Nhà sử học Philippe Devillers (1920-2016). |
Sau 7 năm chiến tranh, trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế tại Geneva, nước Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã tiến hành tìm giải pháp để kết thúc cuộc xung đột. Tháng 6/1954, hai nước đã đi đến thừa nhận rằng giải pháp tốt nhất, vào thời điểm đó, là tạm thời chia cắt Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Pierre Mendès-France đã đề cập đến cơ sở của việc đàm phán này với phái đoàn VNDCCH. Điều quan trọng lúc đó là xem việc phân chia miền Bắc và miền Nam ở vĩ tuyến nào sau khi ngừng bắn. Trong một tháng, vĩ tuyến 17 được thỏa thuận làm gianh giới giữa các lực lượng chiến đấu. Vĩ tuyến này không phải là đường biên giới mà chỉ là một đường giới tuyến quân sự tạm thời. Còn những vấn đề khác, không có bất đồng nghiêm trọng nào.
Qua hiệp định này, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Việt Nam được công nhận trên bình diện quốc tế. Theo dự kiến, sự công nhận này được thiết lập qua hai giai đoạn: ngay trong năm 1955, miền Bắc và miền Nam sẽ đàm phán về một thể thức phù hợp và đến tháng 7/1956, một chính phủ duy nhất sẽ được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử dân chủ để tuyên bố sự thống nhất. Quân Pháp sẽ rút dần ra khỏi Việt Nam.
Nước Mỹ không thích cái cách nước Pháp thừa nhận thất bại trong khi Đông Dương là một khu vực chính yếu để bảo vệ Đông Nam Á khỏi chủ nghĩa cộng sản. Ngay lập tức, họ thay thế người Pháp để "bảo vệ" miền Nam Việt Nam. Ở Sài Gòn, một người theo chủ nghĩa quốc gia cánh hữu và chống cộng là Ngô Đình Diệm đã lên nắm quyền và nhanh chóng nhận được sự trợ giúp của Washington. Với ông Diệm, nước Mỹ chắc chắn là Sài Gòn sẽ kiên quyết chống lại Hà Nội để tránh nguy cơ thất bại trong bầu cử mà phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về Việt Minh.
Ngay từ năm 1954, ông Diệm từ chối mọi tiếp xúc với Hà Nội cũng như mọi bình thường hóa quan hệ cá nhân và kinh tế giữa hai miền. Vi phạm hiệp định quốc tế ký tại Geneva, ông còn từ chối sự phối hợp giữa hai miền dự kiến năm 1955 để tổ chức bầu cử năm 1956. Ông lao vào trấn áp mọi thành phần đối lập, đầu tiên là các giáo phái, sau đó đến Việt Minh. Sự trấn áp tàn bạo đến mức dẫn đến cuộc nổi dậy thật sự vào năm 1958. Cuộc nổi dậy có quy mô lớn đến độ đã kiểm soát được một nửa đồng bằng Cửu Long vào năm 1959.
Ngay trong năm đó, Hà Nội đã quyết định giúp đỡ những người nổi dậy bằng cả nhân lực và vũ khí: để làm điều đó, họ bắt đầu xây dựng một "Đường mòn Hồ Chí Minh" qua dãy Trường Sơn. Ông Diệm đổ lỗi những thất bại của mình là do sự xâm nhập của miền Bắc và đề nghị Washington giúp đỡ. Tổng thống Kennedy đã cử những cố vấn quân sự đến nhằm tiến hành "cuộc chiến tranh đặc biệt". Để chống lại, tháng 10/1960, lực lượng nổi dậy đã thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) với mục đích lật đổ chế độ Mỹ-Diệm và lập nên một chế độ dân chủ, trung lập.
Trước sự bất lực của ông Diệm trong việc khống chế cuộc nổi dậy và cho rằng ông này không có khả năng tiến hành chiến tranh thành công, Washington đã bỏ rơi ông ta. Ngày 1/11/1963, ông Diệm bị ám sát và những viên tướng của ông lên nắm quyền. Nhưng ngày 22/11 cùng năm đó, đến lượt Kennedy bị ám sát.
Lyndon Johnson lên thay đã ngay lập tức đưa ra các biện pháp để ngăn Cộng sản xâm chiếm miền Nam Việt Nam - vốn được coi là tiền đồn của phương Tây ở Đông Nam Á. Những va chạm tàu xảy ra đầu tháng 8/1964 ở Vịnh Bắc Bộ đã tạo cớ cho Johnson được toàn quyền đáp trả bằng các phương tiện thích hợp trước mọi bước tiến của MTDTGP.
Bị MTDTGP tấn công mạnh trong tháng 1/1965, Johnson lên án "cuộc tấn công của Cộng sản" chống lại miền Nam Việt Nam. Để ngăn sự xâm nhập của miền Bắc, trong tháng Giêng, ông mở màn cuộc tấn công trên không với quy mô lớn vào khu vực vĩ tuyến 17. Ngày 8/3, đơn vị đầu tiên của đội quân viễn chinh Mỹ cập cảng Đà Nẵng. Đồng thời, Johnson đề nghị hỗ trợ kinh tế cho Hà Nội nếu như ngừng thâm nhập. Hà Nội không muốn - hay không thể - ngừng hỗ trợ Mặt trận, trả lời rằng không có gì để đàm phán trước khi ngừng vô điều kiện việc ném bom xuống VNDCCH và nhấn mạnh rằng hòa bình chỉ có thể đạt được ở miền Nam trên cơ sở chương trình của Mặt trân.
Bắt đầu từ đây là cuộc đối thoại dài giữa những người không hiểu nhau. Johnson, tự tin, lại tiếp tục đưa quân vào miền Nam Việt Nam và gia tăng các chiến dịch quân sự. Còn VNDCCH tổ chức cho dân chúng chống lại các cuộc ném bom. Về phía Sài Gòn, tướng Thiệu và Kỳ lên nắm quyền, huy động ngay một đội quân hàng triệu lính để tiến hành chiến dịch ở đồng bằng Cửu Long. Được máy bay hỗ trợ, lính Mỹ chiến đấu ở dãy Trường Sơn. Nhưng dần dần, họ bị cầm chân, thậm chí bị sa lầy và phá sạch tất cả. Phong trào phản chiến lan rộng ở Mỹ, nhưng với những vũ khí mới, bộ chỉ huy quân đội Mỹ tiếp tục tin vào chiến thắng. Năm 1966 và 1967 qua đi mà không có sự kiện nào nổi bật, Washington tiếp tục thăm dò và tìm tòi. Cuối năm 1967, Hà Nội nhấn mạnh rằng việc ngừng ném bom vô điều kiện có thể tạo điều kiện cho một cuộc đám phán.
Tướng Westmoreland, tư lệnh quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam yêu cầu tăng viện 200.000 quân. Tháng 1/1968, Clifford, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới nhậm chức, đã từ chối yêu cầu này. Ông cho rằng dù thế nào thì cũng không thể giành thắng lợi bằng chiến tranh và nên bắt đầu thương lượng. Để đạt được điều này thì phải hạn chế ném bom miền Bắc.
Vào thời điểm đó, MTDTGP chứng minh sức mạnh của mình. Trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân, họ tiến vào trung tâm Sài Gòn, Huế và hàng chục thành phố khác, nhưng sau đó đã phải rút ra. Đòn tấn công này đã tạo tiếng vang trên thế giới. Dưới tác động của Clifford, Johnson đã thay đổi: ngày 31/3, trong khi khẳng định không ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo, ông quyết định hạn chế ném bom miền Bắc Việt Nam. Ngày 3/4, Hồ Chí Minh chấp nhận đàm phán: sau đó vài ngày, Mỹ và Bắc Việt Nam đã đi đến thỏa thuận gặp nhau ở Paris để xem xét những điều kiện cho một giải pháp.
Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/01/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp. (Nguồn: TTXVN) |
Hội nghị Paris
Tại thời điểm 1954, thời gian một tháng là đủ cho Pierre Mendès-France đi đến một thỏa thuận… Sau 3 năm chiến tranh, chính phủ Mỹ đã phải mất đến hơn 4 năm để đạt được việc tạm chấm dứt những thù địch.
Trong khi ở Việt Nam các trận chiến gia tăng và Sài Gòn bị bắn roket, hội nghị đã được khai mạc ở Paris ngày 13/5/1968. Xuân Thủy dẫn đầu phái đoàn VNDCCH, còn A.Harriman dẫn đầu đoàn Mỹ.
Ngay khi đến Hội nghị, Xuân Thủy đã yêu cầu ngừng hoàn toàn và vô điều kiện ném bom miền Bắc. Harriman tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng đổi lại Hà Nội phải ngừng xâm nhập miền Nam và rút quân khỏi miền Nam. Hà Nội bác bỏ mọi đánh đổi: trước hết Mỹ phải ngừng xâm lược VNDCCH. Thế là bế tắc.
1968 là năm bầu cử tổng thống Mỹ. Đảng Dân chủ bị suy yếu vì cuộc chiến do Johnson tiến hành. Ứng cử viên Dân chủ là Humphrey, liệu có thể giành thắng lợi nếu chiến tranh tiếp diễn? Ngày 1/11/1968, để hỗ trợ Humphrey, Johnson ngừng hoàn toàn ném bom miền Bắc. Nhưng quyết định muộn màng này không đủ để cho phe Dân chủ chiến thắng và Richard Nixon đã trúng cử.
Việt Nam và Mỹ đã quyết định mở rộng hội nghị cho các bên ở miền Nam Việt Nam: đầu tiên là chính phủ Sài Gòn, sau đó là MTDTGP mà Sài Gòn chỉ chấp nhận như một bên của phái đoàn Hà Nội. Các bên thoát khỏi bế tắc nhờ việc chấp thuận một kiểu bàn đàm phán có hình thức phù hợp.
Tháng 1/1969, Nixon bước lên vũ đài, hội nghị được nối lại. Người Mỹ một lần nữa nhấn mạnh đến nguyên tắc hỗ tương: theo họ, đầu tiên Hà Nội phải rút quân khỏi miền Nam. MTDTGP (ông Trần Bửu Kiếm) trả lời rằng: Mỹ không tôn trọng Hiệp định Geneva, phải chấm dứt xâm lược và rút hoàn toàn ra khỏi Việt Nam. Mỹ phải đưa ra lịch cụ thể cho việc rút toàn bộ quân đội. Washington từ chối với lý do Mỹ chỉ để giúp đỡ miền Nam đang bị tấn công.
MTDTGP yêu cầu lập một chính phủ liên hiệp ở Sài Gòn. Thiệu bác bỏ thẳng thừng và vẫn giữ quan điểm này cho tới khi kết thúc hội nghị. Thiệu kiên quyết không chấp nhận chia sẻ quyền lực. Nixon ủng hộ hoàn toàn quan điểm này: nước Mỹ sẽ không bỏ rơi Thiệu. Từ đó, Sài Gòn không muốn đàm phán với MTDTGP nữa.
Trước thái độ ngoan cố đó, ngày 10/6/1969, MTDTGP thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT) và ngay lập tức được Trung Quốc, Liên Xô, các nước Xã hội chủ nghĩa và nhiều nước không liên kết công nhận. Nước Mỹ không còn cơ hội để thủ tiêu chính phủ này, vì cũng nhưng năm 1954, miền Nam sẽ phải chia làm hai lãnh thổ với hai chính quyền và hai quân đội riêng. Bế tắc kéo dài, phía Mỹ (Kissinger) và phía miền Bắc (Xuân Thủy) quyết định bắt đầu đàm phán bí mật từ đầu tháng 8/1969. Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần - ngày 2/9. Sự ra đi của ông không làm thay đổi những thách thức của cuộc đấu tranh. Ngày 3/9, Xuân Thủy nhấn mạnh: nước Mỹ phải chấp nhận nguyên tắc rút toàn bộ quân ra khỏi Việt Nam và ấn định lịch cho việc rút quân. Nixon tiếp tục bác bỏ: thực tế, ông muốn có thời gian cần thiết để "bảo đảm cho sự tự do của miền Nam Việt Nam" và tạo điều kiện cho Thiệu chiến thắng CPCMLT với "Việt Nam hóa" chiến tranh. Nixon rút quân dần dần.
Tháng 3/1970, cuộc lật đổ hoàng thân Shanouk ở Campuchia bất ngờ mở rộng cuộc chiến. Người Mỹ với sự hỗ trợ của Thiệu có ý đồ "trung lập hóa" thánh địa Campuchia của CPCMLT. Họ từ chối các đề xuất của CPCMLT về việc bảo đảm an ninh trong quá trình người Mỹ rút quân. Mặt khác, vì Sài Gòn tạm ngừng tham gia hội nghị Paris, tướng Giáp nối lại tấn công quân sự ở miền Nam vào tháng 3/1972, lần này bằng việc sử dụng quân đội nhân dân. Ông nhắm trước tiên đến Quảng Trị, vị trí có tính "then chốt" của quân Mỹ gần vĩ tuyến 17. Đáp lại, Nixon cho ném bom, phong tỏa và rải thủy lôi Hải Phòng, nhưng đồng thời cũng đề nghị ngừng bắn tại chỗ và như vậy là không yêu cầu Hà Nội rút quân khỏi miền Nam nữa.
Đàm phán tiếp tục ở Paris. Tháng 10/1972, Kissinger và Lê Đức Thọ đạt được một dự thảo hiệp định. Nhưng Thiệu đã phản đối ngay lập tức khi cho rằng dự thảo này cho CPCMLT quá nhiều quyền lực. Để Thiệu nhượng bộ và cho Thiệu phương tiện để có thể tự kháng cự được CPCMLT, Nixon một mặt giao thêm cho Thiệu nhiều vũ khí và mặt khác cho ném bom Hà Nội và Hải Phòng trên diện rộng bằng B52 của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, Hà Nội không nhân nhượng và Nixon buộc phải chấp nhận nghị định thư tháng 10 và không còn lối thoát nào khác ngoài việc ngừng chiến tranh.
Hiệp định được ký ngày 27/1/1973. Hai bên miền Nam Việt Nam đã ký và năm cường quốc sẽ bảo đảm hiệu lực cho hiệp định. Hiệp định quy định ngừng bắn tại chỗ: có nghĩa các lực lượng của Hà Nội vẫn ở lại miền Nam. Những đội quân cuối cùng của Mỹ rút khỏi Việt Nam trong 60 ngày. Mọi việc kết thúc ngày 29/3. Nước Mỹ cam kết không can thiệp vào Việt Nam.
Câu chuyện bây giờ được nhường lại cho chính phủ Sài Gòn và CPCMLT. Họ phải tìm kiếm sự hòa giải và ký kết một thỏa thuận nhằm thiết lập hòa bình ở miền Nam. Một nhiệm vụ trước mắt nặng nề.
Quan điểm của tôi:
Cuộc chiến phi nghĩa này, khởi nguồn từ những lời khẳng định dối trá hoặc có ý đồ, đã được tiến hành với sự tàn bạo đến cùng cực, với các phương tiện không quân và lục quân tân tiến nhất. Nước Mỹ, đã gây nên cái chết của hàng triệu người Việt Nam, về phần họ cũng đã mất 58.000 lính. Hơn 2 triệu tấn bom đã gây cho Việt Nam, ở cả miền Nam và miền Bắc, những thiệt hại không thể tả, phá hủy vô số các ngôi làng, thành phố, cánh rừng, phần lớn cơ sở hạ tầng và công nghiệp của VNDCCH. Sự chiếm đóng của Mỹ đã làm đảo lộn xã hội Việt Nam khi mang đến các thành phố một nền văn hóa lai căng gây nên nạn mại dâm, suy đồi…
Vào thế kỷ 15, Lê Lợi đã mất 10 năm để buộc nhà Minh rời khỏi đất nước. Đảng của Hồ Chí Minh mất 12 năm để buộc người Mỹ rời khỏi Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có thể tự hào đã đạt được kết quả đó nhờ vào công cuộc kháng chiến đáng ngưỡng mộ của mình.
Nhà sử học Philippe Devillers (1920-2016) người Pháp, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lịch sử về Việt Nam và thế giới (trong đó có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Việt, nổi bật là "Lịch sử Việt Nam từ năm 1940 đến 1952"). Năm 2010, ông đã công bố hồi ký của mình dưới nhan đề "Hai mươi năm và hơn nữa với Việt Nam".
(*Bài viết được đăng tải trong Đặc san 40 năm Hiệp định Paris của Báo Thế giới & Việt Nam)