📞

GDP toàn cầu sẽ giảm hơn 3% nếu xảy ra chiến tranh thương mại

15:01 | 04/04/2018
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới có thể sụt giảm hơn 3% nếu các quyết định áp thuế gần đây của Mỹ và Trung Quốc kích động một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu do các nước khác áp dụng các biện pháp tăng thuế để trả đũa Mỹ. 

Đây là cảnh báo mới nhất của tập đoàn kiểm toán quốc tế KPMG tại Australia. 

KPMG công bố mô hình phân tích dự báo các ảnh hưởng đối với kinh tế thế giới trong trường hợp chiến tranh thương mại toàn cầu có thể xảy ra, do quyết định tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép mà Mỹ vừa tuyên bố áp dụng.

Trong báo cáo, KPMG đưa ra 2 kịch bản gồm kịch bản thứ nhất khi tất cả các quốc gia trên thế giới đồng loạt tăng 5% thuế nhập khẩu đối với toàn bộ các loại hàng hóa và kịch bản thứ 2 là mức thuế nhập khẩu tăng tới 10%. 

Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế (GDP) thế giới dự kiến sẽ sụt giảm 1,3% so với mức dự báo mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra trước đó.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới có thể sụt giảm hơn 3% nếu các quyết định áp thuế gần đây của Mỹ và Trung Quốc kích động một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. (Nguồn: Financial Review)

Với kịch bản này, 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ là những nước chịu tác động lớn nhất khi GDP giảm 3%. Tiếp theo là Canada và Anh với mức giảm tương ứng 2,7%. Ảnh hưởng đối với Australia thấp hơn song cũng gây ra mức thâm hụt 0,8%. 

Với kịch bản thứ 2, với mức tăng thuế 10%, GDP thế giới dự kiến sẽ giảm khoảng 3,3% so với dự báo của IMF. Kinh tế Mỹ cũng sẽ bị sụt giảm khoảng 1,1%. Canada và EU vẫn sẽ là các quốc gia chịu tác động tiêu cực nhiều nhất, cao hơn 8,5 và 7,5 lần so với kinh tế Mỹ. Đối với Anh, tỷ lệ này vào khoảng 5,3 lần. Kinh tế Australia sẽ sụt giảm 1,9%. 

Ngoài ra, theo phân tích của KPMG, nếu chiến tranh thương mại toàn cầu xảy ra, kinh tế thế giới sẽ phải mất nhiều thời gian để hồi phục, lâu hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây, kéo theo hệ lụy các nước gia tăng bảo hộ nền kinh tế riêng. 

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù căng thẳng đã gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, song sự đối đầu vẫn chưa dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại, do các hành động đáp trả lẫn nhau mới chỉ dừng lại ở những sản phẩm cụ thể. 

Giới quan sát Trung Quốc nhận định, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc song chưa thể thực hiện ngay lập tức bởi sau khi ông ký sắc lệnh liên quan, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ sẽ có 15 ngày để liệt kê các danh mục hàng hóa bị đánh thuế.

Sau khi đưa ra danh sách sơ bộ, thông thường sẽ có ít nhất 30 ngày và Văn phòng Thương mại Mỹ sẽ có 60 ngày để lấy ý kiến người dân Mỹ, sau đó mới công bố danh sách cuối cùng. Như vậy, ít nhất vẫn còn hơn 2 tháng để hai bên hòa hoãn.

Trong thời gian này, thái độ của hai nước Trung - Mỹ, các nước khác và giới doanh nhân Mỹ đều có thể trở thành mấu chốt tác động tới nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện Trung - Mỹ.

(theo KPMG, Financial Review)