📞

“Hồi ký chiến tranh”: Ký ức của một huyền thoại nước Pháp

16:06 | 11/01/2016
Với lối viết tao nhã đầy tính văn chương, bộ ba “Hồi ký chiến tranh” của Tướng Charles de Gaulle đã được công nhận là cuốn sách kinh điển trong nền văn học hiện đại Pháp.

Bìa cuốn sách “Hồi ký chiến tranh” của tướng Charles de Gaulle. (Ảnh: Alpha Books)

Bộ ba cuốn “Hồi ký chiến tranh” là những tâm sự chân thành của Tướng Charles de Gaulle về con đường ông đã trải qua để vực dậy nước Pháp. Qua ngòi bút của ông, chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước của De Gaulle, sự đơn độc mà ông đã trải qua khi những dự đoán, phân tích và đề xuất thống thiết của ông với nhà nước đều bị chối bỏ, nỗi gian truân và cả sự thất vọng trong những ngày tháng tha hương.

“Trọn đời tôi, tôi luôn nghĩ về nước Pháp với một niềm đinh ninh được vun bồi bằng cả tình cảm lẫn lý trí. Một cách tự nhiên, con người tình cảm trong tôi hình dung rằng nước Pháp, giống như nàng công chúa trong những câu chuyện cổ tích hay Đức Mẹ trên những bức bích họa, đã được định sẵn một số phận cao quý và phi thường”, ông viết trong cuốn sách.

Với những ảnh hưởng lớn về tư tưởng mà ông đã để lại trên chính trường nước Pháp cho đến nay, cuốn sách là một kho tư liệu quý nhằm diễn giải những lý do đằng sau những hành động của vị tướng đồng thời cũng là một vị chính khách tài ba này.

Không giống với những nhân vật của công chúng khác, De Gaulle đã tự tay viết nên cuốn hồi ký này. Với lối viết tao nhã đầy tính văn chương của một ngòi bút bậc thầy được coi là hiện thân của nền văn học hiện đại Pháp, những áng văn trong cuốn hồi ký đã được giới phê bình văn học thế giới đánh giá rất cao và từng được đề cử giải thưởng Nobel Văn học năm 1963.

Tướng Charles de Gaulle sinh ngày 22/11/1890 tại Lille và lớn lên tại Paris, nơi cha ông làm giáo sư sử học. Tuy nhiên, De Gaulle không nối nghiệp cha mà lựa chọn binh nghiệp. Ông đã chiến đấu can trường trong Thế chiến I.

Trong thập kỷ 1930, De Gaulle viết sách và báo về các chủ đề quân sự, qua đó ông phê phán việc nước Pháp quá phụ thuộc vào phòng tuyến Maginot để phòng thủ trước quân Đức và kêu gọi thành lập các quân đoàn thiết giáp cơ giới hóa. Nhưng những lời kêu gọi của ông đều rơi vào quên lãng.

Tháng 6/1940, các lực lượng Đức Quốc xã đã đánh bại Pháp một cách dễ dàng. Không cam chịu chấp nhận thỏa thuận đình chiến của chính phủ với Đức, De Gaulle chạy sang London. Tại đây, ông đọc lời kêu gọi nhân dân Pháp đứng lên đánh đuổi quân xâm lược và tuyên bố thành lập chính phủ Pháp lưu vong. Ông trở thành người lãnh đạo phong trào nước Pháp tự do.

Sau khi Paris được tự do vào tháng 8/1944, De Gaulle trở về và được chào đón như một vị anh hùng dân tộc. Trong những năm tháng tiếp theo, ông là trụ cột trong công cuộc khôi phục vị thế nước Pháp trên trường quốc tế, cả về mặt kinh tế và quân sự.