Các đại biểu trao đổi tại các phiên của Đối thoại. |
Ngày 23/3, Đối thoại Biển lần thứ 10 với chủ đề “Năng lượng tái tạo ngoài khơi: Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi xanh” do Học viện Ngoại giao (DAV) và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức đã khai mạc tại Nha Trang, Khánh Hòa.
Đối thoại Biển lần thứ 10 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu và một số cơ quan thông tấn, báo chí.
Đối thoại là dịp để các đại biểu trong và ngoài nước thảo luận về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Việt Nam nói riêng và ở Biển Đông nói chung, khuôn khổ pháp lý cũng như tác động của hoạt động này trên các lĩnh vực từ địa chính trị, kinh tế tới an ninh năng lượng.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu chào mừng tại Đối thoại. |
Phát biểu chào mừng tại Đối thoại, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ bày tỏ lạc quan về sự phát triển của năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng. Ông nhận định trong dài hạn, năng lượng điện gió ngoài khơi sẽ có giá thành rẻ hơn so với các công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch hiện nay. Bên cạnh đó, các dạng năng lượng tái tạo ngoài khơi cũng đang trở thành nhân tố không thể thiếu của nền kinh tế biển xanh hiện đại.
Ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh Việt Nam cam kết tham gia nỗ lực chung của nhân loại nhằm thúc đẩy năng lượng sạch, thể hiện qua các cam kết tại COP26 và Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Khẳng định Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư vào lĩnh vực này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao hy vọng có thể thu hút sự tham gia và hỗ trợ của các đối tác nước ngoài thông qua đầu tư, công nghệ, tài chính và nâng cao năng lực để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Các diễn giải tham gia phiên thảo luận tại Đối thoại Biển lần thứ 10. |
Trao đổi tại các phiên của Đối thoại, các diễn giả cho biết, năng lượng tái tạo ngoài khơi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế.
Ở chiều ngược lại, những vấn đề địa chính trị trong khu vực - từ cạnh tranh nước lớn, an ninh năng lượng hay cạnh tranh trong chuỗi cung ứng - cũng gây ra tác động tới khả năng phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi nói riêng và sự chuyển dịch năng lượng theo chiều hướng xanh hơn, sạch hơn nói chung.
Các diễn giả đã tập trung thảo luận về khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động khai thác năng lượng tái tạo ngoài khơi, cụ thể là điện gió và nhận định UNCLOS là khuôn khổ pháp lý bao trùm, là nền tảng giúp các quốc gia có cách tiếp cận cân bằng giữa việc phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi và việc duy trì các lợi ích chung trong việc quản trị và sử dụng biển.
Đối thoại cũng thảo luận về thực tiễn phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực, cũng như đưa ra các khuyến nghị chính sách. Trong đó nhấn mạnh nhu cầu phải học hỏi từ các mô hình thành công ở khu vực và quốc tế trong phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi để đảm bảo tính bền vững, an toàn và toàn diện.
Theo các diễn giả, hợp tác xuyên quốc gia là “chìa khóa” cho việc phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông. Các quốc gia cần có chính sách khuyến khích sử dụng các công nghệ mới, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ tài chính phù hợp, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư để năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng có thể tiếp tục phát triển, đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải về 0 của khu vực.
TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao tại Đối thoại. |
Phát biểu bế mạc Đối thoại, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh các quốc gia ven Biển Đông cần quản lý tốt tranh chấp để thúc đẩy hợp tác, tranh thủ cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi phục vụ phát triển của khu vực.
Điểm nhấn trong Đối thoại lần này là sự góp mặt của 16 diễn giả đến từ 10 quốc gia (Singapore, Ấn Độ, Israel, Hà Lan, Na Uy, Đức, Anh, Australia, Mỹ và Việt Nam), là các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực từ luật pháp quốc tế, năng lượng, môi trường biển…, cũng như của các đại biểu là chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Sự đa dạng này giúp Đối thoại chia sẻ được nhiều kinh nghiệm thực tế của các nước đi trước và thu hút được nhiều ý kiến có giá trị khuyến nghị cao cho việc phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, Đối thoại Biển lần thứ 10 bao gồm bốn phiên với các chủ đề: Năng lượng tái tạo ngoài khơi và địa chính trị; Công ước Luật biển và năng lượng tái tạo ngoài khơi; Thực tiễn khu vực và quốc tế về năng lượng tái tạo ngoài khơi và khuyến nghị chính sách về phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông. Đối thoại Biển là sáng kiến của Học viện Ngoại giao nhằm kết nối các nhà khoa học bàn thảo về khoa học biển, kết hợp thảo luận chính sách và khuôn khổ pháp lý hướng tới quản trị biển bền vững. Đến nay, Học viện đã tổ chức thành công 10 Đối thoại và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự. Nhiều ấn phẩm chất lượng đã được đăng tải từ các nội dung Đối thoại. |
| Thúc đẩy hợp tác về đổi mới sáng tạo và nông nghiệp sáng tạo Việt Nam-Hà Lan Để cụ thể hóa kết quả chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hà Lan tháng vào 12/2022, đặc ... |
| Thúc đẩy sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió và tiềm năng sử dụng tại Việt Nam Ngày 23/2, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Năng lượng tổ chức hội thảo tham vấn về sản xuất và sử ... |
| Chuyển đổi số: Thanh niên chính là lực lượng sáng tạo và tiên phong Sáng nay (19/3), Tọa đàm "Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay" đã diễn ra sôi nổi trong ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đối thoại với thanh niên ngoại giao lần thứ 3 Ngày mai, 22/3, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ có buổi đối thoại với đoàn viên, thanh niên Bộ Ngoại giao. Đây là ... |
| Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Khi Việt Nam đã ‘bước lên thuyền’ Đại hội XIII của Đảng đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Trong các văn kiện của Đại hội XIII của Đảng, ... |