Hội nghị ba bên Hàn-Trung-Nhật ngày 25/9. Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin chụp ảnh cùng Thứ trưởng cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takehiro Funakoshi, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Nong Rong và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Chung Byung Won trước cuộc họp ba bên. (Nguồn Yonhap) |
Thượng đỉnh ba bên được ấn định
Ngày 26/9, Hàn Quốc chủ trì một hội nghị ba bên hiếm hoi với các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc và Nhật Bản - một động thái được coi là nhằm xoa dịu lo ngại của Bắc Kinh về việc hai đồng minh này của Mỹ thắt chặt hợp tác với Washington.
Hội nghị lần này có sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Byung Won, Thứ trưởng Ngoại giao cấp cao Nhật Bản Takehiro Funakoshi và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung (Nong Rong).
Tại Hội nghị, Hàn Quốc đã đề xuất tiến hành hội nghị thượng đỉnh ba bên với Nhật Bản và Trung Quốc vào tháng 12 tới, đánh dấu hội nghị đầu tiên sau 4 năm.
Các nguồn tin cho biết thêm, Seoul cũng đề nghị công bố một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh được lên kế hoạch, trong khi cả Tokyo và Bắc Kinh đều không phản đối đề xuất này. Thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật gần nhất được tổ chức vào năm 2019.
Một quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ Hàn Quốc cho biết Trung Quốc đã chủ động tìm kiếm hợp tác ba bên và sắp xếp các cuộc gặp kể từ khi quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh trở nên xấu đi vào năm 2017 do Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Quan chức này nói: “Tôi chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ cảm thấy khó chịu về hợp tác an ninh ba bên ngày càng chặt chẽ của chúng tôi với Mỹ và Nhật Bản”.
Theo ông Tong Zhao, thành viên cấp cao của Quỹ Carniege vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở ở Mỹ, Bắc Kinh rất có thể sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác thương mại ba bên, đẩy giao lưu nhân dân và tăng cường đối thoại với Seoul và Tokyo về các vấn đề an ninh, quốc phòng.
Về phần mình, Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn tránh xung đột và duy trì mối quan hệ an ninh ổn định với Trung Quốc, cũng như có được sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc trì hoãn hay ngăn chặn các chương trình phát triển hạt nhân sâu rộng của Triều Tiên.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 25/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết nước này, Nhật Bản và Hàn Quốc là những láng giềng gần, là những đối tác hợp tác quan trọng và việc tăng cường hợp tác ba bên phục vụ lợi ích chung của các nước này.
Theo truyền thống, các hội nghị thượng đỉnh ba bên có sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc, tuy nhiên, Hàn Quốc đang đang thúc đẩy một chuyến thăm riêng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hàn Quốc duyệt binh quy mô lớn
Cũng trong ngày 26/9, Hàn Quốc tổ chức cuộc duyệt binh quy mô lớn đầu tiên sau một thập kỷ, với các loại vũ khí từ tên lửa đạn đạo đến trực thăng tấn công nhằm phô trương sức mạnh trong bối cảnh nước này thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc duyệt binh có sự tham gia của hàng nghìn binh lính nước này, cùng xe tăng, pháo tự hành, máy bay tấn công và máy bay không người lái sản xuất trong nước, cùng với sự tham gia của 300 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Nổi bật nhất sẽ là cuộc diễu hành kéo dài 2km qua khu vực thương mại và kinh doanh chính của Seoul đến khu vực Gwanghwamun nhộn nhịp. Lần cuối Hàn Quốc tổ chức cuộc duyệt binh trên đường phố là vào năm 2013.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có lập trường cứng rắn với Triều Tiên, coi việc phô trương vũ khí và tập trận quân sự là nền tảng trong chiến lược của ông nhằm chống lại các chương trình hạt nhân và tên lửa đang phát triển của Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc đã cam kết sẽ có phản ứng nhanh chóng và áp đảo trước bất kỳ hành động làm gia tăng căng thẳng của Bình Nhưỡng, đồng thời tích cực củng cố liên minh quân sự với Washington và Tokyo.
Cuộc duyệt binh bắt đầu tại căn cứ không quân ở Seongnam, ngoại ô Seoul, nơi trưng bày công khai những vũ khí quân dụng hạng nặng như tên lửa Hyunmoo, hệ thống đánh chặn tên lửa L-SAM. Hyunmoo là một trong những tên lửa mới nhất của Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sự kiện cũng có sự xuất hiện của máy bay quân sự Mỹ và Hàn Quốc để thể hiện tư thế phòng thủ chung “được nâng cấp”.
Thông điệp tới Triều Tiên
Cuộc duyệt binh diễn ra một tuần sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trở về sau chuyến thăm Nga, nơi ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý tăng cường hợp tác quân sự.
Tổng thống Hàn Quốc đã nói rằng nếu Nga giúp Triều Tiên tăng cường các chương trình vũ khí để đổi lấy sự hỗ trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine thì đó sẽ là “một hành động khiêu khích trực tiếp”.
Đáp lại, trong một bài xã luận được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, Triều Tiên nhấn mạnh: “Việc các nước láng giềng giữ mối quan hệ gần gũi với nhau là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường và không có lý do gì để chỉ trích một việc như thế. Chính sách đối ngoại của Triều Tiên sẽ không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, và mối quan hệ thân thiện và hợp tác với các nước láng giềng gần gũi sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn”.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể đang tìm cách nhận đạn dược từ Triều Tiên để bổ sung cho kho dự trữ đang cạn kiệt trong xung đột với Ukraine, trong khi Bình Nhưỡng tìm kiếm sự trợ giúp công nghệ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Bất kỳ hoạt động nào hỗ trợ các chương trình vũ khí của Triều Tiên đều bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.