📞

Giải mã động thái ngoại giao đầu tiên của chính quyền ông Biden với Đông Nam Á

Đức Anh 19:50 | 26/05/2021
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R. Sherman đang thực hiện chuyến công du ngoại giao kéo dài 11 ngày, trong đó có các chặng dừng chân ở ba nước Đông Nam Á là Indonesia, Campuchia và Thái Lan.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R Sherman sẽ có chuyến thăm ba nước Đông Nam Á trong chuyến công du qua nhiều nước từ ngày 25/5 tới 4/6. (Nguồn: Phnom Penh Post)

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến công du của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R. Sherman kéo dài từ ngày 25/5-4/6 với các chặng dừng chân ở Brussels (Bỉ), Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), Jakarta (Indonesia), Phnom Penh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan) và Honolulu (Hawaii, Mỹ).

Đây là chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của một quan chức cấp cao của tân chính quyền Mỹ kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền hồi tháng 1/2021.

Tiết lộ chương trình nghị sự

Thông cáo báo chí cho hay, tại Đông Nam Á, nữ quan chức ngoại giao Mỹ sẽ "tái khẳng định cam kết của Washington đối với vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và xử lý hàng loạt vấn đề song phương và khu vực, trong đó gồm có những nỗ lực "kêu gọi lực lượng quân đội Myanmar chấm dứt bạo lực, thả tất cả những người bị giam giữ không chính đáng và khôi phục lộ trình dân chủ tại Myanmar".

Lựa chọn điểm dừng chân là Thái Lan và Indonesia trong chuyến công du này không có gì đáng ngạc nhiên khi Bangkok là đồng minh hiệp ước của Washington, còn Jakarta đóng vai trò trung tâm của khu vực Đông Nam Á.

Mặt khác, cả Thái Lan và Indonesia đều đang ở tình thế đặc biệt liên quan đến tình hình Myanmar. Trong khi Thái Lan là nước láng giềng ngay sát Myanmar và có mối quan hệ gần gũi với giới tướng lĩnh quân đội Myanmar, thì Jakarta lâu nay vẫn đóng vai trò dẫn dắt trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao đối với tình hình Myanmar.

Thông cáo báo chí trên lưu ý, tại Jakarta, bà Sherman "sẽ gặp gỡ giới chức chính phủ Indonesia để thảo luận về quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Mỹ và Indonesia cũng như cách thức hai nước có thể hợp tác để giải quyết những thách thức khu vực".

Bà cũng có kế hoạch gặp gỡ giới chức của Ban Thư ký ASEAN để "thảo luận về việc mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN".

Tại Bangkok, chương trình nghị sự sẽ tập trung vào những vấn đề như "hợp tác an ninh Mỹ-Thái Lan, mở rộng quan hệ kinh tế, thúc đẩy những quyền tự do cơ bản, những vấn đề khu vực Mekong, cuộc khủng hoảng ở Myanmar và làm sâu sắc hơn mối quan hệ văn hóa giữa người dân hai nước".

Đáng chú ý, sự lựa chọn điểm dừng chân Phnom Penh gây tò mò hơn cả. Thông cáo báo chí về chuyến đi của bà Sherman chỉ lưu ý, bà sẽ "xúc tiến hàng loạt cuộc gặp" tại Campuchia.

Lâu nay, Phnom Penh chưa từng là trọng tâm chính trong chính sách ngoại giao của Washington. Tuy nhiên, Campuchia đã lọt vào "tầm ngắm" của Mỹ trong những năm gần đây do Trung Quốc ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á này.

Đã có một vài tín hiệu cho thấy, Phnom Penh đang sẵn sàng cài đặt lại quan hệ với Washington, để cân bằng với Bắc Kinh. Trong tháng cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Mỹ Biden, Campuchia đã đình chỉ một cuộc diễn tập quân sự kéo dài hai tuần với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - vốn từng được lên kế hoạch tổ chức vào hồi tháng 3/2021.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là Campuchia sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2022. Do đó, Phnom Phenh sẽ đóng một vai trò thiết yếu đối với việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-ASEAN.

Chuyến công du của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng. (Nguồn: Reuters)

Nỗ lực cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc

Cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt cùng với chính sách hiện nay của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á, có thể thấy rằng, bối cảnh cho chuyến công du của bà Sherman là do tầm ảnh hưởng gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc ở khu vực.

Trong vòng hơn một năm qua, giới chức Trung Quốc đã và đang dồn mối quan tâm đáng kể đối với khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, kể từ tháng 10/2020, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm từng nước thành viên ASEAN, trừ Việt Nam.

Ngược lại, Ngoại trưởng 4 nước ASEAN gồm Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines cũng công du đến Trung Quốc để tiến hành các cuộc đối thoại song phương vào cuối tháng 3/2021 và đầu tháng 4/2021.

Trong khi đó, Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp ngoại trưởng với tất cả 10 nước thành viên ASEAN vào tháng 6/2021 tại thành phố Trùng Khánh, ở Tây Nam Trung Quốc.

Rõ ràng, chính quyền ông Biden đang tiếp nối những nỗ lực của người tiền nhiệm Donald Trump nhằm tập hợp một liên minh khu vực để đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy, thông qua việc đẩy mạnh triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, mà chính quyền ông Trump đã đưa ra. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Biden cho đến nay phần lớn tập trung vào nhóm Bộ Tứ Quad, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Mặc dù cũng thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song chính quyền Mỹ chưa đặt Đông Nam Á là mối ưu tiên của mình. Như chuyên gia Malcolm Cook thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore gần đây chỉ ra rằng, cựu Tổng thống Trump đã tiến hành 50 cuộc điện đàm với lãnh đạo nước ngoài trong 100 ngày đầu cầm quyền.

Tuy nhiên, không cuộc điện đàm nào trong số này dành cho các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và không một lãnh đạo Đông Nam Á nào nằm trong số 15 nhà lãnh đạo nước ngoài hội đàm trực tiếp với ông Trump. Tương tự, trong 100 ngày đầu cầm quyền của chính quyền ông Biden, ông cũng không hề điện đàm, cũng như không hội đàm trực tiếp với bất kỳ lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á nào.

Chắc chắn, Washington có rất nhiều mối ưu tiên cạnh tranh nhau trong khi nguồn lực ngoại giao lại hạn hẹp. Mặt khác, Trung Quốc lại có quá nhiều lợi thế với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là sự gần gũi về mặt địa lý.

Dẫu vậy, với vị thế cường quốc số một thế giới của Mỹ, các nước Đông Nam Á sẽ hoan nghênh bất kỳ nỗ lực thúc đẩy quan hệ tích cực nào từ Washington.

(theo The Diplomat)