Toàn cảnh một phiên họp chung Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Nga tại Sochi. (Nguồn: TG&VN) |
Các học giả cho rằng Việt Nam và Nga đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế, diễn giả quen thuộc trên kênh truyền hình Trung ương Nga “Rossia-1” Grigory Trofimchuk, đối thoại Nga – ASEAN đã liên tục phát triển từ đầu những năm 1990 cho đến nay. Trong bối cảnh Đông Nam Á đang trở thành khu vực trung tâm của thế giới, ASEAN cũng trở thành một tổ chức quan trọng không chỉ đối với Nga, mà với cả an ninh, ổn định và phát triển của khu vực, trong đó Việt Nam giữ vai trò là động lực phát triển.
Do vậy, Nga có cách tiếp cận mang tính chiến lược đối với công việc của các nước ASEAN và tham gia tích cực các hội nghị do ASEAN tổ chức. Đề cập tình hình bất ổn ở Biển Đông, chuyên gia Trofimchuk nêu rõ quan điểm của Nga là giải quyết tranh chấp dựa trên các văn bản pháp lý đã được thông qua cho đến thời điểm này, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Về cách tiếp cận của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, ông Trofimchuk cho rằng Việt Nam có uy tín cao trên các diễn đàn quốc tế, hơn một lần được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cộng đồng quốc tế thừa nhận quan điểm của Việt Nam là luôn hướng đến việc đạt được tiến triển thông qua cách giải quyết hòa bình đối với bất kỳ tình huống nào, dù là trong lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xung đột.
Trong khi đó, Tiến sĩ khoa học chính trị, giảng viên trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow (MGU), chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế Alexey Fenenko khẳng định các vấn đề về an ninh khu vực như vấn đề Biển Đông nên được đưa ra bàn thảo tại các diễn đàn khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) theo các cơ chế tham vấn hiện có như ASEAN + 1 (Trung Quốc), ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc)…
Tiến sĩ Fenenko cho rằng các nước liên quan cần thúc đẩy duy trì môi trường hòa bình tại khu vực, không sử dụng các biện pháp quân sự và không có các hành động khiêu khích; đồng thời trước mắt có thể nghiên cứu ký kết "lộ trình" cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông.
Cũng theo ông Fenenko, Việt Nam luôn duy trì quan điểm mang tính xây dựng với cách tiếp cận vấn đề rất kiềm chế, không để bị lôi kéo vào xung đột vũ trang. Điều đó cho thấy Việt Nam là một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình tại khu vực Đông Nam Á.