TIN LIÊN QUAN | |
Tiết lộ văn bản Tổng thống Mỹ trao tay cho nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Hà Nội | |
Bộ Ngoại giao Mỹ: ASEAN và Mỹ đạt được đồng thuận trong vấn đề Triều Tiên và Biển Đông |
Khá lâu sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội khép lại, Lãnh đạo Cục Bưu điện Trung ương mới nhận lời chia sẻ về vai trò của đơn vị trong sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam vào đầu năm nay. Tiếp TG&VN tại trụ sở Cục – nằm trên con phố nhỏ ở quận Cầu Giấy, Bà Nguyễn Thị Mai Dung - Phó Cục trưởng đã cởi mở chia sẻ về phần nhiệm vụ mà Cục được giao trong công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kiểm tra Quầy thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội, tháng 2/2019. (Ảnh: CBĐTW) |
Đến giờ phút này, hẳn các công việc hậu Hội nghị thượng đỉnh đã được Cục giải quyết xong, thưa bà?
Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Mai Dung: Thực sự, nếu nói là xong xuôi thì chưa hẳn, bởi đằng sau lượng công việc và cơ sở vật chất khổng lồ như vậy sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề. Đôi khi, sự kiện thì kết thúc từ lâu nhưng các vấn đề sau đó vẫn phải giải quyết kéo dài lâu sau đó.
Dù là người ngoài cuộc, tôi có thể cảm nhận được nhiệm vụ này không hề đơn giản. Bà có thể chia sẻ chi tiết hơn?
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và trên hết là trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong thời gian 10 ngày, từ 15/2- 24/2/2019, Cục Bưu điện Trung ương đã điều phối hai nhà mạng Viettel và VNPT hoàn tất quá trình triển khai toàn bộ các hệ thống thông tin liên lạc phục vụ hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Trung tâm báo chí quốc tế và các khu vực liên quan. Đến ngày 25/2 thực hiện chạy thử và tinh chỉnh hệ thống, ngày 26/02/2019 chính thức đưa hệ thống vào phục vụ, đúng theo tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Các hệ thống thông tin liên lạc đã được triển khai tại Trung tâm báo chí quốc tế để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu tác nghiệp cho hơn 3.000 phóng viên trong nước và quốc tế, gồm nhiều phương thức tác nghiệp khác nhau, gồm: Hệ thống cung cấp dịch vụ kết nối Internet (có dây và không dây) tổng dung lượng 80Gbps, đáp ứng việc gửi tin bài và video tốc độ cao cho phóng viên; hệ thống tổng đài điện thoại cố định; cung cấp kênh vệ tinh cho tác nghiệp truyền hình quốc tế; hệ thống đường truyền cáp quang cho VTV truyền tín hiệu truyền hình trực tiếp từ điểm tổ chức hội nghị và điểm tổ chức họp báo về Trung tâm báo chí; tăng cường chất lượng sóng di động 3G/4G tại khu vực Trung tâm báo chí.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cùng Lãnh đạo Cục Bưu điện Trung ương và Vụ Hợp tác quốc tế kiểm tra Trung tâm Báo chí Quốc tế phục vụ Hội nghị Mỹ - Triều. (Ảnh: M. Chung) |
Một Trung tâm báo chí quốc tế (IMC) hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của hơn 3.000 phóng viên tác nghiệp đồng thời là thách thức như thế nào đối với đơn vị được giao chủ trì điều phối các doanh nghiệp viễn thông cung cấp hạ tầng thông tin truyền thông?
Một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình triển khai các hệ thống thông tin liên lạc phục vụ hội nghị tại IMC là thời gian quá gấp trong khi khối lượng công việc rất lớn, liên tục có sự phát sinh, thay đổi của Ban Tổ chức, một số khu vực phải chờ bàn giao mặt bằng, do đó Cục Bưu điện Trung ương cũng như hai nhà mạng luôn ở trong tình trạng chạy đua với thời gian, làm việc gần như 24/24 giờ, không để sai sót dù nhỏ nhất xảy ra, gấp rút triển khai trước các hạng mục khả thi, đồng thời chuẩn bị đầy đủ thiết bị, vật tư sẵn sàng triển khai ngay khi được bàn giao mặt bằng.
Trong quá trình triển khai, theo bà, thách thức lớn nhất đối với Cục là gì?
Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai đó là phải đảm bảo toàn bộ các hệ thống thông tin liên lạc được triển khai một cách nhịp nhàng, đồng bộ, đảm bảo đúng theo thiết kế kỹ thuật, đảm bảo an toàn an ninh mạng và tiến độ đặt ra trong khi các yêu cầu của Ban tổ chức liên tục có sự thay đổi do cả chủ quan và khách quan phía nước bạn yêu cầu. Mặc dù kết quả kiểm tra chạy thử các hệ thống đều cho kết quả tốt, đạt ngưỡng các thông số yêu cầu, tuy nhiên đây là kết quả chạy thử với số lượng người sử dụng ít (không tải) trong khi các hệ thống khi chính thức hoạt động cần đáp ứng yêu cầu cho trên 3000 người sử dụng đồng thời, đây là khó khăn lớn nhất mà Cục Bưu điện Trung ương cũng như các nhà mạng đã phải chuẩn bị, vận hành thuần thục các kịch bản dự phòng cho mọi tình huống, tăng cường chất lượng dịch vụ khi các hệ thống chính thức được đưa vào phục vụ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải (bìa phải) cùng Phó Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương Nguyễn Thị Mai Dung (thứ hai, từ phải) kiểm tra Trung tâm Báo chí Quốc tế phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. (Ảnh: CBĐTW) |
Thành công của Việt Nam với vai trò là Chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều có sự đóng góp không nhỏ của việc truyền tải thông tin và truyền thông. Theo bà, chúng ta đã có thể tự hào về năng lực về thông tin và truyền thông của Việt Nam chưa?
Quá trình triển khai công tác thông tin và truyền thông cho Hội nghị được Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông hết sức quan tâm, trực tiếp các đồng chí Lãnh đạo Bộ thường xuyên đến trực tiếp chỉ đạo sát sao để đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường đảm bảo dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn Hà Nội, đảm bảo an toàn thông tin mạng, quản lý kiểm soát đảm bảo tần số các thiết bị thông tin, phối hợp với Bộ Ngoại giao cấp phát thẻ, hướng dẫn phóng viên tác nghiệp, tích cực triển khai công tác thông tin truyền thông về sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh.
Với việc tổ chức tốt Hội nghị lần này, công tác thông tin truyền thông cũng đóng góp một phần trong việc nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Việt Nam hoàn toàn tự tin và tự hào là quốc gia có thể tổ chức thành công các sự kiện quan trọng nhất của khu vực và quốc tế, trong đó hạ tầng viễn thông hiện đại, đa dạng, không thua kém bất kỳ quốc gia phát triển nào trên thế giới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin liên lạc cho các đại biểu và phóng viên quốc tế tham dự hội nghị.
Bà có thể chia sẻ một kỷ niệm hay một điều gì khiến bà ấn tượng nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phục vụ hạ tầng thông tin cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều?
Ấn tượng nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phục vụ hạ tầng thông tin cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đó là sự thay đổi nhanh chóng, đầy bất ngờ, chỉ trong vài ngày từ một trung tâm chỉ chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa thông thường, hạ tầng thông tin liên lạc còn rất hạn chế đã chuyển thành một Trung tâm báo chí quốc tế hiện đại, chuyên nghiệp với đầy đủ các hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến nhất mà ngay cả những người trực tiếp tham gia triển khai như chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên và đầy tự hào.
Xin cảm ơn bà!
Minh Trí
(thực hiện)
Tiết lộ về những ngày ở Hà Nội của ông Kim Jong-un Nếu như Triều Tiên được coi là một “quốc gia bí ẩn” đối với một phần của thế giới thì nhà lãnh đạo Kim Jong-un ... |
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội: Câu chuyện chưa kể của lễ tân Ngoại giao Với các cán bộ và nhân viên Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao), việc thu xếp hậu cần cho một sự kiện tầm ... |