📞
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch

Gương tự học của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch!

Đại sứ Hoàng Bình 08:30 | 13/05/2021
Tự học, tự rèn luyện, từ chuyên môn, sức khỏe cho đến các kỹ năng phục vụ công việc là bí quyết để Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch “có được sự uyên bác như vậy”.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (ngoài cùng bên phải) yết kiến Thủ tướng Pháp Misen Rocard, cùng tiếp có Ngoại trưởng Dumas, tại thủ đô Paris ngày 23/6/1989. (Ảnh tư liệu)

Thực hiện chủ trương đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, năm 1982 lãnh đạo Bộ Ngoại giao có văn bản chính thức quy định “Sáu tiêu chuẩn của cán bộ cấp vụ”; năm 1985 tiếp tục có văn bản quy định các “Tiêu chuẩn của cán bộ cấp vụ và đại sứ”, so với năm 1982 có thêm 2 tiêu chuẩn: Sức khỏe và bảo vệ chính trị.

Để đạt được những tiêu chuẩn trên, các “cán bộ nhân viên nhà nước” phải đặt chương trình tự học và tự rèn luyện lên hàng đầu vì rất hiếm có cơ hội tách hẳn khỏi công việc hằng ngày rồi dành toàn bộ thời gian cho một khóa học chính quy nào đó.

Điều cần nhấn mạnh là các tiêu chuẩn với những nội dung cụ thể, chi tiết và phù hợp với thực tế đã được ghi thành văn bản ngay trong thời kỳ vô cùng khó khăn của đất nước.

Những năm sau này nhìn lại, mọi người càng nhận ra sự trăn trở và suy nghĩ không ngơi nghỉ của nhà cách mạng Nguyễn Cơ Thạch đối với công tác đào tạo cán bộ, công tác xây dựng ngành, công tác nghiên cứu quan hệ quốc tế và thực tiễn hoạt động ngoại giao.

Đất nước đã chuyển sang thời kỳ mới nên phải có phương pháp làm việc và những biện pháp thực hiện mới mang tính cách mạng.

Không chỉ tiếng Anh và tiếng Pháp

Có thể thấy kiến thức sâu rộng và ở tầm cao mà ông tích lũy được trong các lĩnh vực đều do tự học mà có. Khi triển khai chủ trương chuẩn bị và đào tạo thế hệ nhân lực mới cho ngành, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn quan tâm kết hợp việc đào tạo chính quy của cơ quan và quá trình tự học của từng người.

Kinh nghiệm tự nghiên cứu và tự rèn luyện của ông đã trở thành bài học cho các thế hệ cán bộ ngoại giao. Với cá nhân tôi, tấm gương tự học của ông luôn thôi thúc tôi phấn đấu, học hỏi để nâng cao trình độ của bản thân.

Khi triển khai chủ trương chuẩn bị và đào tạo thế hệ nhân lực mới cho ngành, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn quan tâm kết hợp việc đào tạo chính quy của cơ quan và quá trình tự học của từng người.

Trong những năm làm nhân viên phiên dịch ở Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội, một lần tôi được Đại sứ Władysław Domagała cho biết lãnh đạo Việt Nam có 2 người nói tiếng Pháp rất giỏi là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo ông, hai vị chỉ học ở Việt Nam và học đã nhiều năm trước, nhưng cả hai vị đều dùng tiếng Pháp hiện đại chứ không phải tiếng Pháp thời các vị học. Đó là điều rất đáng khâm phục.

Đại sứ Ba Lan từng là kiều dân Ba Lan sống ở Pháp trong hơn ba chục năm và đã thành đạt ở Paris. Các bạn Ba Lan cho biết ông sử dụng tiếng Pháp thành thạo hơn cả tiếng Ba Lan.

Khoảng nửa năm sau, ông nói mới phát hiện ra là lãnh đạo Việt Nam còn một người nữa rất giỏi tiếng Pháp và tiếng Anh, người đã phải dành nhiều năm gần như tập trung hoàn toàn cho cuộc đấu trí với Mỹ ở Paris. Đó là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Vào giữa thập niên 1970, khó có nhận xét nào chính xác hơn. Nhiều năm sau, chính những người sống ở các nước mà tiếng Pháp và tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, người ta đều đánh giá cao khả năng sử dụng hai ngoại ngữ này của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam là Serge Degallaix viết ông Thạch là “nhân vật rất giỏi tiếng Pháp”. Báo New York Times viết ông là “nhà ngoại giao chuyên nghiệp thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh”. Báo Washington Post viết ông là “một người tinh tế và nói thạo tiếng Pháp và tiếng Anh”.

Ông Thạch là tấm gương tự học thành công không chỉ trong địa hạt ngôn ngữ.

Thời trẻ, ông Nguyễn Cơ Thạch học tại Ecole Primaire Supérieun Franco- Indigène, thường gọi là trường Thành chung ở Nam Định. Nhưng khi đang học năm thứ ba thì ông bị bắt do tham gia hoạt động cách mạng giành độc lập.

Trong 5 năm bị giam cầm tra tấn ở các nhà tù đế quốc, ông vẫn tiếp tục mở rộng hiểu biết bằng cách tự học, đồng thời dạy những bạn tù chưa có điều kiện học đến lớp thứ ba trung học như ông.

Chỉ tiếp cận thông tin là không đủ!

Thời gian giữa hai năm 1982 và 1985, tôi có cơ hội phục vụ Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tiếp người đồng cấp Ba Lan trong lần đáp lễ chuyến thăm của ông trước đó 3 năm.

Tháng 11/1983, Bộ trưởng Stefan Olszowski thăm hữu nghị chính thức Việt Nam khi tình hình thế giới nói chung, tình hình Việt Nam và Ba Lan nói riêng đang diễn ra nhiều thay đổi có tính bước ngoặt.

Các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện và chưa có tiền lệ. Việt Nam đang nỗ lực phá vỡ thế bị bao vây cấm vận do Mỹ và Trung Quốc áp đặt đồng thời chủ động chuẩn bị cho công cuộc đổi mới.

Ba Lan vừa vượt qua 19 tháng thiết quân luật trong sự quan tâm đặc biệt của cả các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước Hiệp ước Warsaw đồng thời chuẩn bị tái cơ cấu xã hội trong hoàn cảnh mới.

Dịp ấy có một việc gây bất ngờ cho Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội. Nhân vật thứ hai của Đại sứ quán là một tham tán chính trị lợi dụng cơ hội đi công tác ngắn ngày ở Bangkok đã bỏ sang phương Tây.

Thời gian đó, tôi còn là tổ trưởng tổ Ba Lan của Vụ Châu Âu 1 nên đã báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch về việc nhân viên Đại sứ quán Ba Lan “đào ngũ”.

Nghe xong, ông dặn “phải tìm hiểu lý do bỏ đi của nhân viên ngoại giao nước bạn chứ không dừng lại ở việc biết tin anh ta bỏ đi”, công tác nghiên cứu không chỉ là tiếp cận thông tin mà phải mở rộng nguồn tin và phân tích từ nhiều góc độ để tìm ra bản chất sự việc đằng sau các hiện tượng.

"...công tác nghiên cứu không chỉ là tiếp cận thông tin mà phải mở rộng nguồn tin và phân tích từ nhiều góc độ để tìm ra bản chất sự việc đằng sau các hiện tượng".

Cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng kéo dài suốt 2 ngày ở Nhà khách Chính phủ, trong đó cuộc đấu tranh giai cấp trên phạm vi thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp là nội dung được cả hai bên dành nhiều thời gian chia sẻ thông tin, phân tích tình hình và trao đổi quan điểm.

Như thường lệ, phiên dịch phải nói nhiều gấp đôi nên rất mệt.

Tối ngày thứ 2 của chuyến thăm, đoàn Ba Lan tổ chức tiệc chiêu đãi chia tay. Sau phát biểu cảm ơn của Bộ trưởng Stefan Olszowski, mọi người vừa nâng ly và chuẩn bị thưởng thức mấy món khai vị của Ba Lan thì Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lại đề nghị… nâng ly.

Ông xoay người nhìn tôi đứng ngay bên cạnh và hóm hỉnh nói: “Chàng trẻ tuổi của chúng ta nói nhiều suốt cả hai ngày nên mệt quá rồi. Tối nay chúng ta sẽ dùng tiếng Anh để anh bạn ăn thoải mái”.

Rồi, ông hỏi tôi: “Đồng ý chứ”.

Đó là những câu cuối cùng tôi dịch sang tiếng Ba Lan trong chuyến thăm đó.

Gợi ý bất ngờ của ông làm không khí bàn tiệc trở nên thân mật, cởi mở và đầm ấm khác thường.

Sức khỏe để làm việc ngày đêm!

Trong quy chế năm 1985 về tiêu chuẩn cán bộ cấp Vụ và Đại sứ, yêu cầu về sức khỏe ghi: “Có sức khỏe để làm việc ngày đêm dài ngày trong các cuộc hội nghị quốc tế, trong các cuộc đàm phán quốc tế hoặc trong các cuộc đi thăm của đoàn cấp cao”; yêu cầu về bảo vệ chính trị ghi: “Thường xuyên tìm hiểu âm mưu địch đối với ta và đấu tranh chống lại các âm mưu đó”.

Như vậy, trong hoạt động ngoại giao, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn luôn kiên định vấn đề đấu tranh giai cấp trên phạm vi thế giới, cảnh giác phát hiện âm mưu của địch và tìm phương thức cũng như biện pháp đấu tranh hiệu quả để chống lại các âm mưu đó.

"Do thường xuyên rèn luyện để duy trì thể lực nên ông có thể đàm phán trong nhiều giờ, thâu đêm, ở mọi nơi, với cả đối tác lẫn đối phương".

Do thường xuyên rèn luyện để duy trì thể lực nên ông có thể đàm phán trong nhiều giờ, thâu đêm, ở mọi nơi, với cả đối tác lẫn đối phương.

Và, trong hoạt động thực tế này, nhiều cán bộ cấp dưới của ông có sức khỏe chỉ ở mức trên dưới trung bình nên sau vài ngày làm việc liên tục họ đều tỏ ra mệt mỏi – tôi chỉ là một trong số đó, tuy tuổi chưa cao nhưng sức đã yếu, mới làm phiên dịch được 2 ngày đã đuối sức!

Tầm nhìn về “ngoại ngữ phổ thông”

Rời phòng tiệc ra ngoài sảnh, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói với tôi: “Tiếng Ba Lan khá, nhưng phải biết tiếng Anh”. Tôi hiểu ông động viên tôi sau 2 ngày làm phiên dịch và cũng giao nhiệm vụ cho tôi trong những ngày sắp tới.

Tủ sách với trên 2.000 cuốn sách quý của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch hiện được lưu giữ tại Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao).

Ông luôn yêu cầu những người làm ngoại giao phải học “ngoại ngữ phổ thông”. Những năm đó, nhiều người được tuyển vào Bộ Ngoại giao sau khi tốt nghiệp đại học ở các nước xã hội chủ nghĩa thường chỉ sử dụng ngôn ngữ của các nước đó - gọi là “ngoại ngữ địa phương”.

Theo chỉ đạo của ông, mọi người phải cố gắng bước sang khu vực “phổ thông” trong khi vẫn duy trì lợi thế ở khu vực “địa phương”.

Những ý kiến và lời dặn của ông trong 2 ngày làm việc với đoàn Ba Lan năm ấy đã giúp tôi sau này vượt qua một thử thách không dễ dàng.

Nhờ đã đi một bước nhỏ sang khu vực “phổ thông” nên sau này, tôi được lãnh đạo Học viện Quan hệ Quốc tế nhận vào làm việc ở Ban Nghiên cứu Mỹ. Từ việc chỉ nghiên cứu chủ nghĩa xã hội phát triển toàn diện, tôi phải chuyển sang nghiên cứu chủ nghĩa tư bản.

Sau một thời gian thử thách qua việc đọc sách, dịch tài liệu và nghiên cứu, tôi được giới thiệu tham gia khóa học đầu tiên về Quan hệ Quốc tế do các giáo sư Mỹ giảng với các ví dụ nghiên cứu tình huống (case study) hấp dẫn, mở rộng tầm nhìn theo phương pháp rất mới và rất lạ đối với Việt Nam là “tự do học, tự do dạy”. Khóa học do Quỹ Ford (Mỹ) tài trợ.

Rồi cũng nhờ đặt chân vào khu vực “phổ thông” mà sau này tôi không bỡ ngỡ khi được cử sang Cộng hòa Liên bang Đức làm trưởng cơ quan đại diện ở Bonn.

Nhiều người vẫn nghĩ và cho rằng người Đức “rất dân tộc” nên chỉ nói tiếng Đức, không ưa nói tiếng nước ngoài. Thực tế không phải như vậy.

Trong 4 năm, tôi đã đến rất nhiều địa phương ở miền Tây nước Đức, đã tiếp xúc và làm việc với rất nhiều người Đức. Những người Đức đó, nhất là các công chức nhà nước, dù trẻ tuổi hay lớn tuổi, đều sẵn sàng sử dụng tiếng Anh. Nếu nhận thấy sự đồng cảm trong đối thoại thì họ còn vui vẻ… không nói tiếng Đức!

Đến nay, đôi khi tôi vẫn tự hỏi phải chăng ông Nguyễn Cơ Thạch nhìn thấy trước những việc này.

Cách ngày nay hơn nửa thế kỷ, khi tiếng Trung và tiếng Nga còn là tiêu chuẩn học ngoại ngữ ở nước ta, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thấy “tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông của thế giới”.

Cách ngày nay hơn nửa thế kỷ, khi tiếng Trung và tiếng Nga còn là tiêu chuẩn học ngoại ngữ ở nước ta, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thấy “tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông của thế giới”.

Ông tự học tiếng Anh. Ông cũng có kế hoạch vừa tạo điều kiện vừa khuyến khích vừa đòi hỏi nhân viên ngoại giao học tiếng Anh.

Ông phân loại trình độ sử dụng tiếng Anh thành các mức A-B-C-D, theo đó người mới học những kiến thức ban đầu và có kỹ năng cơ bản được xếp vào trình độ A. Tôi đã bước chân vào cấp độ A như vậy.

Cán bộ ngoại giao 3 trong 1

Rất ít người biết có những khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng tự lái xe ô tô dù tuổi đã cao.

Cơ quan đại diện ở nước ngoài không thể có nhiều người như ở trong nước nên việc kiêm nhiệm là quy định bắt buộc.

Tuy nhiên, cảnh vẫn thấy ngày xưa ở các Đại sứ quán Việt Nam là mỗi khi cán bộ ngoại giao cần đi xử lý công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình thì thường phải có 2 người đi theo: 1 phiên dịch, 1 lái xe.

Do đó, bên cạnh yêu cầu học ngoại ngữ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng khuyến khích cán bộ ngoại giao học lái xe. Lái xe thì không thể tự học mà phải học bài bản theo những quy định nghiêm ngặt của nghề này và cần có kinh phí trả cho cơ sở đào tạo.

Đầu những năm 1980, nước ta còn rất nghèo và khó khăn mọi bề nhưng nhiều cán bộ của Bộ Ngoại giao đã được cấp tiền để học lái xe.

“Không hiểu bằng cách nào mà ông Thạch có được sự uyên bác như vậy. Rõ ràng ông đã đọc rất nhiều. Ông đã nêu đọc sách là một sở thích”. (The Economist)

Nếu học ở nước ngoài thì học phí cao hơn nhiều và còn phải trả bằng ngoại tệ. Đổi lại, chúng ta đào tạo được lớp cán bộ vừa có nghiệp vụ ngoại giao vừa biết sử dụng ngoại ngữ vừa biết lái xe – như vậy vẫn “có lãi”.

Nhờ chế độ khuyến khích này mà tôi có giấy phép lái xe từ những năm đó, lại là giấy phép lái xe được trả bằng ngoại tệ.

Hiện nay có rất nhiều người “3 trong 1” như thế, nhưng 40 năm trước phải có tư tưởng đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt như ông Thạch đã làm thì mới thành công.

Về kết quả “tự học” của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, tuần báo The Economist số ra ngày 25/4/1998 vừa ngạc nhiên vừa thán phục, viết: “Không hiểu bằng cách nào mà ông Thạch có được sự uyên bác như vậy. Rõ ràng ông đã đọc rất nhiều. Ông đã nêu đọc sách là một sở thích”.

Tuổi đời trôi theo năm tháng, các bạn đồng ngũ được tuyển vào Bộ Ngoại giao từ khi chiến tranh chưa kết thúc nay đã thành lớp người “cổ lai hy - xưa nay hiếm”. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang truyền lại cho thế hệ sau những bài tự học ngày xưa để con cháu noi theo tấm gương của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Những bài học ấy mãi mãi bổ ích và luôn luôn thời sự!