Học giả Hoàng Xuân Hãn. |
Tôi đã có dịp thực hiện lời dặn ấy khi gặp lại thầy Hoàng Xuân Hãn. Tôi học thầy ở Ban Tú tài triết học Trường Bưởi năm 1938 – 1939. Ở buổi tôi thuyết trình về văn học dân gian Việt Nam tại Paris (1982), tôi nhớ là thầy đi cùng nhà sử học Philippe Devillers.
Ông Hãn cũng cho biết là “Bác Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đã khuyên tôi về nước”. Cuối cùng, ông Hãn ra đi năm 1996, vào tuổi 88, mất ở xứ người. Đúng như dự cảm trong đôi câu đối của ông mà tôi đọc được ở Trúc Lâm Thiền viện, trên đồi Villebon Yvette, cách Paris 25km:
Thân gửi xứ người nương cửa Phật
Hồn về đất Việt viếng quê nhà
Thầy Hãn là niềm tự hào của học trò trường Bưởi chúng tôi và toàn dân ngay từ thời Pháp thuộc, vì ông là người An Nam, bị thực dân khinh là “nhaque” (nhà quê) ngu đần, lại đỗ thạc sĩ (phải nói thêm là thạc sĩ ở Pháp thời đó không phải là bằng phổ thông như ta ngày nay, mà lúc đó gần như thi tuyển, mỗi năm mỗi ngành chỉ lấy trên dưới chục người cho cả nước). Ông là một nhà trí thức siêu việt, uyên thâm văn hóa Đông Tây, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Tuy suốt cuộc đời tận tâm phục vụ Tổ quốc bằng những công trình của mình, ông vẫn băn khoăn không có mặt ở quê hương những năm chiến tranh và hậu chiến. Nỗi niềm này được ông trình bày trong một bức thư dài, gửi cho một nhà văn Việt kiều 2 năm trước khi ông qua đời, thư viết ngày 1/12/1994. Tôi rất xúc động và xót thương thầy khi đọc tài liệu này. Dưới đây xin trích vài đoạn: …”Chúng ta là những kẻ “một hội một thuyền”, ân ưu vận nước trong 6 - 7 mươi năm nay. Không cần đàm đạo lâu dài cũng thấu lòng cảm nghĩ. Các bác đã đứng mũi chịu sào, biết mấy phen gian khổ mới có ngày nay, thành quả nước nhà độc lập và thống nhất là điểm trọng. Còn tôi cảnh ngộ tuy khác, nhưng đã cố gắng giữ tấm lòng trung kiên để dự bị, phòng khi giúp ích và nhất là trù tính tương lai dân tộc vững chắc giữa thế giới hòa bình. Cảm nghĩ của tôi đã có dịp thể lộ trong đoản thiên Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt và sau đó, trong hơn 10 bài khai bút từ năm 1975. Trong buổi hòa bình như ngày nay, tình cảm thường dày hơn lý trí. Tôi được biết rằng, các bác cũng tổn thất nhiều trong tình cảm gia đình vì chiến tranh, tôi rất thông cảm. Tôi cũng vậy, có lúc muốn về nước một mình, nhưng vợ chồng nay gần đất xa trời, chia cay sẻ ngọt trong hơn 6 chục năm, tôi không muốn mạo sự vô tình mà vĩnh biệt. Nay thì tuổi già, bệnh tật, sức yếu, trí mờ, sợ không thể còn thấy lại quê hương. Vả đối với riêng tôi, cái thực chất của hai chữ quê hương, than ôi, đã không còn nữa! Thế ấy, nhưng đối với xứ sở, tôi không bao giờ quên. Cách mấy năm nay, một bạn vong niên người Nghệ An tới từ biệt tôi để về quê. Tôi rất thèm cảnh huống ấy, bèn tặng bạn mấy câu sau:
Đã hay bốn bể là nhà
Lam Hồng ta mới thật là quê hương
Trải bao cuộc biến, cuộc thường
Mà lòng tưởng nhớ yêu thương vẹn tròn
Nhắn lời với Nước cùng Non
Từ nay Nước cạn Non mòn tại ta.
Xem đó, đủ thấy bác đã trọn vẹn đối với mảnh đất quê nhà mà tôi đã từng dấn thân, như đất Thanh - Nghệ - Tĩnh, tình tôi sao dứt. Vì cảnh ngộ, tôi không được dự phần giải phóng đất nước, tôi bèn gắng công giải phóng trí thức và văn hóa đồng bào ra khỏi cái khuôn chật hẹp, ươn hèn, bị ràng buộc…”.
Là nhà sử học, Hoàng Xuân Hãn nhận định cuộc kháng chiến một cách khách quan như sau: “… Các bác theo dấu cụ Hồ đã hành động và đem đến sự độc lập và thống nhất đất nước. Lấy tư cách nhà sử học mà ngẫm nghĩ thì suốt khoảng sinh tồn Tổ quốc, từ xưa, chỉ có hai cuộc khá tương đương: Trưng Trắc giải phóng khỏi Hán thuộc, nhưng liền đó bị bại. Ngô Quyền chỉ ngăn được kẻ ngoại xâm, cũng như Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ đời sau… Lê Lợi mới thật có công phá xiềng Minh thuộc, nhưng quyền lực Minh bám chưa sâu và vũ khí đang thời khá ngang nhau… Chỉ có cuộc giải phóng vừa qua mới khó khăn mà dân ta làm được. Ấy thật nhờ lòng yêu nước, trí sáng suốt, kinh nghiệm rộng, biết tùy thời, biết tri chỉ của Bác Hồ mà ngày nay ta được độc lập và thống nhất. Tôi nghĩ rằng noi gương Bác, đạo đức ôn hòa, trung dung mà quả quyết thì lãnh đạo dân ta sẽ chóng đem lại hai mục tiêu: hạnh phúc về kinh tế và tự do về tinh thần…”.
Thầy Hãn, xin thầy cứ yên nghỉ, vì tuy xa đất nước, nhưng những tư tưởng xây dựng chiến lược bảo vệ và phát triển dân tộc bằng văn hóa của thầy đã và sẽ đem lại những thành quả to lớn cho đất nước, con người Việt Nam. Từ trẻ đến già đều gián tiếp và trực tiếp, chịu ảnh hưởng các công trình của thầy: Bé thì học A, B, C theo phương pháp “O tròn như quả trứng gà”; học khoa học và đại học phải dựa vào Danh từ khoa học của thầy. Sau đó, là những công trình nghiên cứu vô giá về khoa học tự nhiên, nhất là về Quốc học. Không kể hàng trăm học trò của thầy trở thành lãnh đạo đầu ngành văn hóa ở cả hai miền.