📞

Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ

Minh Vương 11:35 | 17/02/2022
Học giả Indonesia bình luận về vị trí của Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đông Nam Á sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương mới của Mỹ. (Nguồn: White House)

Đông Nam Á là trung tâm

Học giả Indonesia Aristyo Rizka Darmawan tại Đại học Indonesia nhận định rằng mặc dù chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ “sẽ tập trung vào mọi ngóc ngách của khu vực, từ Đông Bắc Á và Đông Nam Á, đến Nam Á và châu Đại Dương, bao gồm cả các quốc đảo Thái Bình Dương”, song rõ ràng Đông Nam Á là trung tâm của chiến lược này.

Trong văn kiện này, nhiều nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được đề cập cụ thể: Philippines và Thái Lan là đối tác liên minh hiệp ước của Mỹ, còn Indonesia, Malaysia và Singapore là những đối tác hàng đầu khu vực.

Khác với tuyên bố về Thỏa thuận an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS), tài liệu của Mỹ cho rằng sự hiện diện của nước này tại Đông Nam Á góp phần cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, đặc biệt là Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong bối cảnh đó, ASEAN đã nhiều lần nhấn mạnh vị trí trung tâm và lập trường trung lập và thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Mỹ không đề cập hay tán thành Tầm nhìn ASEAN, nhưng “ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ ASEAN trong các nỗ lực đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực” và đặc biệt, thừa nhận và tôn trọng sự đoàn kết nội khối của tổ chức này.

Vì thịnh vượng khu vực

Văn kiện cũng đưa ra một kế hoạch cụ thể cho ASEAN nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực, với Mỹ cam kết tăng cường đầu tư trực tiếp. Dù xứ cờ hoa đang là nhà đầu tư hàng đầu ở ASEAN, chiến lược mới vẫn hứa hẹn sẽ “tạo thuận lợi hơn cho thương mại tiêu chuẩn cao, điều hành nền kinh tế số, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng minh bạch, tiêu chuẩn cao và xây dựng kết nối số”.

Cam kết này có ý nghĩa quan trọng trong cân bằng ảnh hưởng khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc trong thập kỷ với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Nó cũng phản ánh nỗ lực mới của Mỹ nhằm khắc phục những thiếu sót khi quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ở khu vực.

Trong lĩnh vực an ninh, chiến lược mới nhắc lại rằng Mỹ đã duy trì “sự hiện diện quốc phòng mạnh mẽ và nhất quán cần thiết để hỗ trợ hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”, coi Biển Đông và Biển Hoa Đông là ưu tiên. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong khi tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không một đoạn nào đề cập đến Chương trình Hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) do Hải quân Mỹ thực hiện.

Ngược lại, chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng cảnh sát biển trong chỉ đạo hợp tác an ninh hàng hải, “tư vấn, đào tạo, triển khai và nâng cao năng lực... bao gồm cả nâng cao năng lực hàng hải và nhận thức về hàng hải trong khu vực”.

Việc nhấn mạnh hợp tác bảo vệ bờ biển có thể được coi là một động thái tích cực vì nó sẽ ít mang tính khiêu khích và nhạy cảm hơn so với sự hiện diện quân sự trong khu vực. Quan trọng hơn nữa, hoạt động bảo vệ bờ biển ở Đông Nam Á là cần thiết để giải quyết các mối đe dọa an ninh hàng hải, đơn cử như đánh bắt bất hợp pháp.

Ngoài quan hệ hợp tác kinh tế và an ninh truyền thống, chiến lược mới của Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân. Trong những năm trước đại dịch Covid-19, gần 60.000 sinh viên từ các quốc gia thành viên ASEAN đã học tập tại Mỹ. Với Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), Washington mong muốn thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với thế hệ lãnh đạo khu vực trong tương lai.

Văn bản của Mỹ cũng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - ASEAN. Mỹ nhắc lại cam kết của mình đối với Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN, “cũng như sẽ tìm kiếm các hình thức can dự cấp bộ trưởng mới với ASEAN”, hứa hẹn đầu tư hơn 100 triệu USD cho các sáng kiến chung mới.

Đây đều là các kế hoạch đầy hứa hẹn, song nói thì dễ, làm lại khó. Thành bại của chiến lược này sẽ phụ thuộc vào nỗ lực và hành động thực chất của Mỹ, thể hiện xứ cờ hoa thực sự hành động vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, kết nối, thịnh vượng, có sức chống chịu và an ninh như những gì đã nêu.

(theo Lowy Institute)