Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 tiếp tục gặp trắc trở với việc nhiều nước cảnh báo không tham dự. (Nguồn: AP) |
Ngày 23/5, Bộ Truyền thông Xã hội Guatemala xác nhận, Tổng thống nước này Alejandro Giammattei đã được Nhà Trắng mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ.
Trước đó, hôm 17/5, Tổng thống Giammattei cho biết, ông không hy vọng nhận được lời mời của Nhà Trắng và trong bất kỳ trường hợp nào, ông cũng sẽ không tham dự hội nghị, sau khi Mỹ chính thức trừng phạt Tổng chưởng lý Guatemala Consuelo Porras vì tham nhũng, chỉ vài giờ sau khi bà được tái bổ nhiệm.
Tranh cãi xung quanh Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 bắt nguồn từ thông tin về khả năng Mỹ loại trừ Cuba, Nicaragua và Venezuela khỏi sự kiện.
Các Tổng thống của Bolivia, Mexico và Honduras đã lên tiếng yêu cầu Washington không loại bất cứ quốc gia nào ra khỏi sự kiện châu lục này, đồng thời khẳng định sẽ không tham dự nếu không có sự góp mặt của tất cả các quốc gia châu Mỹ.
Cùng ngày 23/5, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cũng nhấn mạnh, từ năm 2012 các bên tham gia Hội nghị thượng đỉnh đã nhất trí rằng, tất cả quốc gia trong khu vực đều được mời tham dự, do đó quyết định loại trừ một số nước khỏi sự kiện sắp tới sẽ là một bước thụt lùi.
Ông Ebrard cũng cho hay, cuộc tranh luận về việc liệu Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ có bao trùm tất cả các quốc gia trong khu vực hay không sẽ được giải quyết trong vài ngày tới, song cảnh báo một bước lùi sẽ là “không thể chấp nhận được” và “bất cẩn”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Panama Erika Mouynes khẳng định, nước này mong muốn Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ sẽ được tổ chức một cách “rộng mở” và “bao trùm”, để nối tiếp “truyền thống” có sự tham gia của tất cả các nước ở châu lục.
Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Mouynes nhấn mạnh, năm 2015, Panama đăng cai tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ “mang tính lịch sử”, với sự tham dự của 35 quốc gia trong khu vực, trong đó có Cuba lần đầu tiên tham gia sự kiện, làm nức lòng cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Panama cho biết, trong khuôn khổ hội nghị lần thứ 7 đã diễn ra “những cuộc gặp vô tiền khoáng hậu và mang tính biểu tượng”, như cuộc gặp giữa cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Chủ tịch Raul Castro, do đó, Panama hi vọng những khoảnh khắc như vậy có thể “diễn ra một lần nữa”.
Trong khi đó, các quốc gia trong Cộng đồng Caribe (Caricom) vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc có tham gia Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 hay không.
Trao đổi với báo giới ngày 23/5, Thủ tướng Trinidad & Tobago Keith Rowley cho biết, mặc dù đại diện của các quốc gia thành viên Caricom đã nhóm họp hôm 22/5 tại Guyana để tăng cường gắn kết, nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hầu hết các quốc gia đều bày tỏ ủng hộ sự thành công của sự kiện châu lục này.
Cá nhân Thủ tướng Rowley khẳng định ông sẽ đại diện cho Trinidad & Tobago tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ. Tổng thống Guyana Irfaan Ali cũng đã xác nhận tham dự.
Chủ tịch đương nhiệm Caricom, Thủ tướng Belize John Briceño cho hay, Mỹ đang thúc giục tổ chức khu vực này thay đổi quan điểm và không tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh trong trường hợp Cuba, Nicaragua và Venezuela không được mời.
Các nhà lãnh đạo của Caricom cũng không ủng hộ việc Mỹ dự định mời thủ lĩnh đối đối lập Venezuela Juan Guaidó thay vì Tổng thống hợp hiến của quốc gia Nam Mỹ Nicolás Maduro tham dự Hội nghị.
Đại sứ Antigua & Barbuda tại Mỹ Ronald Sanders tuyên bố, nếu Washington loại bỏ Cuba, Nicaragua và Venezuela cũng như mời ông Juan Guaidó tới sự kiện này, 15 quốc gia thành viên Caricom sẽ không tham dự.
Caricom gồm các nước Antigua & Barbuda, Bahamas, Barbados, Belize, Dominica, Grenada, Guyana, Haiti, Jamaica, Montserrat, Saint Lucia, Saint Kitts & Nevis, Saint Vincent & Grenadines, Suriname và Trinidad & Tobago - sẽ không tham dự.
Đây là lần thứ hai Mỹ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, lần đầu tiên diễn ra tại Miami vào năm 1994 và cho đến nay đã trải qua thêm 7 kỳ họp tại Santiago de Chile (Chile, 1998), Québec (Canada, 2001), Mar del Plata (Argentina, 2005), Puerto España (Trinidad & Tobago, 2009), Cartagena de Indias (Colombia, 2012), Panama (Panama, 2015) và Lima (Peru, 2018).
| Tin thế giới 23/5: Nga ra điều kiện với Ukraine; EU 'than thở' kho vũ khí cạn kiệt vì Kiev; Mỹ khiến Trung Quốc 'nóng mặt' Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), Thủ tướng Australia tuyên thệ, tình hình Trung Đông và Bán đảo Triều Tiên... ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (16-22/5): Xung đột Nga-Ukraine, đưa binh sĩ rời nhà máy thép Azovstal, phá bom ở Borodianka và xe tăng bị phá hủy tại Bucha Xung đột Nga-Ukraine, đưa binh sĩ bị thương rời nhà máy thép Azovstal, xả súng tại Mỹ, bầu cử ở Australia, Covid-19 ở Trung Quốc ... |