Ảnh minh họa |
Sự thật là sau khi Mỹ thử nghiệm thành công bom nguyên tử, Liên Xô (LX) phải ráo riết diễn tập quân sự, đặc biệt là thực hành tấn công đối phương bằng bom hạt nhân. Không ai ngờ, một vụ thử bom hạt nhân như thế trong chiến dịch Hoa Tuyết diễn ra ngày 14/9/1954 lại biến thành thảm họa quân sự lớn nhất LX. Chi tiết về vụ thử bom ngay lập tức được xếp vào danh sách tình báo tuyệt mật quốc gia.
Tỉ mỉ từng chi tiết
Theo kế hoạch mô phỏng cuộc chiến trong tương lai, năm 1954, LX quyết định tổ chức một cuộc diễn tập quân sự binh chủng hợp thành bí mật, lấy trọng tâm là chiến dịch Hoa Tuyết - thực hành tấn công trả đũa đối phương bằng bom hạt nhân. Cuộc diễn tập này một mặt để thu thập kết quả thử nghiệm sức công phá thực tế của bom hạt nhân do LX vừa chế tạo, mặt khác để huấn luyện quân đội làm quen với chiến thuật tấn công hạt nhân.
Cuộc diễn tập này diễn ra hoàn toàn bí mật. L.Gianov, nguyên chỉ huy trưởng một trung đoàn bộ binh tham gia diễn tập nhớ lại, cuối mùa Hè năm 1954, đơn vị của ông nằm trong số rất nhiều đoàn quân được lệnh bí mật di chuyển về vùng thảo nguyên hoang vu Tozkoje, cách Mátxcơva 964km về phía Đông Nam. Tất cả quân nhân, kể cả chỉ huy đơn vị, đều không biết tại sao lại được điều động đến đây. Họ chỉ được phổ biến nhiệm vụ khi tới nơi tập kết và đều phải cam kết bằng văn bản tình nguyện giữ bí mật tuyệt đối trong vòng 25 năm.
Tổng cộng có 212 đơn vị với quân số lên tới 45.000 người tham gia chiến dịch Hoa Tuyết, trong đó có 39.000 lính và 6.000 sĩ quan chỉ huy từ Nguyên soái cho tới các tướng, tá. Doanh trại đóng quân trải dài trên một địa bàn rộng 42 km2. Công tác chuẩn bị kéo dài liên tục 3 tháng. Trước đó, toàn bộ sĩ quan được xem một bộ phim nói về sức tàn phá của vũ khí hạt nhân. Thành phần xem phim cũng được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Dân chúng sinh sống gần đó được tạm thời di chuyển đến địa điểm trú ẩn cách khu vực diễn tập 50km. Hàng nghìn khẩu pháo và máy bay ném bom đã ém sẵn tại nơi quy định.
Một tháng trước cuộc diễn tập, các máy bay TU-4 ngày nào cũng thực hành ném mô hình bom 250kg xuống mục tiêu ở trung tâm bãi thử là một hình chữ thập kích cỡ 100m2. Yêu cầu độ chính xác không lệch quá 500m vì xung quanh mục tiêu đều có quân ém sẵn. Hai phi công được giao nhiệm vụ ném bom trong chiến dịch Hoa Tuyết là Thiếu tá G.Kishishev và Trung tá A.Kuchenov, tuy nhiên phải tới phút cuối cùng mới biết ai sẽ được cất cánh. Kế hoạch cũng tính đến việc phòng chống thương vong cho lực lượng tham gia diễn tập do sóng xung kích của vụ nổ. Quân nhân tập kết trong phạm vi 5-7,5km từ tâm vụ nổ được phép rút xuống hầm trú ẩn. Một đài quan sát được dựng sẵn trên một cao điểm cách trung tâm vụ nổ 15km.
Một ngày trước giờ G, Tổng Bí thư Khrushchev, Bộ trưởng Quốc phòng N.Bulganin đến tham quan địa điểm diễn tập. Nguyên soái G.Zhukov đích thân làm Tổng chỉ huy cuộc diễn tập. Tất cả đã sẵn sàng.
Nhưng hướng gió… đột ngột thay đổi!
1 giờ đêm ngày 14/9/1954, hai quả bom được đặt lên hai máy bay ném bom TU-4. Phi công Kishishev và Kuchenov đều được lệnh cùng khởi động động cơ, tuy nhiên chỉ có Kishishev được lệnh cất cánh. Chiếc TU-4 mang ký hiệu ALB-02 do Kishishev điều khiển cất cánh dưới sự hộ tống của 2 máy bay tiêm kích Mig-17 và một máy bay ném bom IL-28 cùng một máy bay quay phim, chụp ảnh và dự báo khí tượng.
4 giờ sáng, toàn khu vực diễn tập bị đánh thức bởi những hồi còi báo động để quân sĩ vào hầm trú ẩn theo tư thế đã được hướng dẫn: nằm sấp, đầu hướng về tâm vụ nổ, nhắm mắt, há miệng.
Đúng 9 giờ 33 phút ngày 14/9/1954, từ độ cao 8.000m, chiếc TU-4 đã ném quả bom sử dụng nhiên liệu Plutonium có sức công phá lớn gấp 2-3 lần loại bom mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản. Một tiếng nổ trầm đục như vọng về từ địa ngục rền vang khắp vùng, tạo thành một đám mây phóng xạ khổng lồ rộng 10km2. Theo phương án định sẵn, quả bom sẽ được điều khiển nổ ở độ cao 350m so với mặt đất và lệch so với tâm vụ nổ 280m.
Tuy nhiên, điều khủng khiếp đã xảy ra. Khi bom nổ, do hướng gió đột ngột thay đổi, nên đám mây phóng xạ không di chuyển về hướng thảo nguyên hoang vu như dự tính mà lại di chuyển về hướng thành phố Orenburg, nơi có 265.000 cư dân sinh sống. B.Kokhanov, nguyên quân đoàn trưởng, nhớ lại: “Khi bom nổ, dù chúng tôi nằm ép trong hầm trú ẩn đã đóng chặt mà vẫn cảm nhận những luồng sáng xói vào mắt, vài giây sau thì nghe thấy một tiếng nổ lớn. 21-22 phút sau tiếng nổ, máy bay chiến đấu bắt đầu vượt qua đám mây hạt nhân tấn công các mục tiêu dưới mặt đất. Tôi chỉ huy một quân đoàn theo xe bọc thép tiến về trung tâm vụ nổ. Khi cự ly còn 600m, trước mắt tôi cảnh tượng thật kinh hoàng, cây cối bị cháy rụi, mọi phương tiện đều bị phá hủy, thi thể động vật cháy la liệt. Trong vòng bán kính 300m không có một bóng cây khô, toàn bộ cháy thành than. Mặt đất biến thành hoang mạc nhỏ, lớp đất bề mặt bị nghiền nhỏ như cát. Bao trùm bán kính cách vụ nổ 1km là sự chết chóc và tê liệt”.
Còn Gianov thì nhớ như in: “Thảo nguyên bốc cháy đỏ rực, bao quanh là một bức tường đen đặc khói, bụi. Tôi cảm thấy miệng khô khốc, giọng khản đặc, nghẹt thở, tai ù đi chỉ nghe thấy tiếng khò khè tắc trong họng. Ngài thiếu tướng lệnh cho tôi tiến lên thực hiện đo độ phóng xạ, tôi bò vào vị trí trắc lượng, mở máy đo, chiếc kim quay vọt qua vạch đỏ. Ông ta ra lệnh lập tức rời khỏi đó”.
Hậu quả để lại
Kết thúc diễn tập, ngày 17/9/1954, báo Sự thật cũng như Thông tấn xã LX (TASS) đều đăng tin: “Theo kế hoạch, LX đã tiến hành nổ thử sức công phá của bom hạt nhân. Kết quả thử nghiệm đã thu được nhiều tư liệu quý giá, giúp các nhà khoa học giải quyết thành công nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào đất nước. Các lực lượng quân đội tham gia thử nghiệm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dựng lên tấm lá chắn hạt nhân cho Tổ quốc”. Viên phi công thực hiện chuyến bay thả bom hạt nhân cũng được tặng thưởng Huân chương Lenin và phong quân hàm vượt cấp lên Thượng tá…
Nhưng trên báo chí, không một dòng nào đưa về vụ thử hạt nhân ấy. Nó được xếp vào hạng bí mật quân sự lớn nhất của LX. Lấy lý do đảm bảo bí mật cho cuộc diễn tập, toàn bộ quân nhân không được kiểm tra y tế. Toàn bộ hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Tozkoje giai đoạn 1954-1980 bị hủy hoàn toàn, thậm chí thiệt hại vật chất của cư dân trong vùng cũng không một lần được nhắc tới.
Như cái kim trong bọc lâu ngày..., sau hơn nửa thế kỷ, sự thật dần hé lộ. Theo hồ sơ giải mật, kể từ năm 1956 tới nay đã có hơn 3.200 người dân sống gần nơi diễn tập chết vì nhiễm phóng xạ. Đặc biệt, trong 45.000 quân nhân tham gia, nay chỉ còn khoảng 2.000 người sống sót và đều mắc các chứng bệnh về máu, tiêu hoá hay ung thư. Chỉ ngần ấy thiệt hại thống kê chưa đầy đủ cũng đã nói lên chiến dịch Hoa Tuyết thảm khốc đến mức nào?
Hoàng Minh (Theo Trud, Neu-samara.de)