📞
75 năm Hiệp định sơ bộ 6/3 (1946-2021)

Hiệp định sơ bộ 6/3: Kỳ tích khởi đầu lịch sử đấu tranh ngoại giao của nước Việt Nam mới (Kỳ I)

Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành 08:00 | 05/03/2021
TGVN. Ngày 6/3/1946, Hiệp định sơ bộ giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa Pháp được ký kết tại Hà Nội. Hiệp định là một minh chứng sinh động về tầm nhìn chiến lược, sự chỉ đạo sáng suốt và nghệ thuật ngoại giao tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Từ trái sang: Hồ Chủ tịch, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Ủy viên Cộng hòa Jean Sainteny, Cố vấn chính trị Leon Pignon, Đại diện Đảng Xã hội Pháp Luis Caput tại lễ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. (Ảnh tư liệu)

Bối cảnh phức tạp và khó khăn

Theo thỏa thuận của nguyên thủ các nước đồng minh chống phát xít (Liên Xô, Mỹ, Anh) họp tại Postdam tháng 7/1945, tháng 9/1945, 180.000 quân Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) tiến vào miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra để giải giáp quân đội phát xít Nhật vừa bị đồng minh đánh bại. Lý do công khai là như vậy, nhưng các tướng lĩnh chỉ huy quân Tưởng và đám tay sai người Việt Nam trong Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ … không hề che giấu ý đồ thực sự của họ là “diệt Cộng, cầm Hồ” (tiêu diệt Cộng sản, bắt giữ Hồ Chí Minh) và ở lại Việt Nam vô thời hạn.

Quân đội Tưởng và bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách đã gây ra rất nhiều khó khăn, phức tạp đối với Chính phủ và nhân dân ta trong bối cảnh nước nhà vừa mới giành lại độc lập, nền kinh tế kiệt quệ sau 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, xã hội còn vô vàn khó khăn.

Ngày 23/9/1945, chưa đầy một tháng sau ngày nước ta tuyên bố độc lập, ở Sài Gòn, được sự tiếp tay, hỗ trợ của quân đội Anh đang làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào phía Nam, quân Pháp nổ súng bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nhằm áp đặt trở lại chế độ thực dân lỗi thời lên đất nước ta. Tuy nhiên, âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân đội Pháp đã vấp phải sự kháng cự anh dũng và mạnh mẽ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.

Ngày 28/2/1946, tại Trùng Khánh, Trung Quốc, đại diện chính phủ Tưởng Giới Thạch và đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định theo đó Pháp đồng ý trả lại cho Tưởng các tô giới của Pháp ở Trung Quốc, bán lại cho Tưởng đường sắt ở Vân Nam. Bất chấp chủ quyền của Việt Nam, Pháp cũng thỏa thuận cho chính phủ Tưởng Giới Thạch tự do sử dụng cảng Hải Phòng, hàng hóa của Tưởng vận chuyển qua miền Bắc Việt Nam được miễn thuế. Đổi lại những nhân nhượng nói trên, phía Tưởng Giới Thạch đồng ý cho quân Pháp ra Bắc Việt Nam thay thế quân đội Tưởng giải giáp quân Nhật, trong khoảng thời gian từ 01 đến 31/3/1946. Như vậy là chính quyền Tưởng Giới Thạch và Pháp đã thỏa hiệp với nhau trên lưng nhân dân Việt Nam. Trong khi đó ở trong nước, theo lệnh quan thầy, đám tay sai của Tưởng trong Việt Quốc, Việt Cách tiến hành nhiều hoạt động khiêu khích, đòi lật đổ chính quyền cách mạng, hô hào kích động chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp.

Ngày 1/3/1946, nhận được tin về việc ký kết Hiệp định Trùng Khánh, tướng Philippe Leclerc, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, ra lệnh cho hạm đội Pháp nhổ neo rời Sài Gòn ra Hải Phòng. Đồng thời, Philippe Leclerc cũng chỉ thị cho phái bộ Jean Sainteny ở Hà Nội cố gắng đạt được thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam để quân Pháp có thể an toàn ra miền Bắc mà không vấp phải sự kháng cự, chống đối nào từ phía Việt Nam như họ đã và đang vấp phải ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 1/1946, Chính phủ ta đã nhận được tin đại diện của Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch đang mặc cả với nhau ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Thời gian đó Hồ Chủ tịch và Jean Sainteny cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật tại 38 Lý Thái Tổ (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội). Giúp việc Hồ Chủ tịch trong các cuộc đàm phán là Giáo sư Hoàng Minh Giám, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ. Giúp việc cho Sainteny là Leon Pignon, Cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Phía Việt Nam đảm nhiệm bảo vệ an ninh, an toàn cho các cuộc đàm phán này.

Ngay từ tháng 11/1945, Trung ương Đảng ta đã nhận định sớm muộn bọn đế quốc sẽ nhân nhượng với nhau để cho Pháp trở lại Việt Nam. Nhận định này cũng được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (8/1945), trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Lập trường của Hồ Chủ tịch và Thường vụ Trung ương Đảng lúc này là nếu Pháp cho Đông Dương tự trị theo tuyên bố 24/3/1945 của De Gaulle thì ta kiên quyết đánh, nhưng nếu cho Đông Dương tự chủ thì có thể hòa để phá tan âm mưu của “bọn Tàu trắng, bọn phản động Việt Nam và bọn phát xít Pháp còn lại”.

Ngày 5/3/1946, hạm đội Pháp do tướng Philippe Leclerc chỉ huy tới Vịnh Bắc Bộ. Viện cớ Hiệp định Trùng Khánh là do Bộ Ngoại giao Tưởng Giới Thạch ký với Pháp, nhưng quân Tưởng ở Bắc Việt Nam vẫn chưa nhận được lệnh từ Bộ Tổng tham mưu ở Trùng Khánh, Chu Phúc Thành, quyền Tư lệnh quân Tưởng ở Bắc Việt Nam không đồng ý cho quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế giải giáp quân Nhật và nói rõ nếu quân Pháp cứ đổ bộ lên Hải Phòng thì quân Tưởng sẽ nổ súng. Thực chất, Chu Phúc Thành và một số tướng lĩnh Tưởng khác muốn kéo dài thời gian ở lại Việt Nam để tiếp tục vơ vét của cải, làm giàu.

Tính toán bị đảo lộn và giờ phút quyết định

Khác với Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương và Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam, Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp 6/3/1946 chưa phải là một văn kiện chấm dứt một cuộc chiến tranh, nhưng nó đã tạo nền tảng ban đầu vững chắc góp phần bảo vệ độc lập dân tộc trong giai đoạn đầu của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sáng sớm 6/3/1946, hạm đội Pháp từ Vịnh Bắc Bộ tiến vào cảng Hải Phòng. Quân Tưởng ở dọc sông Cửa Cấm đã nổ súng vào tàu chiến Pháp. Quân Pháp bắn trả làm nổ tung kho đạn của quân Tưởng ở Cảng Hải Phòng. Cuộc đấu súng giữa hai bên kéo dài tới trưa ngày 6/3/1946. Nhiều binh lính của Pháp và Tưởng bị thương vong, nhiều tàu Pháp bị trúng đạn.

Cuộc đụng độ giữa quân Tưởng và quân Pháp ở Hải phòng đã làm đảo lộn tính toán ban đầu của cả quân Tưởng và đám tay sai. Quân Tưởng và bọn tay sai của họ định lợi dụng việc quân Pháp ra miền Bắc Việt Nam để kích động xung đột giữa Việt Nam và Pháp. Nhưng điều trớ trêu là kẻ đầu tiên nổ súng vào quân Pháp lại là quân Tưởng và lúc này kẻ mong muốn phía ta và Pháp sớm đạt thỏa thuận lại chính là số tướng lĩnh chỉ huy quân Tưởng mong muốn thực hiện Hiệp định Trùng Khánh 28/2/1946. Đêm 5/3/1946 và sáng 6/3/1946, một số tướng lĩnh Tưởng nhiều lần đề nghị Chính phủ ta nên sớm đạt thỏa thuận với phía Pháp để tránh chiến tranh mở rộng.

Cho tới 1h sáng ngày 6/3/1946, cuộc đàm phán giữa Hồ Chủ tịch và Sainteny vẫn còn có bế tắc lớn về vấn đề độc lập của Việt Nam. Ta kiên quyết không chấp nhận chữ tự trị do phía Pháp nêu ra, nhưng phía Pháp chưa chịu chấp nhận chữ độc lập của ta.

Sáng sớm ngày 6/3/1946, trong giờ phút quyết định, Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí với đề nghị của Hồ Chủ tịch cách giải quyết bế tắc trong đàm phán, đó là: “Nước Pháp công nhận nước Việt Nam là một quốc gia tự do...” với một định nghĩa của từ “tự do”. 12h trưa ngày 6/3/1946, Hồ Chủ tịch và Sainteny họp lại. Phía Pháp đồng ý với đề nghị trên của ta và hai bên thông qua dự thảo Hiệp định.

16h30 ngày 6/3/1946, lễ ký kết Hiệp định sơ bộ giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp được tổ chức tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Tham dự lễ ký còn có các nhà ngoại giao của Mỹ, Anh, Tưởng Giới Thạch và Louis Caput, đại diện Đảng Xã hội Pháp ở Việt Nam. Sau khi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám đọc to nội dung bản Hiệp định và các phụ khoản kèm theo, Hồ Chủ tịch với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhìn lướt các điều khoản của Hiệp định và đặt bút ký. Tiếp đó, Người chuyển văn bản Hiệp định cho Vũ Hồng Khanh ký với danh nghĩa đại diện đặc biệt của Hội đồng Chính phủ (do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam không chịu ký). Người ký cuối cùng là Sainteny.

(Kỳ cuối: Bản điều ước quốc tế song phương đầu tiên)