📞

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc tỉnh Tuyên Quang

Thanh Tâm 13:15 | 16/03/2022
Baoquocte.vn. Với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 65% dân số của tỉnh, Tuyên Quang đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững ở khu vực miền núi phía Bắc, giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay.
Nhờ phát triển sản xuất, đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. (Nguồn: mattran.org.vn)

Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Những năm qua, Tuyên Quang đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, kế hoạch phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong phát triển kinh tế, tỉnh đã thực hiện tốt việc giúp bà con tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tính riêng giai đoạn 2016-2020, các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, với doanh số cho vay lên tới trên 2.030 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã hỗ trợ cho trên 4.200 hộ nghèo làm nhà, sửa chữa nhà ở, tổng kinh phí 111 tỷ đồng.

Nhờ phát triển sản xuất, đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%...

Điển hình như gia đình anh Lý Văn Nghĩa, thôn Nà Khau, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa. Trước đây, gia đình anh thuộc diện kinh tế khó khăn của xã.

Năm 2017, sau khi được UBND xã tạo điều kiện cho học nghề nuôi trâu vỗ béo và vay được số tiền 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đầu tư làm chuồng trại và chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế.

Hiện gia đình anh Nghĩa có 5 con trâu, 5 con bò, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Năm 2019, gia đình anh Nghĩa đã thoát nghèo và hiện được xếp vào diện khá giả.

Để kinh tế của bà con trong tỉnh, đặc biệt tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển hơn nữa, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch các khu du lịch trọng điểm, thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ, ngày càng đồng bộ.

Đến nay, 100% số xã và 99% thôn, bản có đường ô tô; hơn 97% đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 98%.

Chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, tất cả các xã đều có trạm y tế, 100% đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

Nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, xứng đáng vị thế Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô kháng chiến... các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã, đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên, vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh đã nhanh chóng tổ chức sản xuất với những quy định chặt chẽ, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, lấy lại đà tăng trưởng, cũng như đón đầu cơ hội mới trong những tháng cuối của năm 2021.

Năm qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã có kết quả sản xuất kinh doanh đạt và vượt kế hoạch năm, điển hình như: Công ty Cổ phần Chè Sông Lô, Công ty Cổ phần Giấy Tuyên Quang...

Xã Hòa Phú (huyện Chiêm Hóa) đưa cửa hàng giới thiệu nông sản địa phương vào hoạt động. (Nguồn: tuyenquang.gov.vn)

Hay tại huyện miền núi Sơn Dương, mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng năm 2021, địa phương này vẫn thu hút được thêm 2 dự án công nghiệp là Nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh và Nhà máy sản xuất gia công các sản phẩm cơ khí. Việc nhà máy mới đi vào hoạt động đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con địa phương.

Bên cạnh đó, bà con các vùng đồng bào trong tỉnh cũng nỗ lực đẩy mạnh tăng gia năng suất. Ví dụ tại xã Hà Lang (huyện Chiêm Hóa), nơi có tới 99% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền xã luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm.

Từ năm 2016 đến nay, xã đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận, trực tiếp xuống thôn giải thích cho người dân hiểu. Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Hay tại xã Hòa Phú (huyện Chiêm Hóa) bà con cũng nỗ lực phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung với trên 660 ha cam, 277 ha bưởi, trên 1.000 ha chuối tây, trên 1.400 ha lạc, gỗ rừng trồng; tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đạt trên 1,6 triệu con.

Một trong những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang phải kể đến đóng góp của những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.200 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, đội ngũ này đã có những đóng góp tích cực trong vận động nhân dân chung sức kiến thiết xóm làng.