Theo ý kiến của các chuyên gia, nhà tổ chức VOF 2017, thế giới đang tồn tại nhiều vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay, góp sức giải quyết của tất cả mọi người. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, tạo ra những cơ hội phát triển to lớn cũng như những thách thức, đòi hỏi thay đổi mạnh mẽ về tư duy và sức sáng tạo. Trong bối cảnh đó, có thể nói tương lai của thế giới đang phụ thuộc rất lớn vào thế hệ trẻ - những người sở hữu tri thức, nguồn năng lượng dồi dào và sức sáng tạo không giới hạn.
Tiếng nói của giới trẻ với tương lai
Chương trình VOF năm nay thu hút hơn 120 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. (Nguồn: APEC) |
Chương trình VOF năm nay thu hút hơn 120 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Nhìn chung, các đại biểu thanh niên cho rằng đây là cơ hội thể hiện bản thân, cất lên tiếng nói của giới trẻ với tương lai nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chia sẻ với TG&VN, Maurice Lennon Ondoy - đại biểu thanh niên Philippines cho biết vì đang làm trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh nên anh rất quan tâm đến vấn đề chính sách thúc đẩy thương mại, phát triển thị trường cho sản phẩm của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). “Tham dự chương trình này, tôi muốn tìm hiểu các nền kinh tế hỗ trợ cho MSMEs như thế nào, qua đó chắt lọc kinh nghiệm áp dụng cho Philippines”, Ondoy nói. Theo Ondoy, điểm nổi bật của VOF lần này là thanh niên các nền kinh tế sẽ được trao đổi với các chuyên gia cao cấp APEC trong hoạch định chính sách cũng như giải quyết nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu.
Trong khi đó, đại biểu Lê Huy Tùng của đoàn chủ nhà Việt Nam bày tỏ sự tự hào và vinh dự khi là một trong 10 thanh niên được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chọn tham dự VOF 2017. Tùng chia sẻ VOF là sự chuẩn bị cho thanh niên, tạo đà để phát triển bản thân mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đại biểu này cho biết anh quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp (start-up) vì đây là hướng phát triển sự nghiệp đầy hứa hẹn đối với giới trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Diễn đàn VOF lần đầu tiên được tổ chức tại Malaysia năm 1998. Kể từ năm 2004 đến nay, sự kiện này được đưa vào chương trình Tuần lễ Cấp cao APEC, do Ban Thư ký Quốc tế VOF, trụ sở tại Singapore chủ trì, phối hợp với các chủ nhà APEC tổ chức. VOF 2017 tập trung vào hai ưu tiên: (i) Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (ii) Thanh niên đóng góp tích cực vào việc tạo động lực mới, cùng xây dựng tương lai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các đại biểu tham gia vào bốn nhóm thảo luận về: (i) Đóng góp của thanh niên đối với tầm nhìn APEC hướng tới 2020 và tương lai; (ii) Hòa nhập về kinh tế, tài chính và xã hội; (iii) Phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số; (iv) Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Với một ý tưởng táo bạo, đại biểu 26 tuổi Nguyễn Phú Quý, nhà sáng lập Công ty Start-up QDigital cho biết, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ thảo luận và đề xuất thành lập cổng thông tin chung kết nối tất cả đại biểu và thanh niên khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thông qua cổng thông tin này, giới trẻ có thể cùng nhau trao đổi ý tưởng từ khởi nghiệp cho đến sáng kiến phát triển kinh tế.
Tạo dựng mối liên kết chân thật
Ông James Soh - đồng Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo VOF cho rằng, khi thanh niên phát huy sự sáng tạo, tính năng động, họ chính là động lực cho tương lai mỗi nền kinh tế. Khi thế giới ngày càng gắn kết, tương lai của các nền kinh tế thành viên APEC sẽ hòa quyện, đan xen vào nhau.
Theo ông Soh, VOF 2017 là cơ hội để các đại biểu thanh niên hiểu hơn về hoạt động của APEC từ các hoạt động tương tác và cam kết của các nhà lãnh đạo APEC, các Bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VOF là dịp để thanh niên các nền kinh tế kết nối thêm nhiều bạn mới. “Sau cùng, thế giới được kết nối bằng sức mạnh của tình bạn và mối liên kết chân thật của con người”, ông Soh chia sẻ.
Các nhà tổ chức VOF chỉ rõ, bên cạnh những cơ hội phát triển, các nền kinh tế, các khu vực hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức đan xen, đa chiều, nhất là kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cạnh tranh địa chính trị, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, bất bình đẳng, nghèo đói, dịch bệnh và biến đổi khí hậu… đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển bền vững và bao trùm. Vì vậy, ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên, cho biết tại VOF lần này, các đại biểu thanh niên tích cực tham gia thảo luận về các nội dung, chương trình, kế hoạch hành động; đưa ra sáng kiến và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác thanh niên trong APEC.
Bà Noeleen Heyzer, nguyên Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Thư ký chấp hành Ủy ban LHQ về Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) đưa ra lời khuyên cho thanh niên: “Người trẻ cần trang bị những kỹ năng về công nghệ để giành lợi thế trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, họ cần có tinh thần khởi nghiệp, góp phần tạo ra lợi ích không chỉ cho bản thân mà cho toàn xã hội”.
Tạo cơ chế trao đổi sinh viên trong khu vực Các trường đại học ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tập trung thảo luận giải quyết những thách thức ở khu vực; thúc đẩy cơ hội việc làm trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hiệp hội các trường đại học Vành đai châu Á – Thái Bình Dương (APRU) và các Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 tổ chức Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học châu Á – Thái Bình Dương. Được tổ chức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit), diễn đàn có chủ đề “Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Chủ đề này được lựa chọn trong bối cảnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng là một trong những ưu tiên của Năm APEC 2017 và là quan tâm của tất cả các nền kinh tế thành viên APEC nói chung. Hơn 60 hiệu trưởng các trường đại học hàng đầu của các nền kinh tế APEC đã tham gia Diễn đàn, trong đó có năm trường đại học hàng đầu của Việt Nam gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân. Các nhà hoạch định chính sách, một số lãnh đạo của các doanh nghiệp cũng tham dự Diễn đàn này. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định đây là cơ hội cho tất cả các trường đại học thảo luận khả năng hợp tác trong tương lai, thiết lập mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, tạo cơ chế thúc đẩy trao đổi sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu và vai trò của các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Diễn đàn là nơi các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tham khảo ý kiến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và lãnh đạo các doanh nghiệp nhằm đưa ra những chủ trương, chính sách kịp thời trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tiến trình phát triển của Việt Nam và bắt kịp xu thế chung của thế giới. P.V |