Còn nhiều yếu tố để quyết định thời điểm kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. (Nguồn: DW News) |
Theo dự báo từ Bloomberg Economics, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra các cải cách thúc đẩy tăng trưởng và Tổng thống Mỹ Joe Biden không thể thông qua các đề xuất đổi mới cơ sở hạ tầng, tăng cường lực lượng lao động thì Trung Quốc có thể chiếm vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới - do Mỹ nắm giữ trong hơn một thế kỷ - sớm nhất là vào năm 2031.
3 yếu tố quyết định
Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa được đảm bảo. Chương trình cải cách của Trung Quốc đang bị trì hoãn, thuế quan và các biện pháp hạn chế thương mại khác đang cản trở khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu và các công nghệ tiên tiến.
Song song với đó, số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc cũng đang tăng lên mức kỷ lục sau 6 tháng.
Kịch bản “ác mộng” đối với Trung Quốc là quốc gia này có thể đi theo quỹ đạo tương tự như Nhật Bản. Sự kết hợp giữa thất bại trong cải cách, sự cô lập trên thị trường quốc tế và cuộc khủng hoảng tài chính có thể ngăn cản Trung Quốc vươn lên đỉnh cao.
Về lâu dài, 3 yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc là quy mô của lực lượng lao động, nguồn vốn và năng suất. Trong mỗi lĩnh vực này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
Thứ nhất, về lực lượng lao động. Mức sinh thấp do chính sách một con đang ảnh hưởng đến dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc. Nếu tỷ lệ sinh vẫn ở mức thấp, dự báo, dân số quốc gia này sẽ giảm hơn 260 triệu người trong 3 thập kỷ tới.
Nhận thức được rủi ro, Trung Quốc đã thay đổi hướng đi. Các biện pháp kiểm soát sinh sản đã được nới lỏng. Năm 2016, giới hạn được nâng lên hai con. Đến tháng 5/2021, chính phủ thông báo rằng, mỗi hộ gia đình sẽ được phép sinh ba con. Song song với đó là kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu nhằm giữ chân những người lao động lớn tuổi.
Tuy nhiên, ngay cả khi các biện pháp trên thành công, Trung Quốc cũng khó có thể bù đắp được tác động của lực cản nhân khẩu học. Bên cạnh đó, các biện pháp không phải là điều duy nhất ngăn cản các gia đình sinh thêm con, bởi người dân còn lo ngại các chi phí giáo dục, nhà ở...
Thứ hai, về nguồn vốn. Triển vọng chi phí vốn không quá ảm đạm, Trung Quốc mạnh tay đầu tư cơ sở hạ tầng, 5G hay các nhà máy trong thời gian qua. Nhưng sau nhiều năm đầu tư tăng trưởng chóng mặt, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy, những khoản đầu tư này hiện đang mang lại lợi nhuận giảm dần.
Tình trạng dư thừa công nghiệp, những thị trấn ma với những tòa nhà trống trải và đường cao tốc 6 làn xe chạy vào vùng đất nông nghiệp thưa thớt dân cư đều là minh chứng cho điều này.
Thứ ba, khi lực lượng lao động thu hẹp và chi phí vốn chưa thật sự hiệu quả thì năng suất mới là chìa khóa cho sự tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc.
Hầu hết các nhà kinh tế phương Tây cho rằng, việc thúc đẩy năng suất đòi hỏi phải có những hành động như bãi bỏ hệ thống Hukou (hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc, được thiết lập năm 1958), san bằng “sân chơi” giữa những “người khổng lồ” quốc doanh và các doanh nghiệp tư nhân, giảm bớt các rào cản đối với sự tham gia của nước ngoài vào nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Dường như, các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh có kế hoạch chi tiết, cùng với việc Trung Quốc có bề dày thành tích về các cải cách nâng cao tăng trưởng thành công, quốc gia này vẫn còn rất nhiều cơ hội để cải thiện những thách thức kể trên.
Khi nào Trung Quốc vượt Mỹ?
Tuy nhiên, nếu quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh tiếp tục căng thẳng thì luồng ý tưởng và sáng tạo xuyên biên giới - điều đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của Bắc Kinh thời gian qua - sẽ bắt đầu cạn kiệt.
Các nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, trong một kịch bản cực đoan, với việc Trung Quốc và Mỹ phân chia thế giới thành các phạm vi ảnh hưởng riêng biệt, GDP năm 2030 của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng 8% - so với trường hợp các mối quan hệ vẫn duy trì ổn định.
Song song với đó, sự kết hợp giữa việc đình trệ các cải cách trong nước và sự cô lập trên trường quốc tế có thể dẫn đến một kịch bản cực đoan khác: khủng hoảng tài chính.
Kể từ năm 2008, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Trung Quốc đã tăng vọt từ 140% lên 290%. Ở các quốc gia khác, việc vay nợ tăng nhanh sẽ tạo ra những rắc rối ở phía trước.
Khi được hỏi về tham vọng chiếm vị trí nền kinh tế hàng đầu thế giới của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Với tôi, điều đó không xảy ra bởi Mỹ sẽ tiếp tục phát triển".
Đối với Mỹ, cũng giống như Trung Quốc, con đường để tăng trưởng nhanh hơn nằm ở việc mở rộng lực lượng lao động, nâng cấp nguồn vốn và đổi mới công nghệ.
Tổng thống Mỹ đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD với mục đích hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ nhanh hơn, quốc gia này có thể trì hoãn sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc.
Bloomberg Economics đã xây dựng các kịch bản cho kết quả của cuộc chạy đua kinh tế Mỹ - Trung Quốc.
Cụ thể, nếu mọi thứ thuận lợi cho Trung Quốc, từ cải cách trong nước đến quan hệ quốc tế thì quốc gia này có thể bắt kịp Mỹ trong một thập kỷ tới.
Hiện tại, dân số 1,4 tỷ của Trung Quốc lớn gấp 4 lần của Mỹ; GDP bình quân đầu người hiện thấp hơn 20% so với Mỹ, do đó, chỉ còn một khoảng cách không quá dài để Trung Quốc có thể giành được vị trí đầu bảng.
Dù vậy, thành công phát triển kinh tế trong quá khứ của Trung Quốc, cũng như của các nước láng giềng châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, cho thấy không nên đặt mục tiêu quá cao. Như lịch sử hàng trăm năm qua của Trung Quốc đã chứng minh, sự phát triển không phải là tiền định.
Và nếu cải cách đình trệ, quan hệ toàn cầu bị rạn nứt, lực lượng lao động thu hẹp và khủng hoảng tài chính có thể khiến Trung Quốc ở vị trí thứ hai vô thời hạn.