Nhỏ Bình thường Lớn

Quan hệ Việt Nam-Ba Lan: Khoảng cách không phải là trở ngại

Việt Nam và Ba Lan dù có cách xa nhau về mặt địa lý nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng về lịch sử, đặc biệt hai nước có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống. Đó là phát biểu của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-10/9.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Donald Tusk tại Hà Nội, ngày 9/9/2010.

Thủ tướng Donald Tusk cho rằng, mối quan hệ giữa hai bên đã được lãnh đạo cấp cao hai nước không ngừng vun đắp nên khoảng cách về địa lý đã không phải là trở lực làm ảnh hưởng tới sự phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Ba Lan và Việt Nam trong thời gian qua. Thủ tướng Donald Tusk cũng khẳng định Ba Lan muốn tận dụng, phát huy quan hệ hợp tác với Việt Nam, trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu.

Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: "Việt Nam luôn coi Ba Lan là đối tác quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong khu vực Trung - Đông Âu".

Trao đổi với báo giới sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Donald Tusk một lần nữa khẳng định quan điểm, Việt Nam và Ba Lan sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Hai bên đã thống nhất ngày 23/11 tới, sẽ khai trương đường bay trực tiếp Warsaw - Hà Nội.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Donald Tusk đã chứng kiến lãnh đạo các bộ, ngành chức năng của hai nước ký kết các thỏa thuận như Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ba Lan về cùng bảo vệ tin mật; Thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Ba Lan về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng; Nghị định thư về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ba Lan…

Hai Thủ tướng cho hay các văn kiện hợp tác được ký kết nhân dịp này là cơ sở góp phần đưa quan hệ Việt Nam và Ba Lan lên tầm cao mới. Trong bối cảnh Ba Lan sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU sáu tháng cuối năm 2011, Thủ tướng Ba Lan bày tỏ sẵn sàng là cầu nối giữa Việt Nam với các nước EU. Về phần mình, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ Ba Lan trong việc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực.

Chuyến thăm của Thủ tướng Ba Lan diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Ba Lan và Việt Nam đang phát triển tốt đẹp, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2010). Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao như Chủ tịch Thượng viện Ba Lan thăm Việt Nam năm 2003, Thủ tướng Ba Lan thăm Việt Nam năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Ba Lan năm 2003 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ba Lan năm 2007.

Quan hệ kinh tế - thương mại song phương phát triển năng động. Ba Lan hiện là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại Trung - Đông Âu, còn Việt Nam hiện là đối tác lớn thứ ba của Ba Lan tại Đông Nam Á sau Malaysia và Thái Lan. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 đạt 650 triệu USD, năm 2009 tuy gặp khó khăn nhưng kim ngạch vẫn đạt 550 triệu USD. Đây là những con số mang nhiều ý nghĩa khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ba Lan năm 2007 thỏa thuận nâng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt 500 triệu USD nhưng chỉ một năm sau đó đã hoàn thành mục tiêu.

Những năm gần đây, Ba Lan đã cho Việt Nam vay khoảng 100 triệu USD tín dụng ưu đãi và sẵn sàng tiếp tục cung cấp 260 triệu USD vốn ưu đãi cho những dự án trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như đóng tàu, khai khoáng…

Trong nhiều năm, Ba Lan cũng đã giúp đào tại cán bộ, trùng tu các di tích ở Huế, Hội An, Đà Nẵng, Củ Chi…

Trong hợp tác giáo dục đào tạo, Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học mà hiện nhiều người trong số đó đang nắm giữ những cương vị cao.

Cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan hiện có khoảng 30.000 người, được nước bạn đánh giá cao, hiện là cầu nối quan trọng trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác hai nước.

Bảo Trâm