Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tham dự triển lãm về liên kết văn hóa giữa hai nước ngày 14/9. (Nguồn: Akorda) |
Trả lời phỏng vấn AFP ngày 14/9, học giả người Pháp Emmanuel Véron, Giáo sư địa chính trị, Viện Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương (Pháp) đã đặt câu hỏi về vai trò của Kazakhstan: Liệu nước này sẽ là “cái gai” trong tuần trăng mật Trung Quốc-Nga, hay viên gạch đầu tiên cho mái nhà chung Á-Âu tại Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - sáng kiến của Bắc Kinh và Moscow là thành viên nặng ký?
Trong những ngày vừa qua, thủ đô Nur Sultan của Kazakhstan đã trở thành tâm điểm của bàn cờ ngoại giao quốc tế khi đón lãnh đạo Tòa thánh Vatican trong 3 ngày (ngày 13-15/9) và đặc biệt, chuyến thăm ngày 14/9 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, tháng 7/2022, Ngoại trưởng Vương Nghị đã nhấn mạnh Trung Quốc và Kazakhstan “tăng cường hợp tác” trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI). Trong cuộc điện đàm hồi tháng 2/2022, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng lòng “mở ra một giai đoạn vàng son 30 năm” trong quan hệ song phương. Bảy tháng sau, Trung Quốc đã tái khẳng định “sự quan tâm lớn dành cho quan hệ với Kazakhstan” khi hai nhà lãnh đạo gặp gỡ tại Nur Sultan ngày 14/9.
Chuyến thăm đặc biệt
Theo Giáo sư Emmanuel Véron, chuyến thăm này có tầm quan trọng đặc biệt như sau.
Trước hết, năm 2013, chính tại Astana (nay là Nur Sultan), Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi động dự án Con đường Tơ lụa mới. Vì thế, chuyến đi thể hiện sự tiếp nối với những gì diễn ra gần 10 năm trước, hàm ý nhắc lại tầm quan trọng của dự án.
Thứ hai, sau Kazakhstan, ông Tập Cận Bình đã dự Thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan ngày 15-16/9. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn về chính trị và ngoại giao, khẳng định khối Á-Âu muốn thoát khỏi cái bóng của phương Tây về nhiều mặt bao gồm kinh tế, thương mại, kỹ thuật, công nghệ chính trị, quân sự và ngoại giao.
Đồng thời, Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung tâm của khối, với khu vực Á-Âu làm đối trọng với phần còn lại của thế giới phương Tây, vốn được coi là xoay quanh Mỹ.
Thứ ba, Kazakhstan được chọn làm điểm dừng chân đầu tiên vì nước này là thành viên quan trọng nhất trong số 5 nước Trung Á.
Về khía cạnh địa lý, Kazakhstan nằm ở vị trí chiến lược giữa hai phần “Đông” và “Tây” của địa cầu, là “gạch nối” giữa châu Âu với châu Á.
Về khía cạnh sắc tộc, Trung Quốc-Kazakhstan chia sẻ đường biên giới chung rất dài, sát cạnh với Tân Cương, nơi đa số dân cư theo đạo Hồi thuộc sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, một phần lớn trong số đó gốc Kazakhstan hay có thân nhân đang sống tại Kazakhstan.
Về khía cạnh kinh tế, Kazakhstan là “mỏ vàng” trong mắt Trung Quốc với đủ mọi kim loại và khoáng sản trên thế giới như urani, mỏ vàng, đồng, cobalt, kim loại hiếm, dầu khí, than đá, khí đốt...
Thứ tư, Trung Quốc theo đuổi mục đích chiến lược và an ninh trong quan hệ với tất cả các nước có chung đường biên giới. Do đó, Bắc Kinh coi Nur Sultan là cửa ngõ vào Trung Á để triển khai Con đường Tơ lụa mới, vươn sang Trung Đông và khối Âu-Á.
Ngoài ra, Kazakhstan là một mắt xích quan trọng để Trung Quốc từng bước “bắt rễ” vào một khu vực vốn thuộc tầm ảnh hưởng của Liên Xô trước kia và Nga ngày nay.
Chuyến tàu chở hàng nối Trung Quốc-Kazakhstan xuất phát từ thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Rào cản từ Nga
Tuy nhiên, bài toán Kazakhstan của Trung Quốc đang vấp phải trở ngại lớn là ảnh hưởng của Nga với nước cộng hoà từng thuộc Liên Xô. Có tới một phần ba dân số Kazakhstan là người gốc Nga. Nur Sultan là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu, cũng như các nước sáng lập Tổ chức An ninh tập thể (CSTO), ý tưởng của Moscow.
Về phía Kazakhstan, cho dù thủ đô đã đổi tên, Dinh Tổng thống đã đổi chủ, nhưng chủ trương duy trì được thế cân bằng giữa hai nước láng giềng lớn là Nga và Trung Quốc vẫn luôn là kim chỉ nam trong chính sách đối ngoại của quốc gia Trung Á này.
Kazakhstan chủ trương thu hút đầu tư của Trung Quốc để phát triển kinh tế, song về an ninh, Nga vẫn là điểm tựa chính. Cùng lúc, Nur Sultan muốn mở rộng bang giao với phần còn lại của thế giới để không bị lệ thuộc quá nhiều vào hai điểm tựa là Bắc Kinh và Moscow. Kazakhstan cũng trông cậy vào các đối tác khác, như châu Âu, Mỹ và cả các nước châu Á khác để giữ vừa đủ khoảng cách với hai nước láng giềng sát cạnh.
Ngoài ra, Kazakhstan không bao giờ quên bản sắc Á-Âu của mình: Liên minh châu Âu (EU) mới là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng nhất vào Kazakhstan, cao hơn cả Trung Quốc.
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay, ông Tokayev đã gặp gỡ nhiều lãnh đạo châu Âu để bàn về chính sách xuất khẩu dầu khí.
Cho dù thủ đô đã đổi tên, Dinh Tổng thống đã đổi chủ, nhưng chủ trương duy trì được thế cân bằng giữa hai nước láng giềng lớn là Nga và Trung Quốc vẫn luôn là kim chỉ nam trong chính sách đối ngoại của quốc gia Trung Á này. |
Giáo sư người Pháp Emmanuel Véron nhận định rằng Trung Quốc đang muốn “xâm nhập” vùng ảnh hưởng của Nga: “Nhiều người đã sử dụng hình tượng ‘xe ủi’ khi nói đến áp lực từ phía Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ mở rộng sự hiện diện ở khu vực Trung Á. Tại miền Đông Siberia, từ hồ Baikal đến tận Vladivostock, các doanh nghiệp của Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng nhiều. Riêng tại Trung Á, Kazakhstan là cổng vào cho phép Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng đến tận Turkmenistan, Iran”.
Nhận định này ít nhiều có cơ sở nếu nhìn vào tuyên bố của ông Tập Cận Bình. Theo đó, Bắc Kinh “dành sự ủng hộ tuyệt đối với Kazakhstan trong nỗ lực bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ… kiên quyết ủng hộ cải cách để đảm bảo sự ổn định và phát triển; phản đối bất kỳ thế lực nào muốn can thiệp công việc nội bộ của Kazakhstan”.
Chuyến thăm chính thức Kazakhstan của Chủ tịch Trung Quốc là bằng chứng mới cho thấy sự gần gũi giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, Nga và cả Mỹ chắc chắn sẽ không hào hứng trước quan hệ nồng thắm giữa ông Kassym-Jomart Tokayev và ông Tập Cận Bình.