📞

Hiệp định Paris, sự ủng hộ của một cộng đồng mạnh

NICOLAS CORNET* 19:24 | 16/01/2023
Trong những thỏa thuận và những hiệp định quốc tế, chỉ có ngày ký và tên của những người ký là xuất hiện trước lịch sử. Để chuẩn bị cho Hiệp định Paris năm 1973 phải mất 5 năm ròng: những cuộc mặc cả và gặp nhau ở cấp cao nhất cũng như cuộc sống thường nhật các phái đoàn đều phải có kế hoạch thu xếp. Phái đoàn miền Bắc Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời đã trải qua thời kỳ đó với sự giúp đỡ của Việt kiều và nhiều người có cảm tình với sự nghiệp của Việt Nam và hòa bình. Sự tri ân dành cho những người đứng trong bóng tối của quê hương.
Nhóm văn nghệ của Kiều bào tại Pháp.

Bối cảnh một thời kỳ

Ở Pháp và đặc biệt ở Đức, 1968 là một năm bản lề. Một số người cho là cách mạng, số khác cho là bước ngoặt về việc Châu Âu "tỉnh giấc" và sự thức tỉnh này đã tác động đến một bộ phận lớn người dân; từ học sinh phổ thông đến sinh viên, từ công nhân đến trí thức, đàn ông và phụ nữ, hàng trăm nghìn công dân đã gia nhập các công đoàn, tổ chức và đảng phái. Người ta bảo vệ những con người và sự nghiệp chính nghĩa, trong bối cảnh ấy, trên trang nhất các báo cũng như trong nhiều cuộc tuần hành chính trị và văn hóa, Việt Nam luôn là đề tài số một. Trong rất nhiều cuộc tuần hành ở Paris, chân dung Hồ Chí Minh được giơ cao như một biểu tượng cho đấu tranh vì độc lập.

Việt kiều: cộng đồng hải ngoại biết cách nuôi dưỡng mối liên hệ với quê hương qua hành động của mình

Từ đầu thế kỷ XX, qua nhiều "làn sóng", người Việt Nam rời Đông Dương để đến Pháp. Công nhân, lính, sinh viên và cả nông dân đã đến Pháp sinh sống tạm thời hoặc định cư lâu dài. Gia đình của những người di cư này lên đến hàng chục nghìn vào năm 1968. Họ sống ở Paris - khu phố La-tinh - trong các cảng và các phố ở ngoại ô hay các tỉnh. Để gặp nhau, chia sẻ với nhau các giá trị về bản sắc và những khó khăn của cuộc sống lưu vong, họ lập ra các hội - được Luật 1901 ở Pháp cho phép - trong đó có Tổng hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF).

Chúng tôi đã gặp ông Bổn (Nguyễn Văn Bổn), Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), một trong những Việt kiều đầu tiên tham gia hội nhớ lại "vào thời kỳ Hiệp định Paris, chúng tôi chia nhau làm ba việc chính: một số thì giúp đỡ trực tiếp những đại diện chính trị, một số thì tham gia các hoạt động của phái đoàn các công việc như dịch thuật, điểm báo, gặp gỡ báo chí và cuối cùng là những người đảm nhiệm các công việc liên quan đến đời sống hàng ngày của các thành viên (cung cấp thực phẩm, đi chợ, nấu ăn…)".

"Hiệp định Paris là một trải nghiệm độc đáo đối với chúng tôi. Chúng tôi không biết các cuộc đàm phán kéo dài đến khi nào. Sau nửa năm, các quyết định đã được đưa ra để phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên trong hội. Ban đầu phái đoàn Việt Nam ở khách sạn Lutetia- một khách sạn nổi tiếng ở trung tâm Paris. Giải pháp về chỗ ở quá tốn kém này đã bị từ bỏ: các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp đã đề nghị để phái đoàn ở Choisy-le-Roi, trong khu ký túc của một trường Đảng được trưng dụng và được cải tạo thành khu nhà ở thuận lợi cho việc bảo đảm an ninh. Họ cũng cung cấp xe ô tô, tài xế và một số nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ an ninh. Phải đối mặt với nhiều trở ngại và khó khăn: ít phương tiện, sự tin cậy, tình trạng an toàn khi các cuộc đàm phán diễn ra giữa các bên tham chiến".

Một cuộc sống thường nhật phong phú và đồng cảm

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp Nicolas Cornet.

"Việt kiều nhanh chóng tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể phục vụ phái đoàn. Vì miền Bắc Việt Nam rất nghèo, một mạng lưới các bác sỹ, nha khoa và dược sỹ được thành lập để cung cấp các dịch vụ miễn phí cho thành viên phái đoàn. Vào thời đó, một ngày nằm viện ở Pháp tương đương với 6 tháng lương của một người miền Bắc. Tôi nhớ đến một người bạn của tôi là Annie, một bác sỹ nha khoa. Cô tranh thủ những lúc cuối tuần đề chăm sóc các thành viên của phái đoàn. Chúng tôi cũng có thợ cắt tóc, thợ may, tiểu thương và doanh nhân người Việt Nam (có người đang làm việc, có người đã nghỉ hưu), nghệ sỹ, kỹ thuật viên, nhà khoa học và nhà báo, tất cả đều sẵn sàng tham gia. Một số người đã nghỉ phép một hai tháng để giúp đỡ, số khác sẵn sàng bỏ việc đang làm để sau này tính làm việc khác. Chúng tôi cũng có một nhà in ở Meudon. Ngoài Việt Nam, Pháp có lẽ là quốc gia duy nhất có một nhà in có thể in tài liệu có các thanh dấu tiếng Việt: tất cả văn bản và tài liệu đều được dịch để ký hoặc ký nháy."

Để phục vụ các kỳ nghỉ của phái đoàn, Việt kiều dành cho họ chỗ nghỉ của gia đình, một số đã tháp tùng các lãnh đạo đi nghỉ ở Pornichet - khu tắm biển bên bờ Đại Tây dương hoặc ở dãy núi Alpes: "tôi đã tháp tùng ông Xuân Thủy đến Embrun trong dãy Alpes, nơi có khí hậu rất tốt cho những người bị hen suyễn".

Lịch sử và chính trị

Một vai trò ủng hộ khác của cộng đồng người Việt Nam mang tính chính trị hơn. "Đó là gây áp lực lên đối phương và lên dư luận Pháp. Sinh viên và trí thức được các nhà báo và công đoàn viên hỗ trợ để truyền tải lại những thông tin, tổ chức các cuộc mít-tinh, biểu tình và hội thảo bàn tròn với sự tham dự của báo chí Pháp". "Cuộc chiến đấu trên hè đường và trong các trường đại học là rất quan trọng để truyền đi các thông điệp và tăng thêm số người có cảm tình đối với sự nghiệp của dân tộc và phản đối chiến tranh Việt Nam".

"Phải nói rằng Việt Nam là chủ đề nóng của báo chí lúc đó. Tạp chí và các bản tin trên radio và tivi đều nói về cuộc xung đột. Người Pháp đã đặt nhiều câu hỏi về chiến tranh và tình hình ở Việt Nam. Các công đoàn và phong trào tiến bộ đều yêu cầu thông tin và chúng tôi làm nhiệm vụ truyền tải lại".

"Chúng tôi thật sự là "tập hợp những nhà phát ngôn không chính thức", chúng tôi được lắng nghe vì thời đó xuất hiện một hình thức mới về phát ngôn trước công chúng. Tuy có sự kiểm duyệt, nhưng chúng tôi được tự do hơn, được cởi mở hơn về chính trị. Khi nổ ra cuộc tấn công Tết Mậu Thân, chúng tôi đã tổ chức các cuộc thảo luận hàng ngày để thông tin tới dư luận Pháp. Chúng tôi được những người bạn làm chính trị, những người có cảm tình với sự nghiệp của Việt Nam giúp đỡ. Chúng tôi có mặt ở tất cả các "mặt trận" trong các tổ chức, các Ban đối ngoại của các trường đại học có mối quan hệ với các trường đại học ở các nước khác. Chúng tôi được mời tới Italia, Bulgary…".

Việt kiều: miền Bắc và miền Nam

"Nhiều sinh viên là người miền Nam. Họ cởi mở và chúng tôi phải liên kết họ vào sự nghiệp trước khi họ trở về nước. Một số cán bộ chính trị có nhiệm vụ "hồi hương" họ. Người ta cũng chuẩn bị cho những sinh viên trở về miền Nam, một hình thức thâm nhập như thành phần thứ ba…".

"Phải nói rằng người miền Nam cũng được tổ chức tốt, họ bảo vệ phe của họ, ủng hộ phái đoàn của họ, tổ chức các cuộc mít-tinh...".

Vào thời kỳ đó, thanh niên ở Pháp bị chính trị hóa mạnh: các tổ chức và công đoàn sinh viên như UNEF, UNCAL…, các hội chính trị như Phong trào vì hòa bình, Ủy ban Việt Nam, những nhóm cực tả, Mao-it và Troskit, các đảng phái chính trị như Đảng Cộng sản và Xã hội (với nhiều xu hướng ví dụ như PSU) và các đảng cánh hữu và cực hữu…

Các hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau

"Về phía chúng tôi, chúng tôi đã tổ chức nhiều trại hè để có dịp giải thích và bình luận về các sự kiện. Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ: biểu diễn múa hát tại Palais de la Mutualité ở khu la-tinh và ở các thành phố, các tỉnh, tham gia các Festival sinh viên quốc tế ở Lille, Marseille, Nanterre, Rouen… Chúng tôi không có điều kiện để mời các đoàn ca múa ở Việt Nam, nên sinh viên của chúng tôi phải hóa trang thành nghệ sỹ múa và ca sỹ, đó là trường hợp của Thérèse Nguyễn Văn Ký, vốn là sinh viên ngành y và hiện giữ chức chủ tịch UGVF; một số tiết mục được biểu diễn ở khách sạn Lutetia trong đó có tiết mục do Xuân Thủy gợi ý".

"Trong ngày lễ lao động 1/5, chúng tôi bán hoa huệ chuông, một truyền thống của Pháp đã có từ thời Trung Cổ. Vào ngày đó, người ta tặng nhau bông hoa nhỏ này với những chiếc chuông trắng nhỏ "người mang đến hạnh phúc". Tiền thu được chúng tôi chi cho các hoạt động. Chúng tôi cũng nhân ngày Lễ tượng trưng cho người lao động này để phát tờ rơi kêu gọi ủng hộ cho sự nghiệp".

Một cái nhìn cận cảnh và nhạy cảm về những nhân vật tên tuổi

"Ông Lê Đức Thọ là người kín đáo, một tính cách mạnh, người ta thấy ông có thói quen lãnh đạo. Ông cũng rất cảnh giác. Tôi nhớ bữa tiệc ở phố Petit Musc - hiện vẫn là trụ sở của Tổng hội người Việt Nam tại Pháp - quan hệ với người Mỹ rất căng thẳng, ông không muốn nói ra điều đó, ông chuyển cho chúng tôi cảm nghĩ của ông được viết trên giấy. Các câu trả lời của ông rất thú vị, ông được cộng đồng chúng tôi yêu mến và ngưỡng mộ".

"Ông Xuân Thủy lại là người có tính cách khác hẳn. Ông thích nói tiếng Pháp, là người ham hoạt động và lúc nào cũng tươi cười. Ông thường xuyên triệu tập chúng tôi hàng tuần, hàng tháng trong các cuộc hội thảo nhỏ để thông tin về tình hình trong nước".

"Ông Nguyễn Cơ Thạch cũng là người rất xuất sắc, là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trong phái đoàn miền Bắc Việt Nam, ông không tham gia các cuộc mít tinh, chỉ có ông Xuân Thủy và bà Bình đến dự".

"Bà Bình nói tiếng Pháp rất tốt, đã học trung học ở Phnompenh, bà gần như là một người chị gái của chúng tôi. Bà thường xuyên mặc áo dài. Luôn trực diện trong phát biểu, đó là một nhà tranh đấu cương trực".

Như một sự tình cờ của số phận, chính việc tham gia của Việt kiều trong giai đoạn Hiệp định Paris cũng đã cho phép họ hình thành cơ cấu và đồng thời phát triển phong trào. Trong những năm 1960, Hội Người Việt Nam tại Pháp là một hội nhỏ của những người nước ngoài ở Pháp; nhuốm màu chủ nghĩa yêu nước, chịu sự chỉ đạo của cộng sản, những sinh viên tham gia hội là những người năng động nhất và có niềm tin nhất. Ngày nay ở Paris, Tổng hội người Việt Nam ở Pháp và Hội thanh niên Việt Nam ở Pháp vẫn tồn tại, khá chính trị hóa và đôi khi có khoảng cách với nhịp độ thay đổi thực tế ở Việt Nam. Hai hội này tổ chức các cuộc gặp mặt những người xa xứ, những sự kiện văn hóa, lễ hội, các lớp dạy tiếng Việt và văn hóa và hỗ trợ học tập. Những hội khác theo đuổi những mục tiêu này cũng được thành lập, điều này chứng minh sức sống của các mối liên hệ mà mọi người đều vun đắp với quê hương. Họ dạy con em được sinh ra tại Pháp những khái niệm về bản sắc Việt Nam mà họ cũng biết không nhiều. Một chương trình rộng lớn để khám phá "quê hương" đang trong hòa bình đang được thực hiện.

*Đất nước và con người Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng, là đề tài sáng tác ưu tiên của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp Nicolas Cornet. Nhiều bức ảnh Việt Nam của anh đã được đăng trên các nhật báo, tạp chí lớn châu Âu như Le Monde, Geo, Nouvel Observateur (Pháp), L'Espresso, La Repubblica (Italia), Mare (Đức)… Anh cũng đã xuất bản nhiều sách ảnh về Việt Nam và triển lãm ảnh ở Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Indonesia và Việt Nam.

(Bài viết được đăng tải trong Đặc san 40 năm Hiệp định Paris của Báo Thế giới & Việt Nam)