kế hoạch chống lại “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc bằng việc điều phối cung cấp vaccine phòng Covid-19, chủ yếu là từ Ấn Độ. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã thất bại khi đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng ở Ấn Độ đã buộc nước này phải cắt giảm xuất khẩu vaccine.
Chính quyền ông Biden cần tạo dựng sự ủng hộ của các quốc gia vẫn còn hoài nghi về sự khôn ngoan của Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Tính toán lại thông điệp
Tất cả điều này gây ra một vấn đề rắc rối thực sự cho đội ngũ của Biden.
Niềm tin về động lực chính của Washington chống lại Bắc Kinh phụ thuộc vào việc Bộ tứ hoạt động như thế nào. Song việc các cuộc họp của Bộ tứ tiếp tục công bố những sáng kiến mà không đem lại kết quả gì càng kéo dài thì càng rõ ràng rằng nó không hiệu quả.
Vì vậy, thay vào đó, Washington cần phải làm gì?
Một phần của câu trả lời là bớt thời gian thuyết giảng cho những tín đồ “cải đạo” trong Bộ tứ để tập trung vào việc tạo dựng sự ủng hộ của các quốc gia vẫn còn hoài nghi về sự khôn ngoan của Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc.
Nhưng điều này đòi hỏi không đơn thuần là sắp xếp lại các kế hoạch công du của các quan chức cấp cao, mà là việc tính toán lại thông điệp của Mỹ để thoát khỏi những sự tự mâu thuẫn như trong chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua của bà Harris.
Nói một cách khác, những lo ngại của các quốc gia Đông Nam Á về đường hướng chính sách hiện nay của Mỹ cần phải được giải quyết một cách nghiêm túc.
Để giải được bài toán trên, Washington phải đưa ra một tầm nhìn có sức thuyết phục về một trật tự châu Á mới công nhận và phù hợp với thực tế sức mạnh của Trung Quốc, thay vì chỉ tìm cách duy trì trật tự cũ dưới sự lãnh đạo của Mỹ.
Rất ít người ở châu Á ngoài Trung Quốc nghi ngờ rằng Mỹ đóng vai trò giá trị trong việc cân bằng và điều tiết ảnh hưởng của Bắc Kinh, nhưng thậm chí ở Đông Nam Á số người tin rằng việc Mỹ quay trở lại vị trí thống trị có thể hữu ích còn ít hơn nữa.
Để giành được khu vực này, Washington cần phải đưa ra một cái gì đó mà các quốc gia Đông Nam Á có thể tin tưởng.