Vài ngày sau cuộc bầu cử tại Mỹ, tiêu đề này xuất hiện trên tờ “The National” - tờ báo tiếng Anh ở Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Cảnh giác cao độ
Theo ông Phillip Seib, Giáo sư thuộc Trung tâm USC về Ngoại giao công chúng (Mỹ), dòng tiêu đề trên không còn xa lạ khi đại đa số công chúng thế giới đang dõi theo những diễn biến ở nước Mỹ hậu bầu cử.
Trong bài viết của mình trên website của Trung tâm USC, Giáo sư Phillip cho rằng trong suốt chiến dịch, một trong những tiêu điểm hứng chịu thái độ khắc nghiệt của ông Donald Trump và những người thuộc phe ủng hộ ông là vấn đề Người Hồi giáo. Càng ngày, người Mỹ gốc Phi càng trông thấy nhiều lá cờ Liên minh với hình vẽ phân biệt chủng tộc hơn ở đất nước này. Hận thù dường như đang lớn dần, trở thành xu hướng chủ đạo.
Trước cửa Tháp Trump. (Nguồn: USC Centre). |
Quyền lực mềm của Mỹ - nền ngoại giao dựa vào sức hấp dẫn chứ không phải là ép buộc hay áp đặt – đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và điều này sẽ tàn phá vai trò của Mỹ trên thế giới, theo Giáo sư Phillip. Trước đó, ngay cả khi nước này đã tham gia vào chiến tranh Iraq, nhưng xét về khía cạnh vì tự do, sức sáng tạo và khéo léo thì người Mỹ vẫn được nhân dân thế giới ngưỡng mộ. Tuy vậy, giờ đây, tác giả ví von, thái độ ủng hộ của thế giới đối với nước Mỹ đã có những “lỗ hổng lớn”.
Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã là một thực tế. Các nhà ngoại giao công chúng Mỹ cũng phải thay đổi để thích ứng với tác động từ việc này. Theo Giáo sư Phillip, có thể có lý do khi bi quan về công tác ngoại giao của Mỹ trong những năm tới.
Thách thức ở phía trước
Tính chuyên nghiệp luôn cần thiết trong chính trị. Giờ đây, nó càng có tầm quan trọng đặc biệt. Nhiều chính phủ nước ngoài có thể sẽ mất lòng tin vào một nước Mỹ với Chính phủ của ông Trump. Ở khía cạnh quan hệ quốc tế, Cơ quan đối ngoại FSO (Foreign Service Office) thuộc Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục là xương sống của nền ngoại giao nước Mỹ. Khi ông Trump chính thức được bổ nhiệm và Quốc hội thông qua và đồng ý cấp tiền cho các chương trình đối ngoại của ông, các nhà ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới sẽ phải điều chỉnh công việc sao cho phù hợp với thực tế mới.
Theo Giáo sư Phillip, bất kể "thời đại Trump" kéo dài bao lâu, bốn năm, tám năm, hay lâu hơn, các yếu tố cơ bản trong tính cách của người Mỹ sẽ vẫn không thay đổi. Đời sống trí tuệ, nghệ thuật Mỹ vẫn giữ nguyên. Giáo dục Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là một thỏi nam châm thu hút hàng triệu thanh nhiên nước ngoài. Về bản chất, đây là những tài sản của ngoại giao công chúng, chúng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự thay đổi chính quyền. Có lẽ thách thức lớn nhất đang chờ các nhà ngoại giao là phải tìm ra cách thức phân biệt các giá trị truyền thống của Mỹ ở dưới “thời đại Trump” với các giá trị Mỹ "thông thường".
Nhưng các vấn đề được đặt ra là: Người da màu có thể cảm thấy an toàn khi đến thăm Mỹ? Phụ nữ có thể hy vọng được tôn trọng khi ở nước Mỹ?... Rất khó và còn khá sớm để trả lời những câu hỏi như vậy, bởi người ta chưa biết khoảng cách từ những lời lẽ khoa trương trong chiến dịch tranh cử đến thực tế sau khi Tổng thống đắc cử lên nắm quyền sẽ như thế nào, ông Phillip nhận định.
Dầu vậy, ông Phillip cho rằng, chắc chắn, ngoại giao công chúng sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi cuộc cách mạng về công nghệ đang cho con người thêm nhiều công cụ tiếp cận thông tin. Cho dù ai là tổng thống Mỹ, việc vươn ảnh hưởng tới công chúng nước ngoài sẽ rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và an ninh lâu dài của quốc gia này.