📞

Gánh vác sứ mệnh Chủ tịch EU, Slovenia trước bộn bề hồ sơ 'khó nhằn'

Mai Khanh 11:00 | 04/07/2021
Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong sáu tháng cuối năm 2021, Slovenia sẽ có một nhiệm kỳ bộn bề khó khăn.

Ngày 1/7, khi chuyển giao cho Slovenia đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa khẳng định: "Giờ là lúc hành động, vì sự phục hồi công bằng, xanh và kỹ thuật số".

Tiếp quản cương vị mới từ Bồ Đào Nha, Slovenia sẽ đối mặt với không ít khó khăn về đối ngoại, đối nội trong đó, ứng phó với đại dịch Covid-19 và đưa kinh tế châu Âu từng bước vượt qua “cơn bĩ cực” do ảnh hưởng của đại dịch.

Thủ tướng Slovenia Janez Jansa sẽ có nhiều việc phải làm trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU trong 6 tháng tới. (Nguồn: EAP)

Bài toán mang tên Covid-19

Slovenia nhậm chức Chủ tịch Hội đồng EU vào thời điểm mang tính bước ngoặt khi chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 đang được triển khai.

Các nước EU đang thận trọng mở cửa trở lại nền kinh tế, việc xử lý khủng hoảng đang dần chuyển sang quản lý phục hồi lâu dài và quỹ phục hồi mang tên "Thế hệ mới của EU" sẽ tạo động lực cho sự phục hồi và thúc đẩy cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Do vậy, khả năng chống chịu, phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tự chủ chiến lược của EU là một trong những ưu tiên hàng đầu của Slovenia trong nhiệm kỳ này. Đây cũng chính là tuyên bố mà Thủ tướng Slovenia Janez Jansa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh tại cuộc họp báo chung hôm 1/7.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đánh giá, nền kinh tế khu vực đồng Euro năm 2021 sẽ phục hồi chậm hơn so với dự báo ban đầu do đợt dịch Covid-19 thứ 3 đã bùng phát ở châu lục này vào đầu năm nay, với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và các đợt đóng cửa sau đó.

Theo ECB, khu vực Eurozone sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2021, thấp hơn so với dự báo được đưa ra hồi tháng 9-2020 là 5%. Do đó, nhiệm vụ tối quan trọng của Slovenia là phải tăng cường khả năng phục hồi của châu Âu và niềm tin của người dân vào mô hình xã hội châu Âu.

Bên cạnh đó là việc thúc đẩy một liên minh dựa trên các giá trị chung về đoàn kết, hội tụ và gắn kết - một liên minh có khả năng phối hợp hành động để phục hồi sau khủng hoảng.

Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ tiếp tục lây lan tại các nước châu Âu cũng đang đặt ra thách thức với EU đòi hỏi một chiến lược quyết liệt của quốc gia nắm vị trí Chủ tịch luân phiên.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã cảnh báo biến thể nguy hiểm này có thể chiếm tới 90% ca mắc Covid-19 mới tại EU trong mùa Hè năm nay, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi là những người chưa được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Để khống chế dịch bệnh lây lan, các nước EU cần đạt được tiến bộ trong chương trình tiêm chủng với tốc độ rất nhanh và cẩn trọng khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Từ ngày 1/7, "hộ chiếu vaccine", bắt đầu có hiệu lực trên toàn EU nhằm tái khởi động ngành du lịch của EU vốn đã giảm tới 61% sau hơn một năm chống chọi với đại dịch.

Tuy nhiên, theo giới chức y tế, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm nhanh đang đe dọa phải hạn chế áp dụng cơ chế này.

Nỗ lực "châu Âu xanh"

Về vấn đề biến đổi khí hậu, Luật khí hậu của EU đã có hiệu lực từ ngày 30/6 đặt ra mục tiêu tham vọng mang tính ràng buộc pháp lý của khối này trong việc cắt giảm ròng lượng khí thải vào năm 2030 ít nhất là 55% so với năm 1990 và trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Theo kế hoạch, ngày 14/7 tới, EC sẽ đề xuất một loạt chính sách định hình lại ngành công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và nhà ở nhằm giảm nhanh hơn lượng khí thải CO2 để đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Chính vì vậy, việc đưa châu Âu trở thành “ngọn cờ đầu” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (châu Âu xanh) đòi hỏi nỗ lực lớn của cả liên minh cũng như nước Chủ tịch luân phiên.

Ngoài ra, Slovenia sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong những vấn đề quan trọng khác, như tìm ra chính sách chung về vấn đề người tị nạn, tập trung các nỗ lực của toàn khối vào việc tăng cường pháp quyền như một trong những giá trị chung của châu Âu, chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển công nghệ xanh, củng cố mô hình xã hội châu Âu.

Bảo đảm an ninh cũng là nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh khủng bố thánh chiến vẫn là mối đe dọa lớn nhất trong khối, các phần tử cực đoan bạo lực đang lợi dụng đại dịch Covid-19 hòng gây phân cực xã hội, gieo rắc tư tưởng thù hận.

việc đưa châu Âu trở thành “ngọn cờ đầu” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (châu Âu xanh) đòi hỏi nỗ lực lớn của cả liên minh cũng như nước Chủ tịch Slovenia. (Nguồn: Reuters)

Những thách thức chiến lược

Trong 6 tháng tới, EU sẽ trở lại vấn đề mở rộng như một thỏa thuận chiến lược về một loạt vấn đề mở. Khả năng Slovenia sẽ đăng cai hội nghị EU-Tây Balkan trong năm nay.

Trong khi đó, thực hiện hóa thỏa thuận về thời kỳ hậu Brexit giữa EU và Anh, thúc đẩy chính sách trong quan hệ giữa EU với Mỹ, Trung Quốc, giảm căng thẳng với Nga, Belarus là những thách thức với EU.

Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ đã được cải thiện dưới thời Tổng thống Joe Biden, thúc đẩy và thiết lập một chương trình nghị sự chung vì sự hợp tác giữa EU và Mỹ trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 sẽ là ưu tiên cốt lõi với liên minh trong thời gian tới.

Về vấn đề Brexit, dù Anh và EU đã đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit song vấn đề liên quan đến vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn gây bất đồng giữa hai bên. Hai bên đã tiến hành đàm phán nhưng vẫn bế tắc.

Việc đảm bảo một thỏa thuận đầu tư đã đạt được sau 7 năm đàm phán với Trung Quốc cũng không dễ dàng với EU trong bối cảnh quan hệ căng thẳng.

EU và Trung Quốc đã hoàn tất Hiệp định toàn diện về đầu tư vào tháng 12/2020 sau 7 năm đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên đã rơi xuống mức tồi tệ nhất vì các lệnh trừng phạt "ăn miếng trả miếng" giữa Bắc Kinh và Brussels.

Trong bối cảnh quan hệ EU và Nga vẫn đang ở mức rất thấp, việc làm mới quan hệ đối tác dường như là một triển vọng xa vời. Theo giới phân tích, cách tiếp cận mà Brussels phải thực hiện lúc này là "đẩy lùi, kiềm chế và can dự" với Moscow.

Trong khi đó, việc Belarus tạm ngừng tham gia chương trình “Đối tác phương Đông”, một sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác giữa EU và các nước Đông Âu cũng là trở ngại ngoại giao với EU trong thời gian tới.

Nhiều nhiệm vụ nặng nề đang chờ đón, song cũng là mục tiêu Slovenia đặt ra trên cương vị Chủ tịch Hội đồng EU, nhằm thực hiện "sứ mệnh" khôi phục niềm tin của người dân vào mô hình gắn kết của EU cũng như vai trò của liên minh này trên thế giới.