📞

Giờ G đã điểm, liệu Mỹ-Trung có sẵn sàng cho thỏa thuận thương mại giai đoạn hai?

Diệu Linh 13:45 | 22/12/2021
Chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz nhận định trên tờ Sydney Morning Herald, thỏa thuận giai đoạn hai, nếu có, sẽ tương tự thỏa thuận giai đoạn một.
Khả năng cao là thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ khó được thực thi. (Nguồn: Getty)

Chỉ còn hơn một tuần nữa, thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kết thúc. Tuy nhiên, bất chấp các thất bại rõ ràng của cuộc chiến thương mại do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng nhằm đạt được mục tiêu cân bằng cán cân thương mại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, di sản của biện pháp thuế quan "ăn miếng, trả miếng", vốn đã gắn chặt với "thỏa thuận ngừng bắn", sẽ vẫn tiếp tục tồn tại.

Khó hoàn thành mục tiêu

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 1/2020. Theo đó, Trung Quốc hứa sẽ tăng cường mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, trong năm 2020 và 2021, so với mức của năm 2017.

Khi thỏa thuận hết hạn vào ngày 31/12 tới đây, nhiều khả năng các cam kết sẽ không được thực hiện đầy đủ. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Petersen, đến hết tháng 10/2021, Trung Quốc mới chỉ mua được khoảng 60% lượng hàng có xuất xứ từ Mỹ như mục tiêu của cam kết.

Rõ ràng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã không được cải thiện, bất chấp đây được xem là động lực chính cho việc Tổng thống Trump khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lúc ban đầu.

Ngược lại, ước tính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York cho thấy, các công ty và người tiêu dùng Mỹ đã phải "trả giá" hơn 100 tỷ USD mỗi năm vì cuộc chiến thương mại.

Đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, đẩy thế giới vào tình trạng bế tắc và gây ra sự tàn phá đối với chuỗi cung ứng và nền thương mại toàn cầu.

Đại dịch đã tạo ra nhu cầu tiêu dùng rất lớn ở Mỹ, có nghĩa là nhu cầu đối với các dòng sản phẩm mà Trung Quốc chiếm ưu thế là vô cùng lớn. Trong khi đó, chi phí vận chuyển đã không ngừng tăng cao, trong bối cảnh chuỗi cung ứng trở nên hỗn loạn.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất bị gián đoạn tại Mỹ và cách tiếp cận "Zero Covid-19" của Trung Quốc đối với đại dịch đã kết hợp lại, gây hạn chế hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý, ngay cả khi không có đại dịch, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ thực hiện đầy đủ cam kết mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn.

Đơn giản là vì nước này không cần thêm một khối lượng lớn nông sản, hàng năng lượng hay hàng hóa sản xuất theo nội dung của thỏa thuận. Nếu Trung Quốc tăng mua hàng của Mỹ, họ sẽ buộc phải cắt giảm lượng hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác và sẽ tạo ra các "xích mích" với bên thứ ba, chẳng hạn như Liên minh châu Âu (EU).

Mỹ cũng không có khả năng tăng cung ứng các sản phẩm được đề cập trong thỏa thuận, theo khung thời gian quy định. Bản thân các mục tiêu của thỏa thuận đã là phi thực tế. Trong một số trường hợp, gần như là không có khả năng ngay từ ban đầu.

Trung Quốc đã mở cửa nhiều hơn thị trường tài chính và một số lĩnh vực nhạy cảm khác cho các nhà đầu tư và công ty nước ngoài.

Bắc Kinh cũng đã sửa đổi luật về bằng sáng chế, cam kết không buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ (mặc dù việc này vẫn đang diễn ra) và hứa bảo vệ nhiều hơn trong vấn đề sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, hai năm qua, sự kiểm soát và định hướng của Nhà nước với nền kinh tế đã bị thắt chặt, giữa bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuyển đổi triết lý quản trị từ "chủ nghĩa tư bản với các đặc điểm xã hội chủ nghĩa" sang "sự thịnh vượng chung".

Triết lý này đã giảm sự liên quan đến chủ nghĩa tư bản xuống và thay vào đó là nâng cao hơn chủ nghĩa xã hội và sự can thiệp, cũng như kiểm soát của Nhà nước.

Liệu có triển vọng cho thỏa thuận giai đoạn hai?

Giờ đây, vấn đề đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm, khi thỏa thuận giai đoạn một sắp kết thúc, không chỉ là việc Trung Quốc đã không đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận mà còn chưa thể chắc chắn được liệu thỏa thuận giai đoạn hai có hình thái như thế nào.

Thỏa thuận này, nếu có, sẽ phải đối mặt với trạng thái chính trị khó xử trong mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các biện pháp thuế quan của ông Trump đã trở nên phổ biến với phần lớn những người dân Mỹ bình thường và cả hai Đảng lớn tại Mỹ.

Trong khi, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang ngày một xấu đi, bao gồm cả việc Mỹ và các quốc gia phương Tây mở rộng đáng kể phạm vi trừng phạt đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc liên quan tới vấn đề an ninh và nhân quyền.

Điều đó đã dẫn đến một số tách biệt về thị trường và nền kinh tế hai nước.

Và ở một mức độ nào đó, việc Mỹ thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống dưới thời Tổng thống Joe Biden cũng đã làm sâu sắc thêm "mâu thuẫn" giữa hai bên.

Bối cảnh phức tạp này có nghĩa là Tổng thống Mỹ hiện thời sẽ không thể đơn giản là cắt giảm các biện pháp thuế quan khởi xướng bởi cựu Tổng thống Trump, ngay cả khi ông Biden muốn vậy.

Mặc dù thừa nhận các công ty và người tiêu dùng Mỹ đang phải trả những khoản chi phí "đắt đỏ" vì biện pháp thuế quan "ăn miếng trả miếng" với Trung Quốc, ông Biden cũng không muốn chính quyền của mình bị coi là đòn bẩy trong mối quan hệ với quốc gia lớn nhất châu Á.

Trong một môi trường ít chính trị hóa hơn, nơi mà sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ít gay gắt hơn, thì hành động thực dụng nên có là giảm thuế quan, qua đó giảm chi phí cho nền kinh tế Mỹ và trong quá trình này, giảm áp lực lạm phát hiện tại.

Nhưng điều đó sẽ không xảy ra, mặc dù Nhà Trắng đang cố gắng phát triển một quy trình "loại trừ" để giảm hoặc loại bỏ tác hại lớn nhất của thuế quan, ngay cả khi Mỹ khẳng định Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đáp ứng các cam kết của mình trong thỏa thuận giai đoạn một.

Tổng thống Biden cũng có thể xem xét tăng một số loại thuế quan, như một sự trừng phạt đối với việc Bắc Kinh không đáp ứng các nghĩa vụ của mình (điều này đã được đề cập trong thỏa thuận giai đoạn một). Nhưng điều đó nên được sử dụng như một mối đe dọa, hơn là một lựa chọn thực tế.

Trong thời gian gần đây, đã có nhiều cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo hai nước, với mục tiêu cố gắng phát triển một mối quan hệ thương mại và kinh tế mới, thay thế mối quan hệ "căng thẳng" mà ông Biden được kế thừa.

Nhưng khả năng là bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ được thúc đẩy bởi những lợi ích được nhận thấy, đối với mỗi nền kinh tế của hai nước.

Do đó, thỏa thuận giai đoạn hai, nếu có, sẽ tương tự thỏa thuận giai đoạn một, với việc Trung Quốc hứa sẽ khắc phục những thiếu sót trong các cam kết của mình và người Mỹ chỉ sở hữu "mối đe dọa suông" về việc sẽ áp mức thuế ngày càng cao hơn.

(theo Sydney Morning Herald)