📞

Dự đoán chính sách đối ngoại của ông Biden qua các chuyến công du nổi bật

Minh Nhật 18:04 | 18/11/2020
TGVN. Từ những chuyến công du nước ngoài nổi bật của ông Joe Biden, đặc biệt là các chuyến thăm tới Đông Âu, Nam Á, Liên Xô, có thể phần nào định hình được chính sách đối ngoại của ông tới đây.
Ông Joe Biden tại Hội nghị An ninh Munich năm 2019. (Nguồn: Reuters)

Trước khi được truyền thông Mỹ xướng danh là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng và thậm chí trước khi giữ cương vị Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Barack Obama, ông Joe Biden đã dành 36 năm cuộc đời làm Thượng nghị sỹ đại diện cho bang Delaware.

Trong những năm đó, ông là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, trong đó có 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Ủy ban này. Quá trình công tác đó đã giúp ông Biden có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tầm nhìn về vị thế của nước Mỹ.

Những chính sách trong tương lai của ông Biden nếu trở thành Tổng thống Mỹ được cho là sẽ khác biệt hoàn toàn với chính sách của Tổng thống Donald Trump, người đã "quay lưng" với các đồng minh của Mỹ, đưa nước Mỹ ra khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí và hạt nhân, chấm dứt mối quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng và nhiều chính sách tương tự.

Hiện thân của chính sách đối ngoại ủng hộ pháp quyền

Sự nghiệp của ông Biden tại Thượng viện cũng đã cho ông cơ hội để thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài. Theo ước tính của tờ Washington Post, ông Biden từng gặp gỡ các lãnh đạo và các nhân vật chủ chốt của gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trong các chuyến công du nước ngoài và ở Mỹ.

Peter Chase, một cựu viên chức ngoại giao Mỹ, đánh giá: “Nhờ có các chuyến công du này, ông Biden đã đại diện cho nước Mỹ theo nhiều cách khác nhau, vào nhiều giai đoạn khác nhau. Ông thực sự là hiện thân của một chính sách đối ngoại theo hướng ủng hộ pháp quyền thời kỳ hậu Thế chiến. Đó là tất cả những gì ông đã làm trong suốt sự nghiệp của mình”.

Nhóm tiếp nhận chuyển giao quyền lực của ông Biden, những người đang chuẩn bị để ông có thể nhận nhiệm sở vào tháng 1/2021, từ chối yêu cầu cung cấp danh sách các chuyến công du của ông. Thượng viện Mỹ có những quy tắc khá khắt khe về thời điểm và cách thức các nghị sỹ có thể đi công du nước ngoài. Những quy tắc này nhằm ngăn chặn các vi phạm đạo đức hoặc vận động hành lang.

Thêm vào đó, Văn phòng Lịch sử Thượng viện lại không lưu trữ thông tin về các chuyến thăm nước ngoài của nghị sỹ quá 6 năm kể từ thời điểm các nghị sỹ nộp báo cáo. Điều này đồng nghĩa với việc rất khó để tổng hợp thông tin về những chuyến công du của Biden từ nhiều thập kỷ trước.

Tuy vậy, qua các nội dung biên bản họp Quốc hội và các nguồn tin tức cũ, Eurasia Review đã soạn ra được một danh sách những chuyến công du nước ngoài nổi bật của ông Biden, đặc biệt là các chuyến thăm tới Đông Âu, Nam Á, Liên Xô và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Ông Joe Biden (thứ hai từ trái sang) trong cuộc đàm phán tại Điện Kremlin năm 1988. (Nguồn: Sputnik)

Chuyến thăm tới Moscow năm 1979 và 1988

Ông Biden trở thành thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chỉ 2 năm sau khi ông được bầu vào Thượng viện lần đầu tiên năm 1973.

Với mục tiêu ký kết các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, ông từng đến Moscow vào tháng 8/1979 để gặp Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko. Đây là thời điểm không lâu sau khi Thượng viện Mỹ không phê chuẩn Hiệp ước Giới hạn vũ khí chiến lược giai đoạn 2 (SALT II).

Trả lời phỏng vấn của phóng viên khi đó, ông Biden nói: “Tôi cho rằng triển vọng của quan hệ Xô-Mỹ là tốt, tuy nhiên thẳng thắn mà nói thì chúng tôi cần phải thông qua Hiệp ước SALT II trước để củng cố mối quan hệ này. Ngay sau đó, cần tiến tới thảo luận về SALT III và giải quyết vấn đề về các lực lượng của Mỹ và Liên Xô tại châu Âu”. Tuy nhiên, Hiệp ước SALT II sau đó bị gác lại và thay thế bởi Hiệp ước START I trong giai đoạn Liên Xô chuẩn bị sụp đổ.

Ông Biden trở lại thủ đô Moscow vào tháng 1/1988, khi Washington và Moscow đang thúc đẩy ký kết thêm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng là Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Hiệp ước này cuối cùng đã được Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev và Tổng thống Ronald Reagan ký kết. Thượng viện Mỹ sau đó đã thảo luận về hiệp ước này và bỏ phiếu thông qua vào tháng 5/1988.

Chương trình tin tức của đài Liên Xô Vremya đã không phát sóng nội dung phát biểu của ông Biden, song phát ngôn viên của đài đã mô tả tích cực về chuyến thăm của ông: “Lãnh đạo Liên Xô sẽ thực hiện các nội dung trong thỏa thuận với giả định rằng phía Mỹ nhận ra trách nhiệm to lớn của họ và sẽ hành xử trên cơ sở trách nhiệm đó”.

Chuyến thăm Iraq, Afghanistan, Pakistan năm 2009 và 2011

Sau khi cùng với ông Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008, một trong những chuyến công du cuối cùng của ông Biden với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là đi thăm Iraq, Afghanistan và Pakistan. Theo ông Biden, đây là chuyến thăm thứ 10 của ông tới khu vực Nam Á.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm vài tuần trước khi ông Obama tuyên thệ nhậm chức. Tuy vậy, động thái này đã khiến nhiều chính trị gia tại Washington không hài lòng. Một số quan sát viên cho rằng hành động của ông Biden đã phát đi một thông điệp gây khó hiểu trong khi việc chuyển giao quyền lực vẫn chưa diễn ra.

Thời điểm đó, văn phòng của ông Biden tại Thượng viện đã trả lời rằng chuyến công du của ông với tư cách là Chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Thông cáo báo chí của văn phòng này nêu rõ: “Phái đoàn sẽ khẳng định với các lãnh đạo nước ngoài rằng ông Biden sẽ không phát ngôn thay mặt chính phủ Mỹ, cũng như không truyền tải bất kỳ quan điểm chính sách nào của chính quyền sắp kế nhiệm".

Hai năm sau đó, cựu Phó Tổng thống Biden trở lại Kabul để đảm bảo với chính quyền Afghanistan rằng Mỹ sẽ duy trì hiện diện tại nước này. Tại cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan khi đó là Hamid Karzai, ông Biden đã phát biểu: “Mỹ sẽ không rút quân trong năm 2014. Chúng tôi hy vọng rằng có thể chuyển giao trách nhiệm duy trì an ninh cho các lực lượng của Afghanistan. Tuy vậy, chúng tôi sẽ không rút quân nếu các bạn muốn chúng tôi ở lại. Chúng tôi đang có kế hoạch sẽ tiếp tục làm việc với các bạn và đó sẽ là một sự hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia”.

Trong năm 2020, Tổng thống Trump đã đẩy mạnh việc rút quân khỏi Afghanistan, ngay cả khi bạo lực vẫn đang tiếp diễn và tàn quân Taliban vẫn là một mối đe dọa lớn đối với chính quyền trung ương yếu kém tại Kabul.

Về phần mình, ông Biden cho rằng Mỹ nên rút quân từ từ và trong một số trường hợp nên duy trì một lực lượng tại Afghanistan để ngăn chặn các nhóm khủng bố tiềm tàng.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay cựu Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki sau cuộc họp tại Baghdad ngày 3/7/2009. (Nguồn: AFP)

Chuyến thăm Ukraine năm 2015

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014 và chiến tranh tại miền Đông Ukraine nổ ra, viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ cho Kiev đã trở thành nhân tố quyết định giúp ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ lâm thời. Trong bối cảnh đó, ông Biden trở thành nhân vật chủ chốt của mối quan hệ Mỹ-Ukraine.

Tháng 12/2015, ông Biden đã đến Kiev và đây là một trong 6 chuyến thăm của ông tới Ukraine trên cương vị Phó Tổng thống từ năm 2009. Trong bài phát biểu tại Quốc hội Ukraine, ông đã ca ngợi cuộc chiến của quốc gia này chống lại các lực lượng do Nga hậu thuẫn.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng chỉ trích nạn tham nhũng ở Ukraine khi phát biểu rằng: “Các bạn vẫn còn một cuộc chiến khác, một cuộc chiến lịch sử chống lại nạn tham nhũng. Ukraine không thể để cho người dân mất hi vọng một lần nữa. Việc cho người dân nuôi dưỡng hy vọng và rồi nhìn hy vọng bị đập nát dưới gót giày của những kẻ tham nhũng còn tồi tệ hơn là cứ để họ không có bất kỳ hy vọng nào”.

Lời kêu gọi chống tham nhũng của vị cựu Phó Tổng thống Mỹ đã thành công khi góp phần loại bỏ được vị trưởng công tố viên của Ukraine, một người vốn luôn được coi là kém hiệu quả và tham nhũng. Tuy nhiên, các thành viên của đảng Cộng hòa cáo buộc ông Biden đang cố gắng bảo vệ một công ty khí đốt của Ukraine do con trai của ông là Hunter Biden tham gia Hội đồng quản trị.

Ông Trump sau đó đã gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, buộc ông này phải tiến hành điều tra ông Biden và con trai. Khi nội dung cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với người đồng cấp Ukraine bị tiết lộ, ông Trump đã bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội hồi đầu năm 2020. Tuy nhiên, sau đó Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu tha bổng cho ông Trump.

Ông Joe Biden và con trai Hunter Biden. (Nguồn: Politico)

Tham dự Hội nghị An ninh Munich năm 2019

Một trong những chuyến công du cuối cùng của ông Biden trước khi tranh cử tổng thống là chuyến đi tới Đức để tham dự và phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2019. Đây là cuộc gặp của các quan chức và chuyên gia của châu Âu, Bắc Mỹ và các nước khác về các vấn đề an ninh quốc tế.

Tại sự kiện này, Phó Tổng thống Mike Pence của chính quyền Trump đã phát biểu trước ông Biden. Ông Pence chỉ trích các đồng minh châu Âu vì đã ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà chính quyền Trump đã rút khỏi vào năm 2018.

Trong khi đó, ông Biden lại sử dụng bài phát biểu của mình để chỉ trích chính sách của Tổng thống Trump đối với NATO. Đây là một chính sách đã khiến các đồng minh châu Âu lo ngại rằng ông Trump có thể sẽ đưa nước Mỹ ra khỏi liên minh quân sự này.

“Theo quan điểm của tôi, nước Mỹ sẽ không bao giờ được quay lưng lại với thế giới và các đồng minh của mình”, ông Biden nhấn mạnh tại Hội nghị.

(theo Eurasia Review)