📞

Hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran: Đường còn dài và nhiều trắc trở

Vũ Đăng Minh 08:00 | 25/04/2021
Việc đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 là một điểm sáng trong bức tranh thế giới nhiều gam màu xám thời gian vừa qua.

Bức tranh thế giới những tháng đầu năm 2021 là sự lấn át của gam màu xám. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng. Đối đầu Mỹ - Nga có bước leo thang mới nguy hiểm. Nga và một số nước ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến “trục xuất ngoại giao”.

Biển Đông, Biển Hoa Đông dậy sóng bởi các nhóm tàu chiến nhiều nước tham gia các trận đánh giả định. Myanmar chìm trong biểu tình và nguy cơ nội chiến. Binh lực và vũ khí đã dàn trận trong và quanh xứ sở “cách mạng cam”, cùng với những lời tuyên chiến, cảnh báo. Súng vẫn nổ, người vẫn chết ở Syria, Trung Đông…

Nhiều nước đứng trước làn sóng đại dịch Covid-19 thứ tư, số người nhiễm bệnh và chết tăng vọt. Hy vọng mở cửa phục hồi nền kinh tế thế giới như ngọn lửa mới nhen nhóm lại gặp mưa dông.

Nhưng trên nền màu xám, vẫn nổi lên những điểm sáng. Trong đó, có việc đàm phán hồi sinh Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 giữa nhóm P5+1 (Nga, Trung, Mỹ, Anh, Pháp và Đức) với Iran.

Đó là “thỏa thuận thế kỷ” ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân (dù Iran không thừa nhận), góp phần hiện thực hóa giấc mơ của nhân loại về thế giới phi hạt nhân.

Tác động từ bên ngoài và lợi ích của mỗi bên hé mở hy vọng tìm cách đưa Mỹ, Iran chấp nhận đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ảnh chụp cờ Iran tại trụ sở Liên hợp quốc ở Vienna, Áo. (Nguồn: Reuters)

Tín hiệu tích cực

Vì sao các bên chấp nhận đến Vienna?

Khó có câu trả lời đầy đủ, vì mỗi bên đều có mục đích riêng và những lý do khác nhau. Nhưng có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, Iran gặp nhiều khó khăn vì lệnh trừng phạt kinh tế, bị bao vây, cấm vận kéo dài. Đất nước Iran không thể phát triển được nếu quốc tế vẫn duy trì cấm vận.

Thứ hai, Mỹ hiểu rằng biện pháp trừng phạt cũng khó ngăn chặn triệt để chương trình hạt nhân của Iran. Ngược lại, càng kích thích Iran chạy đua sở hữu vũ khí hạt nhân làm công cụ răn đe. Giải quyết chương trình hạt nhân Iran là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden.

Thứ ba, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo, thỏa thuận hạt nhân đang ở “thời điểm nguy nan”. Nếu không hành động ngay sẽ không thể vãn hồi.

Thứ tư, ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân là đòi hỏi của cộng đồng quốc tế. Các nước còn lại của nhóm P5+1 quyết tâm bảo vệ thỏa thuận. Liên hợp quốc và nhiều nước kêu gọi Mỹ, Iran quay lại thỏa thuận. EU đưa ra các chính sách kinh tế ưu đãi, khuyến khích Iran thực thi cam kết; đồng thời, nỗ lực tiếp xúc với Mỹ tìm cách tháo gỡ bế tắc.

Tháng 2/2021, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi thăm Iran và chính phủ nước này gia hạn thêm 3 tháng hoạt động có giới hạn của thanh sát viên tại các cơ sở hạt nhân.

Đó có thể xem là tín hiệu tích cực từ Iran. Nhưng thời gian gia hạn sắp hết.

Tác động từ bên ngoài và lợi ích của mỗi bên hé mở hy vọng tìm cách đưa Mỹ, Iran chấp nhận đàm phán khôi phục thỏa thuận, bắt đầu từ ngày 6/4.

Lạc quan thận trọng

Đám phán đang ở vòng thứ 2, bắt đầu từ ngày 15/4. Các bên đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về những kết quả đầu tiên.

Đặc phái viên EU Enrique Mora nói nhiệm vụ lần này rất khó khăn, nhưng các bên đã đạt tiến triển và đang tìm kiếm những giải pháp cụ thể. Đặc phái viên Nga Mikhail Ulianov hài lòng với kết quả đạt được, đàm phán chậm nhưng chắc.

Đặc phái viên Trung Quốc Wang Qun cho biết các bên nhất trí đẩy nhanh tiến độ, hy vọng vài ngày tới sẽ bàn việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.

Trưởng đoàn Iran Abbas Araqchi đánh giá, vẫn tồn tại bất đồng nghiêm trọng, nhưng đang hình thành một sự thống nhất, giúp các cuộc thảo luận tiến tới nấc mới là cùng xây dựng một văn bản chung “ít nhất là về những lĩnh vực có chung quan điểm”.

Đại diện Mỹ cũng bày tỏ nhìn nhận tích cực. Tổng thống Mỹ cho rằng Iran tiếp tục tham gia đàm phán là điều đáng mừng.

Kết quả rõ nhất là các bên chấp nhận tiếp tục trao đổi, dù phía Mỹ là gián tiếp, để tìm cách đưa Mỹ quay lại thỏa thuận và Iran thực thi các cam kết. Các bên thống nhất giao cho 2 ủy ban làm việc song song để lập danh sách các biện pháp trừng phạt Mỹ cần dỡ bỏ và các nghĩa vụ Iran phải thực hiện.

Kết quả vẫn mang tính kỹ thuật, tạo cơ hội cho 2 bên thu hẹp khoảng cách về sự hiểu biết lẫn nhau. Còn chấp nhận các nội dung cụ thể và chính thức đồng ý khôi phục thỏa thuận lại là chuyện khác, cấp độ khác.

Vẫn còn ngờ vực

Trước hết từ sự khác biệt lớn về quan điểm và thái độ cứng rắn của cả Mỹ lẫn Iran. Vấn đề mấu chốt là ai nhượng bộ trước? Mỹ dỡ bỏ trừng phạt trước hay Iran thực hiện cam kết trước? Mỹ dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt như yêu cầu của Iran hay chỉ dỡ bỏ những lệnh trừng phạt không liên quan đến thỏa thuận.

Đặc biệt, Mỹ còn muốn nâng cấp thỏa thuận “lâu dài và mạnh mẽ hơn”, kéo dài thời gian kiểm soát chương trình hạt nhân Iran, gắn với giải quyết vấn đề tên lửa đạn đạo của Iran và Tehran ngừng can dự quân sự ở khu vực… Đây là điều mà Iran không chấp nhận như tuyên bố gần đây “không sửa một chữ nào” của bản thỏa thuận đã ký.

Hơn nữa, 2 bên luôn ngờ vực nhau và đã có nhiều hành động cứng rắn, kể cả hành động quân sự. Mỹ và Iran còn chịu tác động của các thế lực bên trong phản đối thỏa thuận.

Ngoài ra, không thể không tính đến các tác nhân khác. Mới đây, EU đã công bố lệnh trừng phạt bổ sung với quan chức Iran, gia tăng không khí căng thẳng bên ngoài phòng đàm phán. Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) yêu cầu tham gia như một bên đàm phán.

Đặc biệt, Israel luôn phản đối thỏa thuận và tuyên bố sẵn sàng tấn công các cơ sở hạt nhân Iran. Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ “khủng bố hạt nhân”, tấn công mạng, gây nổ hệ thống điện ở cơ sở hạt nhân Natanz ngày 11/4. Iran đáp trả bằng tuyên bố làm giàu uranium lên mức 60% (thỏa thuận quy định không quá 3,67%).

Bất cứ hành động quân sự nào của Israel hoặc của một lực lượng khác cũng có thể dẫn đến hành động đáp trả của Iran và đàm phán sẽ ngừng trệ.

Chặng đường còn dài

Tình thế đặt ra cho cộng đồng quốc tế câu hỏi, đàm phán có đi đến kết cục không và khi nào? Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách an ninh, đối ngoại EU nhận xét: đây là vấn đề lớn, phức tạp nên khó và quá sớm để nói về kết quả.

Mỗi bên có lợi thế riêng và những tính toán, phương án khác nhau. Rà soát rất nhiều điều khoản thỏa thuận là chuyện không đơn giản. Thuyết phục nhau chấp nhận các điều khoản thỏa thuận đã là việc khó, thực thi đầy đủ các cam kết và giám sát thực hiện lại càng khó hơn.

Phương án khả dĩ nhất là Mỹ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt không liên quan đến thỏa thuận. Iran cam kết không có thêm các hoạt động hạt nhân, tạo không khí thuận lợi cho các vòng đàm phán tiếp theo. Đạt được kết quả này cũng mất vài tuần, có thể trước thời điểm tháng 5/2021.

Thời gian đàm phán liên quan lớn đến ngày 18/6, bầu cử Tổng thống Iran. Tổng thống Iran đương nhiệm Hassan Rouhani phải cân nhắc cách đàm phán tạo lợi thế bầu cử. Nếu phe cứng rắn thắng cử, thì chính phủ mới chưa chắc đã tiếp tục đàm phán hoặc đàm phán với những điều kiện cao hơn. Khi đó, tiến trình đàm phán còn kéo dài hơn.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phải cân nhắc cách đàm phán tạo lợi thế bầu cử.

Rõ ràng, con đường phía trước còn dài, còn nhiều vật cản và có thể phải trải qua một số chặng. Trong ngăn kéo đàm phán luôn có các phương án khác nhau. Nâng hay giảm mục tiêu, điều kiện đàm phán tùy thuộc vào tính toán, tình hình mỗi bên và bối cảnh, tác động từ bên ngoài, nhất là áp lực phi hạt nhân hóa của cộng đồng.

Ít nhất, đối thoại cũng là khởi đầu phù hợp. Hy vọng thống nhất được một số bước đi cả từ 2 phía. Dù chưa trọn vẹn, nhưng với tình thế hiện nay, thì đó cũng là tín hiệu đáng chờ đợi.