Sau nhiều tháng trì hoãn, EC đã công bố các đề xuất về một chính sách tị nạn và di cư mới. Và điều bất ngờ đầu tiên là việc đích thân Chủ tịch EC đã tự mình công bố đề xuất đó. Vị nữ Chủ tịch EC còn khẳng định hiệp ước này sẽ "tạo ra một sự khởi đầu mới".
Bà Von der Leyen đã đảm đương vị trí Chủ tịch EC được gần một năm. Giờ đây, lần đầu tiên bà cho thấy rằng mình đã sẵn sàng đi đầu trong vấn đề tị nạn. Nữ Chủ tịch EC là một chuyên gia quan hệ công chúng (PR), bà hiểu rất rõ sức mạnh của hình ảnh.
Lần đầu tiên đích thân Chủ tịch Ủy ban châu Âu tự mình công bố đề xuất về một chính sách tị nạn và di cư mới. (Nguồn: Reuters) |
Cũng giống như bức ảnh về cậu bé 3 tuổi người Syria Alan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây xúc động cho bao người châu Âu cách đây 5 năm, giờ đây những bức ảnh về trại tị nạn Moria trên đảo Lesbon của Hy Lạp đang bốc cháy đã buộc Liên minh châu Âu (EU) phải hành động.
Tháo gỡ nút thắt
Nhưng những đề xuất của von der Leyen không phải là một cuộc cách mạng. Phần lớn nội dung trong Hiệp ước mới về Di cư và Cư trú không thực sự mới. Một số nội dung chính của Hiệp ước này là:
Thứ nhất, thủ tục đăng ký đối với người di cư nhanh gọn và hiệu quả hơn. Họ sẽ không chỉ phải để lại dấu vân tay như trước đây mà còn phải kiểm tra sức khỏe và kiểm tra an ninh, nhưng trong thời gian sớm nhất. Những người không thuộc diện được tiếp nhận sẽ nhanh chóng được hồi hương trở lại quốc gia họ xuất phát.
Thứ hai, hiệp ước quy định sự phân phối công bằng về trách nhiệm và sự đoàn kết giữa các nước thành viên. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng thì mọi quốc gia thành viên có nghĩa vụ hỗ trợ các quốc gia khác đang phải chịu áp lực.
Một hệ thống “đóng góp linh hoạt” được đưa ra, theo đó, những quốc gia không muốn tiếp nhận người tị nạn thì phải cung cấp sự hỗ trợ về vật chất cho các nước khác hoặc đảm nhận việc hồi hương người tị nạn - nghĩa là cam kết đưa những người xin tị nạn nhưng bị từ chối trở về đất nước của họ trong khoảng thời gian nhất định.
Thứ ba, tăng cường bảo vệ biên giới bên ngoài và các bờ biển của EU, đồng thời thiết lập một hệ thống để trao trả những người tị nạn bị từ chối tiếp nhận. Để thực hiện điều này, một văn phòng điều phối người tị nạn hồi hương sẽ được thành lập để điều phối các hoạt động của các nước thành viên.
Thứ tư, hợp tác tốt hơn với các nước thứ ba nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến chống lại những kẻ buôn người cũng như để các nước đó nhận trở lại những người tị nạn bị từ chối.
Những bức ảnh về trại tị nạn Moria trên đảo Lesbon của Hy Lạp đang bốc cháy đã buộc EU phải hành động... |
Theo hiệp định được EC đề xuất, sẽ không còn một hạn ngạch bắt buộc cho sự phân phối người tị nạn.
Nhiều năm qua, Đức và các quốc gia khác, nơi nhiều người tị nạn đã được tiếp nhận, đã nỗ lực thúc đẩy áp đặt một quy chế phân bổ hạn ngạch này đối với các nước EU.
Chủ đề hạn ngạch luôn là nguyên nhân gây ra các tranh cãi trong liên minh. Vào tháng 9/2015, các Bộ trưởng Nội vụ của EU đã quyết định thiết lập hạn ngạch bắt buộc này, chống lại quan điểm của các nước như Hungary, Bulgaria, Czech và Slovakia. Nhưng cho đến nay, các quốc gia này vẫn từ chối tiếp nhận người tị nạn hoặc di cư.
Bằng cách loại bỏ hạn ngạch, EC hiện đang tiến gần hơn tới các nước Đông Âu. Trái ngược với đề xuất từ năm 2016, lần này EC không đưa ra hình phạt nào cho những nước phản đối. Thay vào đó, EC sẽ cung cấp 10.000 Euro/mỗi người lớn tị nạn cho các quốc gia sẵn sàng tiếp nhận họ. Khoản tiền này được lấy từ ngân sách của EU.
Tuy nhiên, liệu các nước phản đối người tị nạn trước đây có thay đổi thái độ của mình trước chính sách này của EC hay không thì vẫn còn là một câu hỏi chưa được giải đáp.
Theo đề xuất của EC, chỉ "trong thời điểm áp lực tị nạn gia tăng", các nước thành viên EU mới được yêu cầu "hợp tác chặt chẽ hơn".
Sau thời điểm đó, theo Ylva Johansson - Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ EU, các quốc gia có thể tự mình lựa chọn hoặc tiếp tục tiếp nhận những người tị nạn hoặc giúp họ trở về quê hương. Tất nhiên, các quốc gia sẽ không được phép không làm gì cả.
Đề xuất Hiệp ước mới về Di cư và Cư trú của EU được nhiều người nhìn nhận là "điểm khởi đầu tốt" cho một hệ thống chính sách tị nạn bền vững. (Nguồn: VOX) |
Nguy cơ và hoài nghi
Lâu nay, chính phủ của một số quốc gia đã được hưởng lợi do vấn đề di cư không được giải quyết một cách dứt điểm. Ví dụ điển hình là Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người luôn thích tự mô tả mình là vị cứu tinh của Cơ đốc giáo thoát khỏi sự nhập cư ồ ạt của người Hồi giáo.
Chủ trương dựng hàng rào biên giới ngăn người nhập cư của ông dù bị EU lên án nhưng lại củng cố vị thế lãnh đạo của Orban ở trong nước. Với đề xuất mới của EC, chưa biết liệu Orban sẽ phản ứng như thế nào.
Erik Marquardt, chuyên gia di cư của đảng Xanh tại Nghị viện châu Âu (EP), nhận thấy những điểm yếu trong hiệp ước mà EC đề xuất, ví dụ như việc phân loại những người mới đến theo quốc gia quê hương của họ.
Marquardt nói: “Điều đó không phù hợp với tuyên bố của EC về việc không cho phép các trại tị nạn mới như ở Moria mọc lên. Ngược lại, có nguy cơ là nhiều trại tị nạn Moria sẽ xuất hiện", vì theo Marquardt: "Nếu những người tị nạn ít cơ hội được tiếp nhận và phải ở lại các hòn đảo của Hy Lạp, thì đó chính là thực tế là những gì chúng ta đang thấy hiện nay".
Một sự khởi đầu mới là điều cần thiết sau những cuộc tranh luận chưa có hồi kết trong 5 năm qua, khiến cho EU không ít lần đứng bên bờ vực. |
Cornelia Ernst, nữ phát ngôn viên chính sách tị nạn của nhóm cánh tả tại EP, cho biết: “Những đề xuất này mâu thuẫn với ý tưởng và ý nghĩa của quyền tị nạn. "Đó một lần nữa chỉ là các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và trục xuất người tị nạn mà thôi".
Ngược lại, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo tại EP lại ca ngợi hiệp ước mới này. Roberta Metsola, nữ phát ngôn viên chính sách nội bộ của khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP), cho rằng các đề xuất này là "điểm khởi đầu tốt" cho một hệ thống chính sách tị nạn bền vững, và các nước thành viên nên chấp thuận càng sớm càng tốt.
Liệu rằng hiệp định có phải là "điểm khởi đầu tốt" hay không thì vẫn chưa thể nói trước. Các bộ trưởng nội vụ EU sẽ cho thấy bức tranh tâm trạng đầu tiên trước đề xuất của EC trong hội nghị vào ngày 8 và 9/10 tới.
Nhưng hiện Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đã tỏ ra hoài nghi. Nhiều đối tác trong EU cảm thấy khó chịu với cách tiếp cận đơn phương của Đức trong việc tiếp nhận người tị nạn từ Moria, họ thậm chí không nghĩ đến việc thảo luận về các đề xuất trong hiệp định mới của EC.
Một sự phản đối theo cách "bất lịch sự" từ nước Áo đã chỉ ra rằng các cuộc tranh luận về hiệp định mới sẽ khó khăn như thế nào. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho rằng việc phân phối người tị nạn ở EU đã "thất bại" và "nhiều quốc gia từ chối thực hiện. Hiệp định mới cũng sẽ không hiệu quả".
Tuy nhiên trong EC, vấn đề tồn tại có vẻ như đã ít hơn. Ủy viên Nội vụ EC Johansson nói: “Chúng ta không còn ở năm 2015 nữa". Vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nhập cư, có 1,8 triệu người đến châu Âu, và "họ hầu hết đều là người tị nạn". Nhưng năm 2019, chỉ có 140.000 người nhập cư, trong đó chỉ một phần ba xin tị nạn.