📞

Hậu bầu cử Mỹ 2020: 3 'hòn đá tảng' trong quan hệ Mỹ-Nhật

Hoài Sa 17:52 | 04/12/2020
TGVN. Với Nhật Bản, viêc ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ đắc cử dường như sẽ không mang lại nhiều bất ngờ cho quan hệ Mỹ-Nhật vốn đang tồn tại 3 thách thức lớn mang tính then chốt.
Với Nhật Bản, viêc ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ đắc cử dường như sẽ không mang lại nhiều bất ngờ cho quan hệ Mỹ-Nhật vốn đang tồn tại 3 thách thức mang tính then chốt. (Nguồn: Japan Today)

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 thu hút sự quan tâm của các nước trên thế giới, bao gồm cả Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, đồng minh quan trọng của Mỹ, việc ai trở thành tổng thống Mỹ không chỉ rất quan trọng đối với xu thế phát triển của liên minh Mỹ-Nhật trong tương lai, mà còn có ảnh hưởng quan trọng đối với chiến lược ngoại giao, chính sách kinh tế và các lựa chọn trong cơ cấu ngành nghề của nước này ở châu Á.

Sau khi nhiều phương tiện truyền thông Mỹ tuyên bố ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên gửi lời chúc mừng ông Biden trên Twitter.

Với Nhật Bản, viêc ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dường như sẽ không mang lại nhiều bất ngờ cho quan hệ Mỹ-Nhật vốn đang tồn tại 3 thách thức mang tính then chốt.

Căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa

Căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Á được triển khai tại tỉnh Okinawa (Nhật Bản). Trong nhiều năm trở lại đây, các vấn đề như tiếng ồn do các hoạt động huấn luyện của quân đội Mỹ, nguy cơ mất an toàn do máy bay chiến đấu Nighthawk bị rơi…đã khiến người dân Okinawa không hài lòng.

Người dân địa phương đã liên tục yêu cầu Chính phủ Nhật Bản chuyển căn cứ quân sự của Mỹ ra khỏi Okinawa, nhưng vấn đề này lại gặp nhiều khúc mắc và đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Không dừng lại ở đó, năm 2019, trong Thỏa thuận đặc biệt liên quan đến chi phí của căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản trong thời kỳ mới được cập nhật vào năm 2021, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump lại đề xuất tăng chi phí mà Nhật Bản phải trả, hay còn gọi là “ngân sách bảo đảm an ninh”, lên 8 tỷ USD/năm. Điều này đã gây thêm trở ngại cho Chính phủ Nhật Bản trong vấn đề di dời căn cứ ở Okinawa.

Trong thời gian tranh cử, ông Biden từng khẳng định phải coi trọng việc duy trì quan hệ với các đồng minh, tín hiệu này đã mang đến cho Chính phủ Nhật Bản tia hy vọng để xoa dịu vấn đề căn cứ quân sự ở Okinawa.

Tuy nhiên, điều đáng nói là việc tăng “ngân sách bảo đảm an ninh” vốn không chỉ bắt đầu từ Tổng thống Trump. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Biden, khi ấy là Phó Tổng thống, từng trực tiếp tham gia quyết sách liên quan đến việc tăng “ngân sách bảo đảm an ninh”.

Cuối cùng, Mỹ đã yêu cầu Nhật Bản tăng thêm 13,3 tỷ Yên (khoảng 128 triệu USD) “ngân sách bảo đảm an ninh” trong cuộc đàm phán về Thỏa thuận đặc biệt giai đoạn 2016-2020.

Qua đó, có thể thấy xuất phát từ sự coi trọng đối với các đồng minh, sau khi lên cầm quyền ông Biden sẽ không thể hiện thái độ cực đoan giống như ông Trump, nhưng cũng sẽ không có sự thay đổi mang tính thực chất trong việc tăng “ngân sách bảo đảm an ninh”.

Trên thực tế, Chính phủ Nhật Bản cũng có mâu thuẫn về việc nhìn nhận như thế nào vấn đề chia sẻ chi phí cho các căn cứ quân sự của Mỹ.

Một mặt, việc Mỹ muốn tăng “ngân sách bảo đảm an ninh” không những gây sức ép tài chính rất lớn đối với Nhật Bản, mà còn khiến phong trào phản đối căn cứ quân sự của người dân gia tăng, nên chắc chắn Chính phủ Nhật Bản sẽ kiên quyết phản đối.

Mặt khác, đối với Chính phủ Nhật Bản, chiến lược khu vực quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật Bản là sức mạnh cứng quan trọng để Nhật Bản hiện thực hóa khái niệm này.

Nếu hai bên có bất đồng do vấn đề chi phí, thì có thể nói là "lợi bất cập hại". Do đó, liệu Nhật Bản và Mỹ có thể đạt được thỏa hiệp về chia sẻ chi phí của căn cứ quân sự ở Okinawa sau khi ông Biden lên nắm quyền hay không là một trong những mối quan tâm chính của Chính phủ Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên gửi lời chúc mừng ông Biden trên Twitter.(Nguồn: Reuters)

Cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung-Nhật

Chính sách “cây gậy thuế quan” của Mỹ sẽ tác động liên tục đến các ngành nghề của Nhật Bản. Cùng với sự phát triển của thời đại toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới ngày càng được thắt chặt hơn. Bởi lẽ đó, kể từ khi Trung Quốc và Mỹ xảy ra xung đột thương mại đến nay, Nhật Bản với tư cách là đồng minh của Mỹ cũng không thể đứng ngoài.

Việc Mỹ áp thuế đối với các hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã gián tiếp gây thiệt hại kinh tế cho các công ty của Nhật Bản tại Trung Quốc. Cuộc khảo sát do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện cho rằng, xung đột thương mại Mỹ-Trung đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc trên 4 phương diện.

Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và đầu tư nước ngoài giảm do xung đột thương mại Mỹ-Trung đã khiến số lượng đơn đặt hàng của các công ty Nhật Bản giảm mạnh.

Hai là, việc một số công ty Trung Quốc chuyển giao thương mại sang các nước thứ ba để giảm bớt áp lực hàng tồn kho đã làm tăng áp lực cạnh tranh của các công ty Nhật Bản.

Ba là, xung đột thương mại Mỹ-Trung khiến các doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc khó có thể kịp thời mua các bộ phận và linh kiện của Mỹ, tiếp đó trực tiếp ảnh hưởng đến chu trình gia công sản xuất của những doanh nghiệp này.

Bốn là, để tránh ảnh hưởng tiêu cực của xung đột thương mại Mỹ-Trung, một số công ty Nhật Bản đang chuyển dây chuyền sản xuất của một số sản phẩm sang nước thứ ba. Quá trình này sẽ đối diện với những khó khăn ở nước thứ ba như thiếu nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh chưa được tối ưu hóa.

Tất cả những ảnh hưởng trên cho thấy trên thực tế, "cây gậy thuế quan" mà Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc cũng có tác động nhất định đối với các ngành nghề của đồng minh Nhật Bản ở nước ngoài.

Sau khi ông Biden lên cầm quyền, liệu xung đột thương mại Mỹ-Trung có được xoa dịu hay không trở thành yếu tố cân nhắc quan trọng để Nhật Bản bố trí ngành nghề ở nước ngoài trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Nhật lâu nay cũng là một vấn đề nan giải mà Chính phủ Nhật Bản buộc phải đối mặt. Tháng 2/2019, ông Trump cho rằng xuất khẩu ô tô và phụ tùng của Nhật Bản sang Mỹ có thể đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, ông Trump hy vọng sẽ giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại ô tô thông qua việc áp thuế lên tới 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô của Nhật Bản.

Theo tính toán của các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản, một khi Mỹ quyết định áp thuế đối với ô tô, ngành sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ mất đi 30% lợi nhuận. Vì vậy, Nhật Bản buộc phải giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với thịt bò, thịt lợn, lúa mì và pho mát của Mỹ để đổi lấy cam kết của ông Trump tạm thời rút lại quyết định tăng thuế đối với ô tô của nước này.

Liệu Chính quyền ông Biden có thể dành cho doanh nghiệp Nhật Bản chính sách ưu đãi thuế quan lớn hơn, nới lỏng các hạn chế nhập khẩu vào Mỹ hay không, sẽ là câu hỏi mà Tokyo đang đặt ra với chính quyền Washington mới.

Có hay không việc quay lại các hiệp định quốc tế chung?

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã bắt đầu rút Mỹ khỏi một loạt tổ chức và hiệp ước quốc tế, trong đó có việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hợp tác đa phương quốc tế, đặc biệt đối với Nhật Bản, nước đồng minh của Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden từng nêu rõ rằng sẽ không cân nhắc bất kỳ cuộc đàm phán thương mại mới nào trước khi thực hiện các khoản đầu tư liên quan đến việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ. Do đó, về cơ bản không có hy vọng đối với việc ông Biden đưa Mỹ quay trở lại TPP.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn mong đợi việc Mỹ có thể quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Là một quốc đảo thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, Chính phủ Nhật Bản đã và đang tích cực thúc đẩy và đi đầu trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu từ Nghị định thư Kyoto đến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, với tư cách là một đồng minh quan trọng, một loạt hành động rút khỏi các tổ chức và hiệp ước quốc tế của Tổng thống Trump đã khiến Nhật Bản trở nên bị động.

Trong bối cảnh này, Tổng thống Mỹ đắc cử Biden có thể sẽ mang lại một vài tia hy vọng cho Nhật Bản vì ông Biden rất coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu. Trong thời gian tranh cử, ông Biden từng đề xuất rõ ràng rằng phải đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính về 0 trước năm 2050, đồng thời bày tỏ ý định sớm đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Động thái này của ông Biden có thể nói là một liều thuốc bổ trợ cho Nhật Bản.

Trong bài phát biểu về chính sách cầm quyền gần đây, Thủ tướng Nhật Suga cũng đưa ra mục tiêu chính sách đến năm 2050 đạt được mức độ trung hòa carbon ở Nhật Bản. Đây là mục tiêu dài hạn rõ ràng duy nhất của nhà lãnh đạo Nhật Bản trong bài phát biểu về chính sách cầm quyền.

Bởi lẽ đó, nếu Mỹ có thể thuận lợi quay trở lại Hiệp định Paris thì Nhật Bản và Mỹ sẽ một lần nữa trở lại mặt trận thống nhất trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris cũng không phải là chuyện dễ dàng. Theo nguyên tắc, Mỹ cần giành được hơn 2/3 số phiếu thuận của Thượng viện Mỹ để quay trở lại hiệp định này. Khi ký Hiệp định Paris năm 2015, ông Obama đã sử dụng sắc lệnh của tổng thống để đưa Mỹ tham gia hiệp định này, từ đó tránh được khâu phê chuẩn ở Thượng nghị viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số.

Đối với ông Biden, sau 3 năm rút lui khỏi Hiệp định Paris, Mỹ một mặt khó có thể gia nhập trở lại với vị thế và điều kiện tương tự, mặt khác nước này cũng khó có thể thuyết phục các bên liên quan đến lợi ích như doanh nghiệp hóa dầu truyền thống của Mỹ dễ dàng chấp nhận những tổn thất có thể mang đến.

Vì vậy, dù phía Nhật Bản hy vọng ông Biden có thể củng cố hơn nữa quan hệ đồng minh, thúc đẩy quan hệ hợp tác thiết thực giữa hai nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song với tình hình hiện tại, quan hệ Mỹ-Nhật khó có thể thay đổi đột phá.

(theo The Paper)