📞

Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab lần thứ 32: Nhìn từ cơ hội và thách thức

H. Đức 14:05 | 22/05/2023
Với chương trình nghị sự đầy tham vọng, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab lần thứ 32 là một dấu mốc quan trọng, có thể tác động tới khu vực và thế giới trên nhiều khía cạnh.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực tại một số điểm nóng tại khu vực, Liên đoàn Arab bước vào Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 32 diễn ra ngày 19/5 tại Saudi Arabia nhằm tìm ra cách thức giải quyết các căng thẳng, xung đột hiện tại trong và ngoài khu vực. Sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng khiến nhiều người bất ngờ, tạo nên một “hiện tượng” lạ tại hội nghị lần này.

Từ những diễn biến mới trên, câu hỏi đặt ra là: sau Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab, tình hình khu vực sẽ có những chuyển biến?

Bắt đầu công cuộc tái thiết Syria

Syria quay trở lại Liên đoàn Arab lần đầu tiên sau 12 năm, vào thời điểm quốc gia này vẫn đang trong quá trình giải quyết khủng hoảng chính trị và mới bắt đầu quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo sau thảm hoạ động đất diễn ra hồi đầu năm 2023. Các hoạt động ngoại giao tích cực của Tổng thống Bashar al-Assad cùng sự chủ động đứng ra thu xếp của các nước có tiếng nói như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã giúp Syria có được một màn chào đón tương đối nồng ấm tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Thái tử Saudi Arabia và Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Nguồn: Reuters)

Với vấn đề Syria, Liên đoàn Arab chủ trương tăng cường nỗ lực giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng, chấm dứt đau khổ cho người dân ở các vùng chịu thiệt hại. Tuy vậy, báo Al-Jazeera nhận định quá trình này sẽ không bắt đầu trong giai đoạn ngắn hạn, bởi các lệnh cấm vận của Mỹ sẽ vẫn là cản trở. Trong một bài bình luận, báo trên cho rằng Đạo luật Caesar của Mỹ hiện là trở lại lớn nhất ngăn cản các quốc gia Arab đầu tư vào Syria.

Các chuyên gia nhận định rằng, vấn đề này cần được giải quyết bằng các hành động cụ thể của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Một khi khủng hoảng chính trị tại Syria được giải quyết, sẽ có các tín hiệu tích cực hơn từ chính quyền Washington nhằm gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Saudi Arabia và UAE cũng tin rằng, sẽ đến lúc họ có thể đổ tiền đầu tư vào Syria, mở rộng mạng lưới nhằm tăng ảnh hưởng địa chính trị lên quốc gia này.

Lập trường về xung đột Nga-Ukraine

Bên cạnh sự xuất hiện trở lại của Syria, sự tham gia của Ukraine cũng là một dấu hiệu lạ tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab lần này. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn đang là vấn đề nóng đối với toàn cầu, Liên đoàn Arab chọn lập trường trung lập, giữ quan hệ nhất định đối với chính quyền Moscow.

Đây là kết quả của chính sách đối ngoại mà Saudi Arabia đã theo đuổi gần đây. Thái tử Mohammed bin Salman đang nỗ lực tiến hành các cuộc hoà giải với tinh thần tương tự thứ cách mà Trung Quốc đã làm khi tiến hành hoà giải Saudi Arabia và Iran. Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab được cho là cơ hội tốt để Saudi Arabia phát huy vai trò này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến thăm tới Saudi Arabialần đầu tiên. (Nguồn: Reuters)

Tuy vậy, việc đưa hai quốc gia đang trong trạng thái xung đột như Nga và Ukraine khó hơn nhiều việc hoà giải Saudi Arabia và Iran - hai quốc gia đang cùng tìm kiếm những cơ hội quý báu để tăng cường hoạt động tiếp xúc trong khu vực. Vì vậy, sự có mặt của Tổng thống Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh lần này có lợi ít cho Liên đoàn Arab và có lợi nhiều cho tổng thống Ukraine.

Hiện tại, Kiev đang trong quá trình kêu gọi sự chung tay tái thiết của cộng đồng thế giới. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine đã có chuyến thăm Kuwait nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao, với nội dung chủ yếu về công tác hỗ trợ nhân đạo.

Phát triển kinh tế mới

Một số quốc gia trong khu vực như Ai Cập, Saudi Arabia và UAE đã bắt đầu nghiên cứu, tìm hướng đi để phát triển các mô hình kinh tế mới phù hợp với tình hình thế giới và xu hướng trong tương lai. Các nền kinh tế dầu mỏ đã không còn ở thời kỳ hoàng kim và đây là thời điểm thích hợp nhất để khu vực Arab nói chung và khu vực vùng Vịnh nói riêng nghĩ về các nền kinh tế xanh và nền kinh tế tuần hoàn.

Sáng kiến Trung Đông Xanh được đề xuất vào năm 2021 nhằm giúp các quốc gia trong khu vực phát triển các chương trình, kế hoạch lớn phục vụ nền kinh tế đã bước sang năm thứ hai.

Tuy nhiên, các hoạt động cụ thể chưa được triển khai do những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vốn mới bước ra khỏi khoảng thời gian dịch bệnh chưa được lâu. Đặc biệt, ở một số quốc gia như Lebanon, lạm phát khiến giá cả tăng cao, ảnh hưởng khá lớn tới việc phát triển kinh tế vĩ mô cũng như cuộc sống sinh hoạt người dân.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman phát biểu tại một cuộc họp của Sáng kiến Trung Đông Xanh. (Nguồn: Hãng thông tấn Saudi)

Nhà nghiên cứu Rajeev Argawal của trang WIONews cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab là cơ hội tốt để các quốc gia này nhận được nhiều hỗ trợ hơn trong công tác phát triển các mô hình kinh tế mới và thân thiện hơn. Một số dự án quan trọng có thể sẽ được công bố và triển khai sau hội nghị thượng đỉnh lần này.

Với hội nghị COP28 sắp tới được tổ chức tại UAE, đây cũng là cơ hội tốt để các nước thảo luận tại các phiên họp đa phương và các hoạt động tiếp xúc riêng lẻ về những nội dung có thể được thảo luận tại sự kiện quan trọng đó.

Thêm quan sát viên, tăng độ nhận diện

Trong khu vực Arab, một số quốc gia chưa trở thành thành viên của Liên đoàn Arab bao gồm hai nước có ảnh hưởng lớn là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai quốc gia này, về vị thế, được xem là lớn hơn, nổi bật hơn và mạnh mẽ hơn, vì thế không thể bị ngó lơ trong quá trình hội nhập của Liên đoàn Arab.

Vì thế, một ý tưởng có thể được hình thành sau hội nghị này là việc bắt đầu quá trình từng bước, đưa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên đoàn với tư cách quan sát viên hoặc đối tác đối thoại. Điều này sẽ giúp giảm thiểu đe doạ an ninh từ chính Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực tế, trong khi Iran vẫn đang để ngỏ khả năng tái khởi động chương trình hạt nhân, các hoạt động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới Syria cũng mang lại nhiều nỗi lo cho Liên đoàn. Hiện tại, các quốc gia đóng vai trò quan sát viên của Liên đoàn mới chỉ bao gồm Brazil, Eritrea, Ấn Độ và Venezuela.

Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab 2023 diễn ra trong không khí tích cực. (Nguồn: AFP)

Diễn ra cùng thời điểm với các hội nghị thượng đỉnh khác của G7 và khu vực Trung Á, Liên đoàn Arab cho thấy mình không hề lép vế về vai trò trên trường quốc tế.

Trên thực tế, khi các nước lớn đang phải giải quyết các xung đột địa chính trị thời gian qua, các thành viên Liên đoàn đã chủ động tìm kiếm các giải pháp mang tính khu vực trong việc tháo gỡ các xung đột, đảm bảo an ninh, ổn định trong khu vực. Một ví dụ cụ thể là việc sau khi giao tranh nổ ra rại Sudan, Saudi Arabia đã đóng vai trò cứu trợ, đưa người dân của nhiều quốc gia ra khỏi vùng giao tranh, đến nơi an toàn và trao trả về nước cho nhiều quốc gia Arab và trên thế giới.