📞

“Học” để... yêu Việt Nam!

20:36 | 10/06/2016
Nhà khách Chính phủ, số 2 Lê Thạch những ngày tháng năm ngào ngạt hương ngọc lan. Chị Anke Van Lancker, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Bỉ đặt một nhánh ngọc lan lên bàn và mải miết ghi chép những gì nghe được trong Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam”. Chị hào hứng với chia sẻ của các diễn giả. tôi cảm nhận chị có thể ngồi nghe cả buổi mà không cần giải lao…

Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam” (Learning about Vietnam session) giới thiệu về đất nước, con người, đường lối, chính sách và thành tựu đổi mới… của Việt Nam được Bộ Ngoại giao tổ chức sáng ngày 2/6 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của gần 80 cán bộ ngoại giao thuộc Đại sứ quán các nước và cơ quan đại diện các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Từ bài nhập môn tới mảnh đất kỷ niệm

Hàng năm, có hàng trăm cán bộ ngoại giao quốc tế đến và rời Việt Nam. Những tâm tư của các cán bộ ngoại giao tham gia chương trình khiến tôi nghĩ rằng với những người sắp rời xa, mảnh đất hình chữ S sẽ là một kỷ niệm đẹp khó phai mờ. Với những người mới đến, Việt Nam sẽ là hành trình hứa hẹn vô vàn điều thú vị mà họ sắp được trải nghiệm.

Đại sứ Morocco El Houcine Fadarni có 10 năm gắn bó với Việt Nam từ khi đất nước ông mở Đại sứ quán năm 2006. Ông dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt. Trên cương vị Trưởng đoàn ngoại giao quốc tế, ông nỗ lực từng ngày, góp sức tạo sợi dây kết nối giữa các nhà ngoại giao công tác tại Việt Nam. Sắp rời mảnh đất ghi dấu nhiều kỷ niệm để bắt đầu nhiệm vụ mới, Đại sứ tỏ ra lưu luyến và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm tìm hiểu Việt Nam cho những người mới đến. “Các bạn hãy đi thật nhiều, tới các tỉnh thành, vùng miền, chung sống và tham gia hoạt động cùng với những người dân bản địa. Từ đó mới có thể nhìn thấy bức tranh tổng thể về Việt Nam, gắn bó và yêu mến đất nước tươi đẹp này”, Đại sứ El Houcine Fadarni nhấn mạnh trong bài phát biểu đầu chương trình.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu khai mạc Chương trình. (Ảnh: Minh Châu/TGVN)

Không còn quá xa lạ với Việt Nam nhưng ông El Houcine Fadarni vẫn say sưa nghe hết tất cả các bài trình bày. “Tất cả đều rất thú vị. Đặc biệt, tôi biết được những cơ hội cũng như những thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Cảm ơn các bạn đã chia sẻ những điều đó với chúng tôi!”. Khi tôi hỏi điều ông sẽ nhớ nhất khi rời Việt Nam, đôi mắt của nhà ngoại giao kỳ cựu ấy đượm một nét buồn: “Tôi yêu tất cả!”.

Lần thứ hai tham gia chương trình song Đại sứ Panama Servio S. Sammodio vẫn cảm nhận được nội dung mới mẻ, hấp dẫn của các học phần.Với ông, đó là nguồn tư liệu chính thống, tin cậy và đáng quý, phục vụ trực tiếp cho sứ mệnh ngoại giao, khiến ông hiểu hơn về đất nước nơi ông và gia đình đang sống hàng ngày. Cùng chung cảm nhận với ông Servio S. Sammodio, Đại sứ Mozambique Gamiliel S.J.Munguambe ghi chép khá đầy đủ thông tin các diễn giả cung cấp. “Nó sẽ giúp tôi có nhiều sáng kiến hơn trong việc thúc đẩy quan hệ song phương thời gian tới. Tôi mong muốn ngày càng có nhiều người nước ngoài tới Việt Nam, một đất nước thanh bình và xinh đẹp”, Đại sứ chia sẻ.

Đại sứ Philippines Noel Servigon có lẽ là học viên năng nổ nhất khi ông liên tục đặt các câu hỏi trong phần thảo luận sau mỗi phần trình bày. Tới Việt Nam nhận nhiệm vụ được ba tháng, chương trình thực sự là buổi “nhập môn” đáng trân trọng đối với ông, giúp ông hiểu được căn bản lịch sử, văn hóa, kinh tế và hệ thống chính trị của Việt Nam. Ông tâm sự rằng ngay sau chương trình sẽ tham gia buổi học tiếng Việt đầu tiên với hy vọng có thể sớm đọc báo tiếng Việt, dần dần tiếp xúc gần gũi hơn với người dân. Đến từ đất nước vạn đảo, có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam – quốc gia có đường bờ biển dài, Đại sứ Noel Servigon luôn trăn trở việc kết nối người dân. Đại sứ muốn tổ chức nhiều sự kiện gắn kết cộng đồng nhân dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đáng chú ý, ông Noel Servigon rất tâm đắc với phần trình bày liên quan tới sự kiện APEC Việt Nam 2017. Ông khẳng định Philippines sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tổ chức thành công sự kiện này bởi 2017 là năm Philippines giữ cương vị quan trọng Chủ tịch ASEAN.

Tân Đại sứ Sri Lanka, bà Srilank Saranya Hasathi Urgodawatt Dissanayke kể lại rằng trước khi tới Hà Nội, bà đã dành thời gian đọc tài liệu về Việt Nam trên Internet. Tuy nhiên chỉ có qua chương trình, bà mới nắm bắt được toàn diện, chính xác thông tin về Việt Nam, mới có thể chia sẻ cũng như trao đổi cùng các diễn giả Việt Nam hay các nhà ngoại giao khác để làm sáng tỏ nhiều điều bà băn khoăn.

Rút ngắn hành trình khám phá

Anke Van Lancker trong mắt tôi là một nhà ngoại giao khá thân thiện và ham học hỏi. Cái ngột ngạt của nắng tháng Năm làm trán chị lấm tấm mồ hôi nhưng không làm chị sao nhãng khỏi lời của diễn giả. Bày tỏ cùng phóng viên trong giờ giải lao, Anke Van Lancker thích thú với việc các diễn giả không chỉ giới thiệu về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị của đất nước mà còn sẵn sàng giải đáp các câu hỏi của học viên.

“Nhiều khi phải mất tới gần 2 năm chúng tôi mới có thể quen với các thủ tục làm việc cũng như hiểu biết về đất nước các bạn, trong khi nhiệm kỳ chỉ có 3 năm. Vì vậy, những buổi học như thế này thực sự đã rút ngắn khoảng thời gian tìm hiểu rất nhiều”, Anke Van Lancker khẳng định. Thời gian ở Việt Nam, chị dự định cùng hai con nhỏ đi tới nhiều vùng miền, khám phá văn hóa, tận mắt chiêm ngưỡng cảnh tượng núi non hùng vĩ.

Cán bộ ngoại giao trẻ Mahdi Rou Zehgir Qaleh Noel, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Iran cũng vô cùng tâm đắc với chương trình. Anh khá sôi nổi trong các phần thảo luận khi đặt nhiều câu hỏi liên quan tới dân tộc thiểu số. Tới Việt Nam hơn một năm qua, anh luôn trăn trở về cuộc sống của người dân Việt Nam tại một số vùng núi phía Bắc. Mahdi Rou Zehgir Qaleh Noel kể lại anh đã cùng gia đình tới nhiều tỉnh khắp miền Nam, Bắc. Họ đã đi ô tô khách lên Cao Bằng và cùng trải nghiệm cuộc sống với bà con nơi đây. Sự thân thiện của người Việt đã chạm tới trái tim khiến anh hay suy nghĩ về họ, thôi thúc anh có nhiều chuyến đi hơn nữa để trải nghiệm Việt Nam. “Tuy cuộc sống của người dân vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn vui vẻ, hướng tới những điều tốt đẹp và luôn nở nụ cười với mọi người xung quanh”, Noel chia sẻ

Hiện anh và đồng nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Noel cho biết, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Hồi giáo Iran của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2016, hai bên đã nhất trí thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương từ 300 triệu USD lên 2 tỷ USD. Anh hoàn toàn lạc quan rằng mục tiêu đó có thể được hiện thực hóa trong 5 năm tới bởi hai nền kinh tế không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau.

Điều khác biệt của chương trình năm nay là sau khi kết thúc các bài trình bày liên quan tới 5 chủ đề, các học viên được đi thăm Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, đây là chuyến đi thực tế giúp các học viên tiếp cận với hiện vật lịch sử, hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.

Cùng các nhà ngoại giao dạo bước qua những góc bảo tàng trưng bày hiện vật lịch sử, tôi cảm nhận được niềm tự hào bởi suốt hành trình ấy quanh tôi là tiếng trầm trồ khen ngợi những nét đẹp văn hóa Việt, trải dài hàng nghìn năm từ thuở đầu khai sáng đến khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Khi cán bộ bảo tàng giới thiệu tới sự kiện Bà Trưng, Bà Triệu đánh thắng quân Hán, cả đoàn ngoại giao đều ồ lên. Dường như hai cái tên huyền thoại đó đã khắc trong tâm trí họ khi nghĩ về Việt Nam… Tới khu trưng bày hiện vật thời nhà Trần, Ariadne Feo Labrad, Bí thư thứ ba, Đại sứ quán Cuba quay sang hỏi tôi: “Đây có phải là những chiếc cọc gỗ mà Trần Hưng Đạo sử dụng để cắm xuống sông, lợi dụng mực nước thủy triều lên xuống để đánh đuổi quân Nguyên Mông?”, tôi chỉ có thể gật đầu bởi chị đã nói tất cả những gì tôi-một người Việt Nam biết về nó.

Đoàn ngoại giao lên xe trở về Nhà khách sau khoảng hai tiếng khám phá bảo tàng. Hương ngọc lan vẫn tỏa hương ngan ngát như níu chân những vị khách đến từ năm châu. Vượt qua cái nắng gay gắt của Thủ đô, họ lại trở về với cuộc sống và công việc thường nhật, nhưng tôi tin rằng họ sẽ luôn nhớ và trân trọng những gì có được sau chương trình để yêu hơn mảnh đất mình đã đến, từ đó đóng góp hơn nữa vào quan hệ giữa đất nước họ phụng sự và Việt Nam.